Để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng
Trong nước - Ngày đăng : 05:58, 04/10/2019
Thay đổi mạnh mẽ nhất về doanh nghiệp tư nhân
Đó là sự nhìn nhận vai trò của kinh tế tư nhân của Đảng, Nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế đất nước. Từ sự nhìn nhận đó, đã dẫn đường cho việc ra đời nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi hơn, giúp kinh tế tư nhân có được môi trường thuận lợi hơn khi tham gia vào đầu tư, phát triển kinh tế đất nước.
Theo bà Hương Trần Kiều Dung - Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, với sự ra đời của NQ 10, đã mở đường cho nhiều cơ chế chính sách mang tính đột phá, cởi mở hơn, giúp cho kinh tế tư nhân có thêm động lực để phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Tạo một môi trường để tất cả doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có cơ hội, điều kiện để tham gia mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế thị trường, đặc biệt ở nhiều lĩnh vực mà trước đây chỉ có doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia (DN FDI). Giai đoạn hiện nay, DNTN hoàn toàn tự tin có thể tham gia vào những dự án quy mô, phức tạp góp phần phát triển đất nước.
Từ khi có NQ 10, sức mạnh cũng như tầm của DNTN Việt Nam đã vươn ra tầm khu vực. Nhiều DNTN lớn đã được ghi nhận tên tuổi trên thị trường quốc tế, cũng như sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của DNTN Việt Nam trở nên rõ ràng hơn. DNTN có cơ hội, mạnh dạn đầu tư, cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực, như lĩnh vực hàng không, ô tô...
Ông Bùi Tất Thắng - thành viên thường trực Tiểu ban kinh tế - xã hội phục vụ Đại hội XIII của Đảng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư chia sẻ, mục tiêu đến năm 2020 chúng ta có 1 triệu DN, năm 2030 sẽ có 2 triệu DN. Đây là mục tiêu cần cố gắng rất nhiều, bởi có rất nhiều DN mới thành lập cũng như DN giải thể. Mặc dù vậy, điều này hoàn toàn là bình thường khi có một tỷ lệ nhất định DN bị loại ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, trách nhiệm của Nhà nước là nâng đỡ những DN có tiềm năng lớn mạnh, hoạt động đúng pháp luật, có trách nhiệm với xã hội.
Cho đến nay, Nhà nước đã làm rất nhiều việc để hỗ trợ. Ví dụ như lập quỹ để hỗ trợ những DN vừa và nhỏ. Mục tiêu tiếp theo là trong số những DNTN Việt Nam, tìm ra được và hỗ trợ những DN có khả năng đi xa, đủ năng lực cạnh tranh vươn tầm quốc tế, hình thành những DN, sản phẩm mang tính biểu tượng kinh tế quốc gia. Đây là một bước đi đúng đắn và cũng phù hợp với xu thế quốc tế.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, thời gian qua chúng ta đã thay đổi rất nhiều, từ việc xem là bất hợp pháp, đến xem là hợp pháp vào năm 1990. Sau đấy là được kinh doanh những gì cơ quan nhà nước cho phép đến năm 1999. Từ năm 2000, họ được kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Về vị trí chính trị, từ chỗ không thừa nhận đến thừa nhận, từ chỗ thừa nhận là một bộ phận đến một bộ phận cấu thành, đến bây giờ là một bộ phận cấu thành quan trọng và tiến tới là một động lực quan trọng. Nếu xét về thời gian thì đã có thay đổi lớn mang tính bước ngoặt.
Còn nhiều tồn tại, vướng mắc
Dù NQ 10 đã thay đổi nhận thức đối với vai trò của kinh tế tư nhân nhưng thực tế vẫn còn có sự bất bình đẳng giữa DNTN với DNNN và DN FDI. Ví dụ như khi DNTN làm ăn thua lỗ, sẽ lập tức phá sản, trong khi DNNN sẽ được tái cơ cấu, giãn nợ... điều đó khiến nợ công ngày càng tăng cao.
Về cơ chế, chính sách với DNTN cũng chưa được đảm bảo sự công bằng nếu so với DNNN. DNTN khó khăn hơn rất nhiều trong việc tiếp cận các nguồn lực như vốn, đất đai...
Địa chỉ nhận bài góp ý: Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Nhà A4, đường Nguyễn Cảnh Chân, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. (Ghi rõ: Góp ý, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển kinh tế đất nước với Đảng và Nhà nước)
Email: cuocvandong@kinhtetrunguong.vn
Thời gian tiếp nhận góp ý, đề xuất: Từ ngày 3/9/2019 đến ngày 31/12/2019
Khó khăn nhất là công tác cải cách hành chính. Dù Chính phủ đã cắt giảm được rất nhiều thủ tục hành chính. Nhưng mới chỉ là cắt giảm về mặt số lượng, còn thời gian thực hiện thủ tục hành chính vẫn chưa được cải thiện. Thực tế cho thấy, dù cắt giảm được một số thủ tục nhưng thời gian thực hiện vẫn quá dài đối với DN. Sự kéo dài này đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân là quy trình nội bộ của các cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, các quy định pháp lý của các văn bản pháp luật hiện nay còn thiếu nhất quán, những văn bản hướng dẫn còn nhiều mâu thuẫn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư ở các địa phương, cũng như cơ hội đầu tư của DN.
DNTN có quyền tự do kinh doanh và mức độ nào đó là sự an toàn trong đầu tư kinh doanh. Trên thực tế, khu vực tư nhân vẫn chưa cảm nhận được sự an toàn vì hệ thống pháp luật của chúng ta chưa rõ ràng cụ thể, đặc biệt tạo cho quan chức từ Trung ương đến địa phương có quyền rất lớn để can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN, tạo ra dư địa cho cơ hội cạnh tranh không lành mạnh. Rủi ro này là rất lớn, khiến DNTN không thể yên tâm. Vì vậy, có tâm lý DNTN tin rằng, càng đầu tư lớn, càng khó kiểm soát những rủi ro lớn như vậy. Từ đó, hình thành nên sự ứng xử của DNTN là bán DN đi cho nước ngoài hoặc không lớn lên nữa.
Mặt khác, nếu ai đó muốn phát triển, thì không thu hút được đủ nguồn lực để phát triển, do không tiếp cận được nguồn lực, do phân bố nguồn lực của chúng ta rất méo mó. Đặc biệt như nguồn lực đất đai, phụ thuộc vào các mối quan hệ xin - cho hơn là quan hệ giao dịch trên thị trường.
Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn, cho rằng về dài hạn, để chúng ta có thể tiếp tục phát triển khu vực kinh tế tư nhân bền vững hơn, cần xem xét lại một loạt hệ thống luật cũng như những văn bản giấy tờ đang chồng chéo khiến DN hoạt động rất khó khăn, những điều này lại chưa được tháo gỡ hoàn toàn.
Cụ thể như trong việc cung cấp mặt bằng cho việc xây dựng trung tâm phân phối bán lẻ, theo quy định, các tỉnh yêu cầu phải đấu thầu. Như vậy, các DN phân phối bán lẻ phải dồn rất nhiều nguồn lực để mua đất. Đôi khi, các công ty phân phối bán lẻ lại trở thành công ty bất động sản. Đây là một trong những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển mạng lưới các DN bán lẻ Việt Nam một cách nhanh nhất có thể, chiếm lĩnh được thị trường trước khi các DN nước ngoài tham gia vào.
Ngoài ra, theo ông Phạm Đình Đoàn, mấu chốt của vấn đề là các thủ tục về đất đai hay các thủ tục khác đều rất lâu. Ví dụ như một dự án triển khai ở địa phương thường để hoàn thiện đầy đủ giấy tờ để được bàn giao đất đai, giải phóng mặt bằng phải mất trung bình khoảng 5 năm, chưa nói đến những chi phí không chính thức. Vậy nếu được cởi trói bởi sự thông thoáng của chính sách hoặc có chính sách được xây dựng trên cơ sở các DN trong ngành nghề đó đề xuất trong từng giai đoạn mà Chính phủ có thể giải quyết kịp thời thì sức bật của DN sẽ rất tốt.