Đồng USD và kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 18/10/2019
Dù cả ông Trump lẫn bà Warren đều cho rằng đồng USD quá mạnh sẽ làm tổn thương tính cạnh tranh của Mỹ, song nhà đầu tư và giới kinh doanh không nên quá kỳ vọng vào khả năng ông Trump hoặc bà Warren sẽ thành công trong việc làm suy yếu đồng USD sau khi kết thúc bầu cử vào năm 2020 |
Theo đó, một sự chuyển giao quyền lực từ ông Trump sang bà Warren, nếu xảy ra, có thể sẽ không tác động nhiều lên sức mạnh đồng USD, vì quan điểm của hai người đối với chính sách cho đồng USD là gần như nhau.
Bà Warren - Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ từ bang Massachusetts, 69 tuổi, đã tranh cử tổng thống bằng cách kêu gọi tăng cường các quy định chặt chẽ đối với ngành công nghệ, cam kết chống tham nhũng ở Washington và quyền lực mà những công ty trao cho giới chính trị ở đây; đồng thời sẽ đánh thuế tài sản 2% đối với những người có tài sản hơn 50 triệu USD và 3% đối với những người có gia tài hơn 1 tỷ USD, tức sẽ đánh thuế mạnh vào Phố Wall và Thung lũng Silicon.
Link bài viết
Nữ nghị sĩ cũng không ngần ngại công kích Tổng thống Donald Trump, đồng thời khẳng định mong muốn làm mới nước Mỹ. Bà cho rằng các công ty lớn và giới nhà giàu đã thiết lập một hệ thống chống lại người bình dân tại Mỹ. Tỷ lệ ủng hộ bà Warren bắt đầu tiến lên ngang hàng, hoặc thậm chí vượt mặt cựu Phó tổng thống Joe Biden trong nhiều cuộc thăm dò ý kiến sơ khởi ở các tiểu bang.
Trong khi đó, ông Trump đang phải đối mặt với một cuộc điều tra tại Hạ viện về các giao dịch của ông với Ukraine. Dù vậy, điểm chung của cả hai người là đều cho rằng đồng USD quá mạnh sẽ làm tổn thương tính cạnh tranh của Mỹ.
Tổng thống Trump từ trước đến nay luôn tỏ ra không hài lòng với sức mạnh đồng USD so với các loại tiền khác, khi tin rằng đó là một trong những yếu tố khiến Mỹ bị lợi dụng và chịu thiệt trong giao thương.
Thậm chí, những lời tuyên bố của ông khiến không ít người lo ngại Chính phủ Mỹ sẽ đơn phương can thiệp vào thị trường tiền tệ, bất chấp các quan chức Nhà Trắng bảo đảm những hành động đó sẽ không xảy ra. Ông Trump đã cáo buộc châu Âu và Trung Quốc làm suy yếu đồng tiền của họ để đạt được lợi thế cạnh tranh.
Ứng cử viên Đảng Dân chủ đến từ bang Massachusetts - bà Elizabeth Warren |
Ở bên kia chiến tuyến, Warren khi phác thảo kế hoạch mà bà gọi là “kế hoạch cho lòng yêu nước”, đã viết rằng Chính phủ Mỹ nên xem xét một số công cụ và làm việc với các quốc gia vốn đang gây hại bằng các chính sách tiền tệ sai lệch, để xác định lại giá trị đồng tiền tốt hơn cho công nhân và ngành công nghiệp của nước Mỹ.
Với đề xuất “chủ động quản lý tiền tệ”, bà Warren cho biết, giá trị của đồng bạc xanh hứa hẹn sẽ là một chủ đề được bàn luận nhiều trong cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ.
Chỉ số USD-Index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh với các đồng tiền khác vẫn ở gần mức cao nhất trong năm nay, khi đã tăng 3% từ đầu năm đến nay.
Đồng USD mạnh có thể trở thành rào cản đối với các doanh nghiệp Mỹ đang xuất khẩu hàng hóa sang các nền kinh tế khác. Trong khi đó, ông Trump nỗ lực làm suy yếu đồng USD và một trong những giải pháp quan trọng là liên tiếp hối thúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất cơ bản USD.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư và giới kinh doanh không nên quá kỳ vọng vào khả năng ông Trump hoặc bà Warren sẽ thành công trong việc làm suy yếu đồng USD sau khi kết thúc bầu cử vào năm 2020, bởi quá khứ cho thấy Tổng thống Trump sau khi nhậm chức đã gần như bất lực trước sự mạnh lên của đồng USD. Ngược lại, bà Warren dù đã đưa ra lời hứa về một đồng USD yếu hơn trong chiến dịch tranh cử, nhưng lại không nêu cụ thể loại công cụ nào sẽ giúp làm giảm giá trị của nó.
Nếu Nhà Trắng, Bộ Tài chính và một số Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ muốn tác động lên đồng USD thì vẫn cần sự can thiệp của FED, tức có thể làm đồng USD yếu đi bằng cách tiếp tục hạ lãi suất. Cho đến nay, đồng USD đã không tuân theo ý muốn nới lỏng chính sách tiền tệ của FED.
Sau khi quyết định hạ lãi suất được đưa ra vào tuần trước thì giá trị đồng USD so với các đồng tiền khác lại tăng lên mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Đà tăng của đồng USD tiếp tục diễn ra khi các ngân hàng trung ương bắt đầu (hoặc phát tín hiệu) nới lỏng chính sách tiền tệ khi lãi suất đồng tiền của họ đã ở hoặc gần sát mức 0.