Nhà ở cho người lao động nhập cư

Trong nước - Ngày đăng : 00:28, 26/09/2019

Hội thảo “Giải pháp an cư cho người lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” do Báo Tiền Phong tổ chức mới đây đã đặt ra vấn đề nhà ở cho người lao động nhập cư. Thực tế nhu cầu này, Nhà nước và các doanh nghiệp chỉ mới đáp ứng được khoảng 28%.
Nhà ở cho người lao động nhập cư

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TP.HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang) là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Là khu vực được đánh giá cao về nhiều mặt nhưng điều kiện sống và làm việc của người lao động (NLĐ) ở khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là lĩnh vực nhà ở.

Tính đến đầu năm 2019, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có khoảng 1,2 triệu NLĐ tại các khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở. Dự kiến đến đầu năm 2020, con số này sẽ vào khoảng 1,7 triệu NLĐ. Nhà ở cho NLĐ tại khu vực này hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua. Còn lại, phần lớn NLĐ đang phải trọ tại nhà dân với điều kiện sống rất thấp.

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, hiện nay hầu hết các khu công nghiệp tập trung trên cả nước đều thiếu hoặc không có nhà ở cho NLĐ. Số lượng công nhân tăng ngày càng nhanh nhưng trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất... chưa tính đến nhu cầu chỗ ở cho NLĐ. Mặt khác, các chính sách hiện hành chưa có chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhà ở cho NLĐ.

Với dự án nhà ở cho NLĐ nhập cư ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (chiếm 50% trong tổng số lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung), hiện đã hoàn thành 100 dự án, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn. Số nhà này chỉ mới được bố trí cho khoảng 330.000 NLĐ (chưa đến 30%).

Nhìn chung, trên phạm vi cả nước, hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, mà trong đó, khó khăn lớn nhất là vốn ngân sách. Ngoài vấn đề vốn ngân sách, nhà ở cho NLĐ nhập cư hiện nay cũng chưa được nhiều địa phương và các doanh nghiệp quan tâm đúng mức.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần có những giải pháp quyết liệt để triển khai chương trình nhà ở cho NLĐ nhập cư. Cần có cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ NLĐ tạo lập nhà ở. Bên cạnh đó, những giải pháp về đầu tư quỹ đất, vốn hỗ trợ triển khai dự án nhà tập thể cho NLĐ với các tiêu chuẩn phù hợp... cũng cần các cơ quan chức năng quan tâm đặc biệt. Việc quy hoạch đồng bộ nhà ở và các tiện ích công cộng kèm theo như trường học, bệnh viện, siêu thị, đường giao thông... rất cần được thực hiện để tạo dựng môi trường thuận lợi cho NLĐ an cư lạc nghiệp.

P.V