Ngành bán lẻ thay đổi theo khách hàng
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 28/09/2019
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2018 ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng đột phá khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng khoảng 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017. Bảy tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 11,56% so với cùng kỳ năm 2018.
Việt Nam có quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ và ưa thích kết nối. Thời gian qua, chi tiêu hộ gia đình của nước ta tăng trung bình 10,5%/năm, dự báo sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại của Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi tỷ lệ này ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%... Đây là những điều kiện giúp thị trường bán lẻ Việt Nam dù luôn tăng trưởng cao nhưng vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển.
Tăng trưởng mạnh nhưng các nhà bán lẻ phải thay đổi phù hợp với xu hướng phát triển của ngành công nghiệp 4.0. Ông Jason Moy - Giám đốc điều hành Boston Consulting Group (BCG) của Singapore cho rằng, xu hướng bán lẻ ở Việt Nam không nằm ngoài xu hướng trên thế giới. Hiện nay, cần có các giải pháp công nghệ kỹ thuật số sao cho thỏa mãn được nhu cầu về sự tiện lợi cùng những trải nghiệm mua sắm mọi lúc, mọi nơi của các thế hệ khách hàng hiện đại. “Tối ưu hóa trải nghiệm của người tiêu dùng và các hoạt động của doanh nghiệp bằng cách cho phép khách hàng được truy cập liên tục các dữ liệu đa dạng của doanh nghiệp để có thể tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ một cách thuận tiện, tiết kiệm thời gian nhất”, ông Jason Moy nhận định.
Cùng nhận định này, ông James Yang - lãnh đạo phụ trách mảng bán lẻ và hàng tiêu dùng của Oliver Wyman cho rằng, cạnh tranh trong ngành bán lẻ hiện nay là mang lại trải nghiệm cho khách hàng. Bởi, người tiêu dùng không còn trung thành với các thương hiệu như trước mà rất dễ thay đổi nếu thương hiệu đó không đáp ứng được yêu cầu của họ. Trước sự thay đổi của khách hàng, các nhà bán lẻ phải thay đổi cung cách phục vụ và cả những thiết kế của nơi mua sắm để phục vụ những khách hàng tiêu dùng mới.
Chia sẻ tại hội thảo “New wave of retail - Làn sóng bán lẻ mới” do Vincom Retail vừa tổ chức, ông Richard Wood - Giám đốc Công ty Concept-I cho biết, hiện nay, một trung tâm thương mại không chỉ là trung tâm mua sắm mà còn là nơi tương tác xã hội. “Việt Nam có dân số trẻ, vì thế các thiết kế cũng hướng đến các khách hàng trẻ và thường là không gian mở hướng đến sự tương tác, trải nghiệm. Các thiết kế của không gian bán lẻ phải đáp ứng được xu hướng mua sắm với trải nghiệm”, Richard Wood tư vấn.
Nắm được xu hướng đó nên các trung tâm thương mại mới của Vincom Retail đều hướng đến sự thuận tiện kết hợp các yếu tố trải nghiệm để tạo sự đa dạng, thích thú cho khách hàng. Theo lãnh đạo của Vincom Retail, ba trung tâm thương mại Vincom Mega Mall đưa vào hoạt động trong năm 2020 sẽ được thiết kế để mang tới trải nghiệm mới cho “khách hàng thời công nghệ”. “Đó là sự tiện lợi đến từ bãi đỗ xe thông minh quy mô lớn trên mặt đất ngay bên ngoài các trung tâm thương mại, hay các yếu tố thiên nhiên kết hợp hiệu ứng ánh sáng bên trong tòa nhà, tạo nên không gian thân thiện môi trường. Các Vincom Mega Mall mới sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong các hướng dẫn chỉ đường hay việc hỗ trợ cập nhật thông tin ưu đãi nhanh chóng nhất...”, lãnh đạo Vincom Retail chia sẻ.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong 2-3 năm tới, thị trường bán lẻ trong nước sẽ xuất hiện thêm những chuỗi bán lẻ nước ngoài. Các nhà bán lẻ mới sẽ mang theo nhiều sản phẩm mới cùng công nghệ và sự tiện lợi cho người tiêu dùng. Khi đó, thị trường sẽ chứng kiến nhiều mô hình bán lẻ mới với những tiện ích hiện đại, phục vụ tối đa nhu cầu trải nghiệm, giải trí, sáng tạo.