Người Trung Quốc ăn mì gói để giảm chi tiêu

Quốc tế - Ngày đăng : 03:39, 08/10/2019

Trung Quốc và Hồng Kông là hai nước và vùng lãnh thổ tiêu thụ mì gói thuộc dạng nhất nhì thế giới. Nhưng đến năm 2016, doanh số tiêu thụ mì gói của Trung Quốc và Hồng Kông giảm xuống chỉ còn 38,5 tỷ gói. Sang năm 2018, con số này lại tăng lên hơn 40 tỷ gói, mức tiêu thụ tương đương 39% toàn cầu.
Người Trung Quốc ăn mì gói để giảm chi tiêu

Doanh số bán mì ăn liền cho người Trung Quốc tăng vọt thời gian gần đây làm dấy lên sự thắc mắc, có phải Chính phủ Trung Quốc đang dựa vào chi tiêu tiêu dùng của người dân để vực dậy nền kinh tế liêu xiêu bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung? Nếu người dân giảm chi tiêu, tăng trưởng nước này có thể giảm tốc nhanh hơn dự báo.

Doanh số bán mì ăn liền đang tăng trở lại. Nhưng không tăng do chất lượng sản phẩm đang được nâng lên, mà do việc tiêu dùng đi xuống. Một minh chứng thấy rất rõ rằng, các sản phẩm giá rẻ khác như rau củ muối chua cũng có doanh số tăng lên ngùn ngụt. Ngược lại, doanh số hàng xa xỉ (như ô tô) lại giảm. Điều này cho thấy, khả năng tiêu dùng của người Trung Quốc đang đi xuống.

Mì gói và ô tô là hai “món” được xem là thước đo chi tiêu của người dân Trung Quốc. Doanh số bán ô tô tại Trung Quốc đã giảm nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Giới phân tích xem đây là chỉ báo tốc độ tăng trưởng thu nhập chậm lại, mức nợ tăng lên. Những điều này khiến người dân Trung Quốc xiết chặt chi tiêu.

Tốc độ tăng trưởng thu nhập tại Trung Quốc là yếu tố quyết định chi tiêu. Số liệu này gần đây gây thất vọng khi thu nhập trung bình nửa đầu năm 2018 của người Trung Quốc chỉ tăng 6,6%; thấp hơn so với hơn 8% năm 2014. Kể cả nhóm thu nhập cao trong xã hội Trung Quốc cũng đang thận trọng với chi tiêu. 

Chỉ số giá tiêu dùng với hàng xa xỉ của người Trung Quốc, theo Hurun Report, đã giảm 0,3% từ đầu năm 2019 đến nay. Hurun Report cho biết: "Hơn nửa rổ hàng hóa của Trung Quốc là hàng nhập khẩu. Khi nhân dân tệ mất giá, hàng nhập khẩu sẽ đắt đỏ hơn. Trong hoàn cảnh này, lẽ ra chỉ số tiêu dùng sẽ phải tăng, nhưng thật đau khổ, trên thực tế nó lại giảm".

PV