Phát triển bền vững: Câu chuyện từ các nữ doanh nhân
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 08:34, 04/10/2019
Các nữ doanh nhân hiện đã có nhiều điều kiện để tiếp cận khoa học công nghệ, tri thức của nhân loại, mô hình phát triển, thị trường quốc tế; tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu và đóng góp vào những giá trị chung của nền kinh tế. Đã có nhiều cái tên các nữ doanh nhân Việt Nam trở thành niềm tự hào chung của cả đất nước.
Tuy nhiên, các nữ doanh nhân còn gặp rất nhiều khó khăn, từ bài toán tiếp cận vốn, tài sản, thị trường khu vực và toàn cầu, nâng cao năng lực quản trị và khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, tới việc tạo lập được các liên kết vững chắc và thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng mới để không tụt hậu trong quá trình chuyển đổi số đang diễn ra cực kỳ mạnh mẽ ở khu vực và thế giới. Tất cả những điều đó đều là thách thức không nhỏ.
Làm thế nào để có nhiều hơn những cái tên nữ tỷ phú Việt Nam trên thương trường khu vực và quốc tế? Làm thế nào để có những nữ doanh nhân Việt không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn mang lại các giá trị độc đáo và nhân văn cho xã hội?
Trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế số, các vấn đề mới đang nảy sinh và tác động tới doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ thì càng thách thức hơn nữa. Các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực (25%) nhưng lại tập trung chủ yếu ở khu vực phi chính thức, khu vực nhỏ và vừa (với 98% DN nhỏ và vừa và siêu nhỏ), chưa có nhiều kinh nghiệm và khoảng 5 triệu hộ kinh doanh. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh này còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tài chính, đất đai, công nghệ và các nguồn lực hỗ trợ nhưng đây lại là tiềm năng lớn để phát triển mạng lưới doanh nghiệp trong tương lai - họ rất cần sự chia sẻ kinh nghiệm từ những nữ doanh nhân thành công trên thương trường, đặc biệt sự hỗ trợ đến từ các mạng lưới kết nối nữ doanh nhân.
Nhà tỷ phú Warren Buffett: “Nếu muốn đi nhanh thì đi một mình. Nếu muốn đi thật xa hãy đi cùng nhau”, Diễn đàn “Cùng tiến tới doanh nghiệp tương lai” do Hội nữ doanh nhân TP.HCM (Hawee) tổ chức chính là để trao đổi kinh nghiệm thành công - thất bại, bày tỏ mong muốn vào sự kết nối, sẻ chia, hỗ trợ, tiếp sức, dẫn dắt, lan tỏa trong chính đội ngũ doanh nhân nữ TP.HCM với mong muốn trong thời gian tới ngày càng nhiều hơn nữa các gương mặt nữ doanh nhân trở thành niềm tự hào cho nền kinh tế Việt Nam. Các phiên thảo luận với nhiều chủ đề hữu ích như: Những hợp tác mang tính chiến lược để đi nhanh và xa hơn; Xu hướng phát triển ngành và Con đường thâm nhập thị trường quốc tế; Xu hướng bán lẻ và triển vọng; Xu hướng xuất khẩu và thâm nhập thị trường; Làm thế nào để chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh áp dụng kỹ thuật và công nghệ? Câu chuyện từ thực tế của bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Công ty CP Bagico về sản xuất nông sản giá rẻ mà chất lượng. Thương nhân giàu phải từ việc làm giàu cho nông dân.
Chương trình Kết nối giao thương do Hội nữ doanh nhân TP.HCM - Hawee tổ chức đã kết nối được 72 giao dịch hiệu quả. 30 doanh nghiệp ký kết tại chương trình. Số lượt khách đến làm việc với mỗi gian hàng doanh nghiệp: 1702
Doanh thu của tất cả DN có giao dịch trong ngày: 1.503 triệu đồng
Bà Cao Thị Ngọc Dung, bà Trương Thị Lệ Khanh, bà Lê Thị Thanh Lâm… với câu chuyện được đúc kết từ thực tế - những người phụ nữ tài giỏi với ý chí và sự bền bỉ, kiên định mục tiêu để vượt qua thách thức, với niềm đam mê và sức mạnh nội lực phi thường, với khát vọng và niềm tin mãnh liệt, đã điều hành tập đoàn, doanh nghiệp thành công rực rỡ. Khát vọng và tầm nhìn tương lai, quyết tâm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có giá trị vượt trội cho người dùng và liên tục có ý thức cải thiện giá trị đó; đó là hoài bão để thúc đẩy tổ chức, doanh nghiệp phát triển.
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ chia sẻ rất nhiều về vấn đề phát triển bền vững. Bà đưa ra câu hỏi trách nhiệm của DN thế nào đối với tài nguyên đất, tài nguyên nước và các tài nguyên thiên nhiên khác đang ngày cạn kiệt? Bà khẳng định, nữ doanh nhân phải có tư duy phát triển bền vững, hướng tới tương lai. Đó là cách tiếp cận tài nguyên khi tạo dựng doanh nghiệp. Cách tư duy để duy trì công bằng xã hội. Cách quan tâm các vấn đề giáo dục, nhân sinh… Hướng tới môi trường trong phát triển kinh tế, coi đó là sứ mệnh của mình.
Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty Vĩnh Hoàn. Đây cũng là công ty "đa quốc gia" khá đặc biệt với 70% lãnh đạo cấp cao là nữ với chủ tịch HĐQT.
“22 năm thành lập, tôi mang tư duy phát triển bền vững, xây dựng tầm nhìn doanh nghiệp phát triển gắn bó với môi trường. Thông điệp đó kéo dài suốt qua nhiều thời kỳ phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt, sản phẩm của chúng tôi là thủy sản, áp lực về môi trường rất lớn. Làm sao để định vị được cho mình về giá trị sản phẩm? Tôi chọn cách truyền tải thông điệp nhân văn. Chất lượng sản phẩm nằm trong chất lượng môi trường. Thông điệp này lan tỏa đến mỗi hộ nuôi cá. Tôi đưa cán bộ công ty xuống tận mỗi hộ nuôi trồng, tuyên truyền và đưa ra chính sách về nuôi trồng sạch. Hiện nay, mỗi hộ nuôi trồng của chúng tôi như một khu du lịch nhỏ, sạch và đẹp. Chưa hết, chúng tôi còn truyền tải thông điệp vì môi trường đến người tiêu dùng. Tôi lựa chọn tạo cho doanh nghiệp sản phẩm không chỉ có chất lượng, sản phẩm còn là kết tinh giá trị xã hội, môi trường. Giá của sản phẩm chúng tôi có thể cao nhưng đó là giá trị bền vững. Tôi xác định, cạnh tranh không thể chỉ bằng giá. Người tiêu dùng đã hiểu những giá trị của chúng tôi, họ đã yêu thương sản phẩm của chúng tôi. Sản phẩm Vĩnh Hoàn đã đến nhiều nước có tiêu chuẩn hàng thủy sản cao như Nhật Bản, EU…”, bà Khanh kể câu chuyện về định vị sản phẩm của mình.
Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó TGĐ Saigon Food khẳng định: Yếu tố con người không phải quan trọng mà là cực kỳ quan trọng. Ở Saigon Food quá trình đào tạo nhân lực diễn ra thường xuyên, liên tục và ở nhiều phương diện.
Đào tạo trong quá trình tuyển dụng. Đào tạo nội bộ. Chương trình mentor của chúng tôi phát huy tối đa nguồn lực nội tại. Người có kinh nghiệm sẽ kèm cặp người chưa có kinh nghiệm đào tạo ra đội ngũ kế thừa rất hiệu quả. Học hỏi và đào tạo trở thành nét đặc thù của Saigon Food. Ngoài ra chúng tôi còn tham gia nhiều vào các hoạt động tư vấn khởi nghiệp, đào tạo sinh viên lập nghiệp.
Vấn đề chuyển đổi số nhận được nhiều sự quan tâm tại Diễn đàn. Bà Nguyễn Phi Vân - chuyên gia nhượng quyền quốc tế cho hay, đổi mới mô hình kinh doanh từ truyền thống đến số hóa đã và đang diễn ra hàng ngày trên thị trường thế giới. Như vậy, doanh nghiệp cần sớm thay đổi tư duy, chứ không phải cải tiến mô hình kinh doanh từng bước.
Ông Nguyễn Anh Dzũng - Giám đốc cấp cao Bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam cho rằng, số hóa là một công cụ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh và tăng năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Một số kênh bán lẻ phát triển nhanh và có tiềm năng phát triển lớn là hệ thống bán lẻ hiện đại, thương mại điện tử…