Thị trường trái phiếu vẫn sôi động

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 00:20, 08/10/2019

Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) mới đây công bố bản tin thị trường trái phiếu tháng 9/2019, cho thấy hoạt động mua bán vẫn diễn ra sôi động, với hàng loạt doanh nghiệp và ngân hàng tiếp tục phát hành thành công.
Thị trường trái phiếu vẫn sôi động

Về thị trường trái phiếu chính phủ, trong tháng 9 đã có 8 phiên đấu thầu với tổng giá trị gọi thầu là 6.250 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ trúng thầu tiếp tục ở mức cao đến 95%, tương ứng đã có 5.950 tỷ đồng trái phiếu được hấp thụ. Kỳ hạn 10 năm và 15 năm tiếp tục có số lượng phát hành lớn nhất, chiếm hơn 66%  lượng trái phiếu phát hành. Đáng lưu ý là lãi suất trúng thầu trung bình cho tất cả kỳ hạn từ 5-30 năm tiếp tục giảm so với tháng 8.

Như vậy trong quý III, Kho bạc Nhà nước đã phát hành tổng cộng 48.879 tỷ đồng trái phiếu, tương ứng gần 70%. Trong bối cảnh các hoạt động đầu tư công vẫn giải ngân chậm trễ, Chính phủ cũng khó có động lực đẩy nhanh tiến độ huy động vốn bằng trái phiếu, khi phần lớn nguồn vốn này KBNN vẫn đang gửi tại các ngân hàng mà chưa sử dụng hết.

Link bài viết

Tại thời điểm cuối tháng 9/2019, tổng giá trị trái phiếu lưu hành của trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương là 1.111.423 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu chính phủ chiếm phần lớn tổng giá trị lưu hành với tỷ trọng 86,72%, tương ứng 963.841 tỷ đồng, phần còn lại là trái phiếu chính phủ bảo lãnh  129.358 tỷ đồng, tương ứng 11,64% và trái phiếu chính quyền địa phương là 18.224 tỷ đồng, chiếm 1,64%.

Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong tháng 9 có thêm 30 doanh nghiệp gọi vốn qua việc phát hành trái phiếu, huy động 20.307 tỷ đồng. Về số lượng đợt phát hành trái phiếu tháng 9 giảm 9 đợt nhưng về giá trị huy động vốn tăng 7.736 tỷ đồng so với tháng 8, phần lớn là các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản.

Trong đó có những thương vụ khá lớn như ngân hàng Agribank phát hành 4.998 tỷ đồng; BIDV 2.999 tỷ đồng gồm hai đợt, mỗi đợt 500 tỷ đồng và 2.499 tỷ đồng; ACB 2.600 tỷ đồng gồm 2 đợt, mỗi đợt 1.000 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng; HDBank 900 tỷ đồng; OCB phát hành các đợt huy động 200 tỷ đồng, 500 tỷ đồng, 500 tỷ đồng, 500 tỷ đồng; SeABank huy động 266 tỷ đồng và 243 tỷ đồng; VIB phát hành 500 tỷ đồng; LienVietPostBank phát hành 200 tỷ đồng.

Một số công ty thuộc lĩnh vực bất động sản phát hành trái phiếu thành công như Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn SOVICO phát hành trái phiếu huy động nhiều đợt trị giá 100 tỷ đồng, 50 tỷ đồng, 200 tỷ đồng; Công ty TNHH đầu tư và phát triển bất động sản Nova Tân Gia Phát phát hành 281 tỷ đồng trái phiếu; Công ty CP BCG Energy phát hành 116 tỷ đồng; Công ty CP Sunshine Marina Nha Trang phát hành 22 tỷ đồng trái phiếu…

Trong danh sách phát hành trái phiếu tháng 9 còn có sự xuất hiện của Công ty CP Tập đoàn Masan phát hành trái phiếu huy động 1.500 tỷ đồng. Lãi suất trái phiếu cao nhất trong tháng 9 là 11%/năm thuộc về các công ty, riêng lãi suất trái phiếu của các ngân hàng ở vào mức 6-7%/năm.

Đối với ngân hàng, áp lực tăng vốn tự có và vốn trung dài hạn để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới vẫn hiện hữu từ giờ đến cuối năm. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản cũng buộc phải tăng cường huy động vốn qua trái phiếu do có những hạn chế trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Đáng lưu ý là vào cuối tháng 8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có công văn nhắc nhở các ngân hàng kiểm soát rủi ro trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt lĩnh vực bất động sản. Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành theo đúng quy định. Ngân hàng kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro.

Gia Lê