TP.HCM sẽ quản lý phí đỗ xe ô tô lòng đường bằng trí tuệ nhân tạo

Trong nước - Ngày đăng : 02:49, 02/10/2019

Sáng ngày 2/10/2019, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết UBND TP.HCM vừa đồng ý chủ trương thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở đường Lê Lai (quận 1) và khu vực sân bay Tân Sơn Nhất trong 6 tháng theo đề xuất của Sở.
TP.HCM sẽ quản lý phí đỗ xe ô tô lòng đường bằng trí tuệ nhân tạo

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ xem xét, thẩm tra các vấn đề kỹ thuật liên quan đến hệ thống thiết bị có ứng dụng AI nêu trên trước khi lắp đặt, đảm bảo yêu cầu về bảo mật thông tin, khả năng tích hợp trong tương lai, và phù hợp với đề án “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI tại TP.HCM giai đoạn 2019-2025”.

Trí tuệ nhân tạo là giám sát và xác định thông tin các xe đang đỗ, các ô đỗ còn trống một cách tự động tại khu vực bãi đỗ xe thí điểm...

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý phí đỗ xe thông qua lắp đặt hệ thống camera giám sát bãi đỗ xe trên đường Lê Lai, quận 1. Hệ thống gồm xây dựng giải pháp giám sát và xác định thông tin các xe đang đỗ, các ô đỗ còn trống một cách tự động tại khu vực bãi đỗ xe thí điểm; giả lập hệ thống tính toán thời gian đỗ xe và trừ tiền đỗ xe vào tài khoản giả định của khách hàng.

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất ứng dựng AI trong việc nhận diện tự động phương tiện lưu thông vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo đó, sẽ lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các điểm ra, vào khu vực sân bay và các tuyến đường xung quanh như đường Trường Sơn, Bạch Đằng, Hồng Hà...

Hệ thống sẽ tự động nhận diện biển số xe, phân loại phương tiện (xe ôtô con, xe tải, taxi, ô tô khách, xe hai bánh...), xác định thời gian ra vào khu vực sân bay, kiểm soát lưu thông trên các làn xe khác nhau, phát hiện tự động các phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Hệ thống này cũng tự động nhận diện, phân loại phương tiện, thống kê các phương tiện thật sự có nhu cầu vào sân bay. Xây dựng mô hình giả lập tính toán nguồn thu (theo các thang mức giá thu phí khác nhau) trong trường hợp thu phí phương tiện lưu thông vào sân bay.

Với dân số hơn 10 triệu người, TP.HCM đã và đang phải đối mặt với những thách thức, những điểm nghẽn lớn trong quá trình phát triển, đặc biệt là trên lĩnh vực giao thông đô thị, trong khi thiếu cơ chế điều hành giao thông thật sự thông minh. Vì vậy, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giao thông sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề của thành phố cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Từ tháng 8/2018, TP.HCM triển khai thu phí đỗ xe ôtô qua ứng dụng “My Parking” trên điện thoại thông minh ở 23 tuyến đường thuộc quận 1, 5 và 10. Ban đầu, Sở GTVT dự tính mỗi ngày thu về hơn 400 triệu đồng nhưng sau hơn một năm thực hiện, doanh thu trung bình chỉ đạt gần 4 triệu đồng (khoảng 1% doanh thu dự kiến). Việc thiếu chế tài và những hạn chế trong công nghệ khiến việc thu phí thất thu, không như kỳ vọng.

Do đó, Sở GTVT dự kiến sẽ áp dụng chế tài xử phạt nguội và kiến nghị không đăng kiểm đối với xe không trả phí đậu xe dưới lòng lề đường. Cụ thể, sau 15-30 ngày từ khi lập phiếu nhắc nhở, người vi phạm vẫn chưa chấp hành trả nợ phí và chưa đến UBND phường lập hồ sơ vi phạm thì các đơn vị sẽ thông báo cho Cục Đăng kiểm từ chối đăng kiểm phương tiện. Hiện Sở GTVT đang lấy ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, dự thảo trên có nhiều ý kiến phản đối ngay cả từ các chuyên gia vì cho rằng chính quyền cần phải làm tốt cách thu phí mới nghĩ đến chuyện xử phạt chủ xe.

Mới đây, UBND TP.HCM cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo - khuyến cáo cho TP.HCM”. 400 đại biểu là chuyên gia trong lĩnh vực AI tham dự hội thảo. Sau hội thảo, TP.HCM sẽ xây dựng trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và phát triển AI và xây dựng mô hình triển khai AI trên cơ sở nghiên cứu các mô hình trên thế giới.

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, sắp tới Sở sẽ triển khai “làn sóng xanh” ở một số trục, nhất là trục từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm và trục đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ.

“Làn sóng xanh” này cho phép định lượng, tối ưu hóa thông tin để đưa ra phương án xe chạy với vận tốc 40km/giờ sẽ không gặp phải đèn đỏ. Hiện nay, hệ thống giao thông tại thành phố đang được trang bị gần 800 camera và dữ liệu camera được tập trung về Trung tâm điều hành giao thông thông minh.

Từ hệ thống màn hình, nhân viên vận hành ghi nhận tình hình giao thông tại các nút giao có camera kết nối, từ đó chia sẻ với các đơn vị liên quan chủ động xử lý.

Ngoài mạng lưới camera nêu trên, hệ thống đo đếm lưu lượng cũng được lắp đặt tại 118 vị trí, có thể tính toán tốc độ lưu thông trung bình, mật độ phương tiện và tự động đưa ra những cảnh báo. Hiện Sở GTVT đã hoàn thành và đưa vào sử dụng mô hình mô phỏng dự báo nhu cầu giao thông, góp phần định hướng xây dựng các chính sách cũng như kế hoạch quản lý.

Từ việc phân tích dữ liệu, hệ thống có thể xác định được hiện trạng giao thông hiện tại và dự báo được xu hướng ùn tắc giao thông trong tương lai gần. Việc sử dụng được các nguồn dữ liệu này rất hữu ích nhưng phải có những quy định về khai thác nguồn dữ liệu này do có thể ảnh hưởng đến tính riêng tư của công dân.

M. Hạnh