Hành trình nhọc nhằn của những bộ phim sử Việt

Đời thường - Ngày đăng : 06:00, 17/09/2019

Chọn đề tài hẹp, sự kiện lịch sử và cách thể hiện khác nhau nhưng các dự án độc lập này đều gặp nhau ở tâm huyết và tình yêu với lịch sử dân tộc. Tuy vậy, đó là một hành trình chẳng hề dễ dàng, kể cả khi đoàn phim đã tạo được tiếng vang.
Hành trình nhọc nhằn của những bộ phim sử Việt

Những thước phim lịch sử tại rạp chiếu

9 giờ tối thứ 6, một tối bắt đầu những ngày nghỉ cuối tuần, gần 20 người trẻ độ tuổi từ 20-35 vừa rời khỏi cụm rạp BHD vừa bàn luận sôi nổi về bộ phim tài liệu lịch sử có tên Những cánh én đầu tiên dài khoảng 48 phút. Hồi tháng 4 năm nay, bộ phim cũng đã có 6 suất chiếu ở Đà Nẵng, 5 suất chiếu tại Hà Nội và đều kín rạp. Theo chia sẻ từ các ekip, cũng là người đứng ra thuê các rạp chiếu này, phần đông khán giả đều là những người trẻ tuổi, tìm đến thưởng thức bộ phim trên màn ảnh rộng sau khi đã xem trên mạng. Để nhiều người nhất có thể xem được bộ phim chính là lý do thôi thúc ekip đưa phim ra rạp. Galaxy đã nhận lời hỗ trợ.

Nằm trong series Không chiến Việt Nam, Những cánh én đầu tiên do Xưởng phim Én Bạc - hãng phim hoạt hình 3D thuộc trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) sản xuất, tái hiện cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) ngày 4/4/1965 của lực lượng Không quân Việt Nam với lực lượng Không quân - Hải quân Mỹ. Điểm đáng chú ý của bộ phim là sự kết hợp giữa phim tài liệu (qua lời kể của Trung tướng Trần Hanh - người duy nhất trong 4 phi công của sư đoàn Không quân Sao Đỏ còn sống sau khi thực hiện nhiệm vụ, các nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự) và tái hiện trận chiến bằng đồ họa, kỹ xảo điện ảnh 3D. Trước đó, đoạn trailer trên fanpage của phim đã thu hút gần 800.000 lượt xem.

Cuối năm 2018, một dự án phim lịch sử khác của nhóm Việt sử kiêu hùng có tên Tử chiến thành Đa Bang 2: Sắt, tái hiện lại cuộc chiến chống quân xâm lược Minh đầy bi tráng của quân dân nhà Hồ, cũng đường hoàng ra thẳng rạp chiếu nhờ sự hỗ trợ của cụm rạp BHD. Dù chỉ là diễn họa nhưng những nét vẽ chân thực và sống động, những cú chuyển cảnh mượt mà… đã khiến khán giả nín thở xem đến giây cuối cùng. Đó không chỉ đơn thuần là một câu chuyện lịch sử được kể lại mà còn mang đến một góc nhìn khác biệt quanh những câu chuyện vốn dĩ nằm im trên giấy, thậm chí, với nhiều người, chưa bao giờ được nghe nhắc đến.

Câu chuyện của Tử chiến thành Đa Bang 2 và Việt sử kiêu hùng cũng tương tự câu chuyện của ekip Những cánh én đầu tiên. Các tập phim thử nghiệm trước đó của nhóm như: Võ Tánh, Lý Thường Kiệt đại chiến Ung Châu thành hay Tử chiến thành Đa Bang 1: Giấy… khi ra mắt trên YouTube đều nhận được sự quan tâm đông đảo của người xem.

Một thị trường còn bỏ trống

Sự đón nhận của khán giả tại rạp chiếu dù không rầm rộ như các phim bom tấn trên màn ảnh rộng, nhưng rõ ràng, đã trở thành niềm khích lệ vô cùng lớn cho những ekip thực hiện. Đồng thời, phản ánh sự thiếu hụt trầm trọng những bộ phim lấy đề tài từ lịch sử Việt Nam (không phải phim giả tưởng hoặc lấy cảm hứng) và được làm theo phong cách của những người trẻ (tận dụng công nghệ).

su-01-5414-1568292553.jpg

Tử chiến thành Đa Bang 2 - diễn họa của nhóm Việt sử kiêu hùng

Hai dự án phim lịch sử khác đã được nhen nhóm ngay sau thành công của Tử chiến thành Đa Bang. Một là Phượng Khấu, kể về những thâm cung bí sử triều Nguyễn do đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh (cố vấn của dự án Tử chiến thành Đa Bang 2) và Lam Mộc Kỷ, xoay quanh giai đoạn khởi nghĩa Lam Sơn do Việt sử kiêu hùng khởi xướng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tìm được một nhà đầu tư cho những dự án lịch sử không hề dễ dàng. Để có được chừng ấy phút phim chiếu trên màn ảnh rộng, ekip thực hiện đều phải tự thân vận động vượt khó, tìm kiếm nguồn đầu tư và tiết kiệm chi phí hết sức có thể.

Với Những cánh én đầu tiên, đoàn phim đã dùng tấm vải xanh (làm phông xanh) căng rộng giữa sân bóng đá, các cảnh quay được thực hiện trong ngày nắng gắt nhất để đảm bảo đồng nhất về ánh sáng. Buồng phi công là thùng carton cắt ghép, ghế gỗ và một khúc cây làm… cần lái. Các khâu còn lại, từ lên ý tưởng, tìm cộng sự, nghiên cứu tư liệu, chắt lọc dữ kiện và phỏng vấn những người có liên cho đến tìm diễn viên đều nhờ sự hỗ trợ của chính ekip.

Tương tự, sản phẩm của Việt sử kiêu hùng dù sở hữu lượt view khá cao (trung bình có khoảng 255 triệu lượt) trên YouTube nhưng việc kêu gọi góp vốn cộng đồng của nhóm đã thất bại. Tìm nhà đầu tư cũng không khả quan nên dự án Lam Mộc Kỷ đang có nguy cơ không thành. Đại diện nhóm cho biết, series đã sản xuất được gần 2/3 buộc phải đổi kế hoạch. Thay vì 25 phim ngắn như dự định, nhóm chỉ tập trung làm 1-2 tập phim chất lượng, có thể ra rạp.

Làm phim độc lập đã khó, làm phim độc lập lấy đề tài lịch sử càng khó hơn gấp nhiều lần. Con đường này sẽ chẳng thể bớt gập ghềnh, điện ảnh Việt sẽ chẳng thể thêm sinh động, tươi tắn như bao lần người Việt trầm trồ xem phim sử xứ người nếu không có sự chung tay cộng hưởng từ nhiều nguồn lực.

Phương Trang