Điều chỉnh tỷ giá linh hoạt hơn nữa
Trong nước - Ngày đăng : 04:00, 21/09/2019
* Việc VND mạnh lên, theo ông, sẽ tác động thế nào đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước?
- Chính sách đồng tiền mạnh có nghĩa hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài sẽ đắt đỏ hơn. Ví dụ, doanh nghiệp bán ra nước ngoài một sản phẩm có giá 1 USD, với tỷ giá hiện nay, họ chỉ thu về được 20.000 đồng. Như vậy, doanh nghiệp phải bán được 1,2 sản phẩm mới có được 23.000 đồng như trước đây.
* Nhận định về sự mạnh yếu của VND từ đầu năm đến nay, ông nói gì?
- Tỷ giá của nước ta ổn định từ đầu năm đến nay chứng tỏ VND mạnh. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) muốn áp dụng chính sách đồng tiền mạnh để duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tạo niềm tin cho người sử dụng VND. Tuy nhiên, VND mạnh sẽ gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu.
Sức ép lên hàng hóa nội địa cũng sẽ lớn hơn nếu các nước xuất khẩu vào Việt Nam sử dụng công cụ đồng tiền yếu. Điều đó có nghĩa, các nước này để tỷ giá đồng bản tệ của họ tăng lên so với đồng USD, khi đó hàng hóa vào Việt Nam sẽ rẻ hơn, cạnh tranh với hàng hóa nội địa. Thêm nữa, tính đến nay VND tăng giá so với CNY là 4,8% kể từ đầu năm. Với mức tăng giá này, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chắc chắn chịu ảnh hưởng. Như vậy, dù VND thời điểm này khá ổn định nhưng không hỗ trợ cho xuất khẩu.
Tỷ giá đồng CNY so với USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2008. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã dùng một số biện pháp để đối phó với cuộc chiến thương mại bằng cách ép tỷ giá xuống để hàng hóa bán ra rẻ hơn. Chẳng hạn, việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ấn định tỷ giá tham chiếu CNY ngày 9/9 ở mức 6,3632 CNY/USD, đã giúp đồng CNY tăng nhẹ 0,01% so với phiên hôm trước. CNY giảm giá tạm thời là do kỳ vọng Mỹ - Trung sẽ nối lại các đàm phán. Nhưng tôi nghĩ rằng sẽ không đi đến đâu. Dự đoán của tôi từ nay tới cuối năm, đồng CNY có thể tiếp tục mất giá do tác động của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ.
* Nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên giảm giá VND, còn ý kiến của ông?
- Tôi đồng ý với quan điểm này. Việt Nam cần giảm giá tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc đang giảm mạnh. Cạnh tranh không chỉ ở hàng hóa mà Trung Quốc còn dựng lên một số rào cản cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc. Nếu Việt Nam tiếp tục giữ tỷ giá ổn định so với USD và CNY thì hàng hóa của Việt Nam sẽ ngày một khó khăn hơn so với hàng Trung Quốc. Trên thế giới cũng vậy, hàng hóa của Việt Nam cần có sự cạnh tranh.
* Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang sẽ tăng áp lực lên đồng CNY. Lưu ý của ông cho điều hành chính sách tiền tệ vào thời điểm này là gì?
- Đồng tiền mạnh vào thời điểm này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu. NHNN từ trước đến nay rất linh hoạt trong điều chỉnh tỷ giá và thực hiện các chính sách hối đoái phù hợp, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần mạnh mẽ hơn nữa, linh hoạt hơn nữa, theo hướng bám sát thị trường và điều chỉnh tỷ giá mạnh hơn từ nay đến cuối năm.
* Cảm ơn ông.