Lòng tin là động lực quan trọng thúc đẩy lao động, sáng tạo và cống hiến
Trong nước - Ngày đăng : 05:46, 04/10/2019
Cải cách thể chế để tăng trưởng kinh tế
Ông Nguyễn Tri Thắng - Chủ tịch Hệ thống Luật Nam Hà góp ý với tư cách một luật sư, vừa là chủ doanh nghiệp: Rào cản về thể chế kinh tế được xác định là một trong các nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước. Có những quốc gia nghèo về tài nguyên nhưng phát triển và giàu có, trong khi có những quốc gia giàu tài nguyên lại không phát triển được như vậy. Vấn đề ở đây chính là ảnh hưởng của thể chế.
Một thể chế tốt, sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế. Bên cạnh đó, cần có một hệ thống pháp luật đáng tin cậy, ghi nhận và bảo hộ các quyền tự do sở hữu, tự do khế ước, tự do cạnh tranh; cần có một cơ chế đáng tin cậy giúp giải quyết các tranh chấp, cũng như cần có một chính quyền kiến tạo, minh bạch, tin cậy, mọi can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế đều có tính tiên liệu và có khả năng lường trước được.
Việc cải cách thể chế, đặc biệt là tôn trọng quyền sở hữu, cạnh tranh bình đẳng và tính minh bạch, là các điều kiện rất quan trọng để các nguồn lực có thể được phân bổ hiệu quả hơn, đồng thời tiếp tục là động lực quan trọng góp phần vào thành công của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế. Việc nhận diện được rào cản về thể chế kinh tế đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, Đảng và Nhà nước sẽ có các quan điểm, định hướng và các giải pháp để nhanh chóng khắc phục những rào cản đó, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn sắp tới là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.
Cần sử dụng hiền tài đúng người, đúng việc
Ông Trần Quốc Bình - Giám đốc điều hành Công ty CP Sản xuất và Thương mại Việt Quốc Thịnh chia sẻ: Đất nước ta đang trên đà phát triển nhanh về mọi mặt, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Từ một quốc gia nghèo đói, lạc hậu, sau hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, chúng ta đã được các cường quốc trên thế giới công nhận là nền kinh tế thị trường và là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới. Kinh tế xã hội phát triển, đời sống của người dân ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, điều tôi luôn băn khoăn, day dứt là vì sao có nhiều người tài năng, đức độ lại không phát huy được khả năng, sở trường ở trong nước? Nhiều người trong số đó tìm cách định cư hoặc làm việc ở nước ngoài. Đã có rất nhiều chính sách ưu đãi, thậm chí “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư nhưng chưa thật có hiệu quả.
Tôi cho rằng, lòng tin là động lực quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy người hiền tài lao động, sáng tạo và cống hiến. Nếu được tin cậy, giao trọng trách đúng người, đúng việc, đúng sở trường, họ nhất định hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đối với người tài, sự tôn vinh lớn nhất chính là thái độ trân trọng thành quả lao động mà họ đã cống hiến. Singapore tuy chỉ là đảo quốc nhỏ bé nhưng lại là một trong những quốc gia đáng sống nhất thế giới. Đã có trên 200.000 người lao động và định cư đến từ khắp năm châu. Họ đã góp phần xây dựng nên một Singapore hùng cường ở châu Á. Ông bà ta nói “dụng nhân như dụng mộc”. Đây không chỉ là vấn đề Đảng, Nhà nước cần quan tâm, mà tất cả chúng ta cần phải suy ngẫm. Đặc biệt là các doanh nghiệp, doanh nhân.
Thông qua cuộc vận động “Doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”, tôi hy vọng Đảng và Nhà nước sẽ có chính sách phù hợp để các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy nội lực, tài đức của mình, đóng góp cho đất nước.
Địa chỉ nhận bài góp ý: Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Nhà A4, đường Nguyễn Cảnh Chân, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. (Ghi rõ: Góp ý, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển kinh tế đất nước với Đảng và Nhà nước) Email: cuocvandong@kinhtetrunguong.vn Thời gian tiếp nhận góp ý, đề xuất: Từ ngày 3/9/2019 đến ngày 31/12/2019 |