Doanh nghiệp nhập khẩu chính thức ngừng vay ngoại tệ
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 00:56, 30/09/2019
Trước đó các khoản vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay cũng đã chấm dứt kể từ 31/3/2019.
Đây là một trong những giải pháp để nhà điều hành hướng đến mục tiêu chống đô la hóa trong nền kinh tế. Đáng nói là nếu như trước đây, đối tượng khách hàng doanh nghiệp xuất khẩu thuộc nhóm bị hạn chế vay ngoại tệ, các thông tư trước đó cũng đặt ra yêu cầu thời hạn chấm dứt cho vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, thì Thông tư 42 đã bất ngờ xoay hướng khi đặt nhóm doanh nghiệp nhập khẩu thay nhóm xuất khẩu vào đối tượng không còn được vay ngoại tệ.
Dư nợ cho vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp nhập khẩu kể trên không được công bố định kỳ như nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, nên thật khó để biết chính xác là bao nhiêu, tuy nhiên có thể cũng không phải là con số nhỏ.
Lý giải về nguyên nhân hạn chế vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp nhập khẩu, nhiều ý kiến cho rằng nhà điều hành muốn hạn chế nhập siêu và thu hẹp thâm hụt thương mại với một số đối tác thương mại lớn trong khu vực, nhất là trong bối cảnh tiền đồng đã tăng giá so với nhiều ngoại tệ khác. Ngoài ra, nhóm khách hàng doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu nhập hàng, nguyên vật liệu để bán sản xuất trong nước, do đó không đảm bảo về nguồn thu ngoại tệ, vốn là một trong những điều kiện quan trọng để được vay ngoại tệ.
Ở chiều ngược lại, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu cần được hỗ trợ để tiếp tục tiếp cận được các khoản vay ngoại tệ giá rẻ, do đóng góp tích cực hơn vào các hoạt động trong nền kinh tế, cũng như góp phần mang lại nguồn cung ngoại tệ cho quốc gia. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ leo thang, các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu là cần thiết để tăng lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp thuộc nhóm này.
Như vậy, kể từ tháng 10/2019, theo quy định tại Thông tư 42/2018/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn như sau: (i) Cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu; (ii) Cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu; (iii) Cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu; (iv) Cho vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư được cấp phép.
Với việc cắt đứt thêm một nhu cầu vay ngoại tệ, nhà điều hành kỳ vọng cầu ngoại tệ trong nền kinh tế sẽ giảm xuống, góp phần giúp ổn định thị trường ngoại hối và tránh gây sức ép thêm lên tỷ giá trong thời gian tới. Theo định hướng của NHNN, mục tiêu đặt ra là giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng dư nợ tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.