NAPAS tiếp tục điều chỉnh phí dịch vụ chuyển mạch tài chính

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 01:46, 02/10/2019

Sau khi giảm một loạt lãi suất điều hành chủ chốt thêm 0,25% kể từ ngày 16/9/2019, thì mới đây ngành ngân hàng lại đón nhận thêm các giải pháp hỗ trợ mới.
NAPAS tiếp tục điều chỉnh phí dịch vụ chuyển mạch tài chính

Kể từ đầu tháng 10/2019, Công ty Cổ phần (CTCP) thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tiếp tục triển khai chính sách điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho các giao dịch trên ATM và giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7.

Đây được xem là động thái nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán, thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 đối với Tổ chức phát lệnh được giảm 13%; phí dịch vụ các giao dịch rút tiền trên ATM cho Tổ chức Phát hành, Tổ chức Thanh toán lần lượt giảm 70% và 100%; phí dịch vụ chuyển khoản nội bộ và các giao dịch phi tài chính gồm: vấn tin, in sao kê, đổi pin cho Tổ chức thành viên NAPAS sẽ về 0, tức miễn phí.

Ngoài ra, nhằm tiếp tục hỗ trợ các Tổ chức tín dụng có thêm ngân sách thúc đẩy các chương trình ưu đãi, khuyến khích khách hàng thanh toán chi tiêu bằng thẻ nội địa, thanh toán qua tài khoản ngân hàng, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 tại Việt Nam của Chính phủ, NAPAS tiếp tục triển khai chương trình khuyến mại giảm 50% phí dịch vụ đối với các giao dịch trên ATM và các giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 trong thời gian từ 3/10/2019 đến hết 31/12/2019, áp dụng cho tất cả tổ chức thành viên NAPAS.

Như vậy, kể từ khi sáp nhập với CTCP Dịch vụ Thẻ Smartlink vào năm 2016 cho đến nay, NAPAS đã thực hiện 4 lần điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển mạch, lần 1 vào ngày 1/3/2018, lần 2 vào ngày 1/3/2019, lần 3 vào ngày 1/5/2019, lần 4 vào ngày 1/10/2019. Được biết phát triển hạ tầng thanh toán bán lẻ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam là sứ mệnh của công ty trong giai đoạn phát triển thời gian qua.

Một chính sách hỗ trợ khác dành cho ngành ngân hàng là trong ngày 30/9/2019, Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã ban hành Quyết định số 203/QĐ-TTTD về việc giảm giá các sản phẩm thông tin tín dụng, có hiệu lực cũng từ ngày 1/10/2019, đánh dấu lần giảm thứ hai liên tiếp trong năm nay.  Theo đó, giá các sản phẩm thông tin tín dụng sẽ có mức giảm trung bình 15% so với hiện hành. Trước đó, ngày 17/4/2019, CIC đã giảm giá 10% toàn bộ sản phẩm thông tin tín dụng. 

Ngoài ra, CIC vẫn tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi với một số tổ chức như Quỹ Tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô: áp dụng mức giá bằng 20% so với mức giá sản phẩm tương ứng cung cấp cho tổ chức tín dụng; Ngân hàng Chính sách xã hội: áp dụng mức giá bằng 50% so với mức giá sản phẩm dịch vụ tương ứng cung cấp cho tổ chức tín dụng. 

Theo CIC cho biết thì chính sách phí mới nhằm đồng hành cùng hệ thống ngân hàng Việt Nam trong việc giảm chi phí hoạt động, hoạt động, qua đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp và cá nhân có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất phù hợp. Ngoài ra, động thái giảm giá này được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng đẩy mạnh hơn việc tra soát TTTD của khách hàng vay (KHV) nhằm hỗ trợ hoạt động tín dụng, quản trị rủi ro tín dụng, quản trị danh mục KHV, góp phần giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Nếu như việc giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm, giúp các nhà băng giảm được chi phí vốn đầu vào, thì những chính sách mới điều chỉnh của NAPAS và CIC sẽ góp phần tiết giảm chi phí hoạt động.

Trước hàng loạt chính sách giúp giảm chi phí vốn đầu vào lẫn chi phí hoạt động như trên, không khó để nhận thấy nhà điều hành đang nỗ lực đồng hành cùng các TCTD trong việc đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất cho vay ra nhằm hỗ trợ nền kinh tế, trong bối cảnh rủi ro và bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng, nguy cơ suy thoái lớn dần cho giai đoạn tới.

Gia Lê