Yêu cầu cấp thiết nâng cấp hạ tầng và công nghệ logistics

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:26, 06/10/2019

Việt Nam phải gấp rút đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ số trong lĩnh vực logistics nếu muốn trở thành “công xưởng mới của thế giới”.
Yêu cầu cấp thiết nâng cấp hạ tầng và công nghệ logistics

Việc áp dụng công nghệ 4.0 và xây dựng hạ tầng trong lĩnh vực logistics cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang gánh chi phí vận chuyển, hậu cần thuộc hàng cao nhất châu Á. Không thể phủ nhận sức hút của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả khi thương mại toàn cầu đang có xu hướng giảm.

Theo số liệu từ các tổ chức quốc tế cho thấy ngành logistics Việt Nam chưa theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế, dẫn đến chi phí vận chuyển, hậu cần còn ở mức cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Cụ thể, thống kê của Ngân hàng Thế giới cho biết, chi phí logistics của Việt Nam hiện chiếm khoảng 20,9% GDP, cao hơn Trung Quốc (19%), Thái Lan (18%), Nhật Bản (11%) và Cộng đồng Châu Âu (10%). Chi phí logistics cao, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện và việc áp dụng công nghệ số mới đang ở bước sơ khởi là những rào cản khiến Việt Nam khó cạnh tranh với các nước. Điều này rất quan trọng khi Việt Nam vừa ký kết 12 hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và một số cộng đồng kinh tế lớn.

Từ thực tế này, theo ông Tobias Gruemmer - Giám đốc Vận hành khu vực Maersk Việt Nam, ngay từ bây giờ, Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần tập trung cho các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng. Bởi hạ tầng hiện nay mới tạm đủ để đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngắn hạn, về lâu dài chắc chắn thiếu hụt rất lớn. Việt Nam nên mở rộng sân bay và đầu tư mạnh vào ba cụm cảng biển cho ba miền. Hạ tầng công nghệ số là cực kỳ quan trọng, từ việc áp dụng Internet vạn vật đến Big Data, hoặc mới nhất là công nghệ blockchain. Đây là xu hướng chung của ngành logistics thế giới, thêm vào đó, các báo cáo gần đây doanh nghiệp vận tải giảm đến 15% chi phí vận hành.

Thời đại 4.0, thương mại điện tử phát triển rầm rộ nên ngành logistics Việt Nam bắt buộc phải nhanh hơn, nỗ lực hơn rất nhiều lần. Tất cả khách hàng đều muốn đặt dịch vụ online, nhận thông tin kiện hàng qua smartphone, cập nhật chính xác từng giây và giảm thiểu lượng giấy tờ cần nộp tại các cửa khẩu. Một vấn đề khác về cơ sở hạ tầng mà Việt Nam đang gặp phải chính là việc các cụm cảng, kho bãi logistics còn hoạt động rời rạc, thiếu tính kết nối. Ví dụ, cụm cảng Cái Mép và Cát Lái. Trong khi Cát Lái luôn tấp nập, thậm chí là vượt công suất, thì lượng hàng hóa tại Cái Mép chỉ đạt 70% công suất. Lý do chính là Cái Mép nằm xa các khu công nghiệp, mà lại chỉ có một con đường duy nhất để tới đây. Ngoài việc phát triển hạ tầng tại chỗ cần tăng tính kết nối của các cụm logistics, giúp vận chuyển hàng hóa dễ dàng và nhanh chóng hơn. Trong vài năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp có ý định dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc qua Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Việc dòng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng quá nhanh cũng là “con dao hai lưỡi” với ngành logistics, vì ngoài cơ hội phát triển thì doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự đủ trình độ, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng kịp thời để đáp ứng nhu cầu tăng vọt.

Các hiệp định thương mại tự do cũng sẽ đặt ra những thách thức mới cho hạ tầng logistics Việt Nam. Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần đầu tư hạ tầng với tầm nhìn đến năm 2035, và cũng nên lưu ý đến các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của khu vực và quốc tế như EEDI hoặc SEEMP. Các chương trình giảm thiểu khí thải CO2 tại Maersk và DHL, là theo xu hướng chung của thế giới. Cụ thể, Hiệp hội Hàng hải Quốc tế (IMO) đã đặt mục tiêu từ năm 2020, ít nhất 60.000 tàu vận tải biển cỡ lớn trên toàn cầu phải chuyển sang sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh ít hơn 0,5%. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là áp dụng công nghệ số sẽ giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu này, giúp ngành logistics phát triển bền vững và bảo vệ môi trường theo xu hướng chung của thế giới. Đây cũng là yêu cầu của phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài khi hợp tác với doanh nghiệp logistics Việt Nam.

Nguyễn Loan