Thị trường âm nhạc hưởng lợi từ sự bùng nổ của Netflix

Đời thường - Ngày đăng : 08:00, 01/10/2019

Với sự phụ thuộc vào quyền phái sinh (syncs: quyền mà người giữ bản quyền một ca khúc cho phép một đơn vị sử dụng ca khúc đó trong phim ảnh, game…) của các chương trình nổi tiếng như “Russian Doll”, “Stranger Things” phát hành trên Netflix, một lĩnh vực mới với nhiều cơ hội phát triển đã mở ra cho các nghệ sĩ ghi âm.
Thị trường âm nhạc hưởng lợi từ sự bùng nổ của Netflix

Năm 2018, Netflix sản xuất gần 1.500 giờ nội dung, gồm khoảng 300 chương trình trên toàn cầu gắn liền với các bài hát thương mại. Trong thời gian chuyển tiếp giữa các video trên Nexflix, một bài hát có sẵn trong danh sách sẽ được phát lên, đó có thể là U Don't Know của Jay-Z trong When day see us hay Caldera, Caldera! của Gemma Ray's trong Russian Doll.

Thông thường, Netflix sẽ cấp phép vĩnh viễn trên toàn cầu cho các bài hát xuất hiện trong các chương trình của họ. Tùy theo độ phổ biến và mức trả phí của người xem, các nghệ sĩ có tên tuổi và các bài hát “hit” có thể nhận được từ 40.000 - 50.000 USD, đôi khi nhiều hơn.

Tất nhiên, sự cạnh tranh là điều khó tránh khỏi. Nghệ sĩ tự do thường bị chèn ép. Các nhà tuyển chọn âm nhạc cho các bộ phim nhận thấy mức phí các nghệ sĩ nhận được từ giao dịch với Netflix đang ngày càng thấp dần, dao động từ 500 - 1.000 USD. “Các nghệ sĩ tên tuổi thường nhận được mức phí rất cao, các nghệ sĩ khác sẽ nhận những gì còn lại. Có thể là 3.000, cũng có thể là 10.000 USD cho tất cả” - một nhà tuyển chọn chia sẻ.

Theo báo cáo âm nhạc toàn cầu của Liên đoàn Quốc tế, doanh thu của các giao dịch âm nhạc đã được cấp phép hay quyền phái sinh chỉ chiếm 2,3% tổng doanh thu thị trường âm nhạc. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang tăng trưởng hết sức ấn tượng. Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) nhận định, chính nhờ vào các dịch vụ như Spotify, Shazam và Tunefind (một cơ sở dữ liệu phổ biến về âm nhạc được sử dụng trong chương trình, phim và các video game trên Netflix) giúp các bài hát dễ dàng đến với người xem và thúc đẩy giao dịch mua bán âm nhạc. Nhờ đó, thị trường này đã tăng thêm 34% trong năm 2018.

Hiện tại, vấn đề lớn mà Netflix đang gặp phải là thỏa thuận với các đối tác quá phức tạp. Chẳng hạn với tập phim Rachel, Jack and Ashley Too trong series Black Mirror, nhà tuyển chọn Amelia Hartley đã mất rất nhiều tháng để thương lượng về các điều khoản. Dù vậy, Hartley khẳng định: “Netflix là đối tác rất thiện chí. Bạn có thể gởi các ý tưởng liên quan đến âm nhạc thương mại, họ sẽ cho biết chi phí bạn cần để thực hiện. Quan trọng hơn, họ không bao giờ từ chối”.

Bằng phương thức hỗ trợ tích cực như vậy, Netflix đang ngày càng khẳng định vị trí của nó không chỉ với người sử dụng dịch vụ mà còn với các cá nhân làm công việc sáng tạo.

(Theo Hollywood Reporter)

Như Huỳnh