“Một nửa” làm đầy sự hiện hữu của cõi nhân sinh
Sách hay - Ngày đăng : 00:15, 20/10/2019
![]() |
GS-TS. Huỳnh Như Phương, một trong ba giám khảo chung khảo của cuộc thi nhận xét về Tràng Phan - tác phẩm đoạt giải nhất: “Đây là một tác phẩm có cốt truyện lạ, viết về một nghề lạ ngày càng mai một ở một góc nhỏ ít người biết của thành phố chúng ta: nghề may cờ phướn. Qua câu chuyện làm nghề truyền thống, tác giả thể hiện tự nhiên, chân thực và cảm động về tình cảm gia đình, nỗi nhớ thương lưu luyến trong xa cách của những người phụ nữ đã bền bỉ gìn giữ nếp nhà thời mở cửa”.
“Đây là tuyến nhân vật đại diện cho những người phụ nữ ở xã hội hiện đại. Họ có ý chí, có khát khao và được tiếp cận với nhiều xu hướng mới. Tuy nhiên, cái tôi muốn hướng đến trong Tràng Phan là sự cân bằng. Phụ nữ ngày nay nên cân bằng giữa các giá trị, giữa hiện đại và truyền thống, đặc biệt là giá trị của gia đình”, Tống Phước Bảo chia sẻ.
Tống Phước Bảo là cây bút truyện ngắn quen thuộc của nhiều tờ báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Phụ nữ TP.HCM… Trước đó, anh từng xuất bản tập truyện ngắn Cả một trời thương với bút danh Trúc Thiên. Lối viết của Tống Phước Bảo nhẹ nhàng, chân chất và bàng bạc buồn. Con người trong tác phẩm của anh đa phần là những người mẹ, người chị, phận đời trắc trở mà lúc nào cũng bao dung, hồn hậu, và xem giá trị gia đình là nền tảng cốt lõi.
Đến với văn chương từ khi còn rất trẻ rồi tạm gác giấc mộng ấy để theo nghề truyền thông vì cơm áo gạo tiền, nhưng tình yêu dành cho văn học vẫn là dòng chảy không dứt trong lòng Tống Phước Bảo. Giải thưởng từ cuộc thi lần này là lời động viên hết sức ý nghĩa cho anh trên đường trở lại với giấc mơ thời trẻ.
![]() |
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, cây bút Tống Phước Bảo và bà Đinh Thị Phương Thảo - Giám đốc NXB Văn hóa - Văn Nghệ TP.HCM trong buổi trao giải cuộc thi |
Giải nhì (trị giá 15 triệu đồng) được trao cho tác giả Võ Đăng Khoa với truyện ngắn Con bén. Hai giải ba (trị giá 10 triệu đồng) thuộc về tác giả Cát Lâm với truyện ngắn Giấc mơ rơi ở chân cầu và tác giả Phan Đức Lộc với truyện ngắn Đường về Sai Chản. Ngoài ra, BTC còn trao 5 giải tư (trị giá 5 triệu đồng/giải) cùng một giải do bạn đọc bình chọn (trị giá 5 triệu đồng) cho tác giả Bùi Mai Linh với truyện ngắn Một đời.
Một nửa làm đầy thế giới do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM tổ chức (với sự tài trợ của dự án thuộc Giải LiBeratupreis-Frankfurt 2018 mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trở thành người Việt Nam đầu tiên vinh dự nhận giải), chính thức phát động ngày 22/12/2018. Sau 8 tháng phát động, cuộc thi nhận được 1.419 bài dự thi cả trong và ngoài nước. Trong đó có 19 truyện ngắn được chọn vào vòng chung kết và in thành sách.
Nhận xét về 19 tác phẩm, GS-TS. Huỳnh Như Phương đánh giá: “Đây là bức tranh phong phú và đa dạng về chân dung, tính cách, tâm lý và sinh hoạt của giới nữ Việt Nam hôm nay, qua đó hiểu được đời sống, con người trên đất nước mình từ nông thôn đến thành thị, từ Hà Nội đến TP.HCM, từ miền xuôi đến miền ngược, từ Tây Bắc đến Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Có lẽ đó là điều cần ghi nhận cho đóng góp của một NXB ở một thành phố phương Nam.
Những người đàn bà trong tập truyện này tạo nên thế giới của riêng họ, đồng thời làm tròn đầy sự hiện hữu của cõi nhân sinh. “Một nửa” chỉ là cách nói hình ảnh. Thật ra, phụ nữ là tất cả cuộc đời này. Sự khiếm khuyết hay tổn thương của thế giới đó sẽ làm khiếm khuyết và tổn thương đến cả nhân loại. Có thể nói nữ giới quang gánh trên vai và mang nợ cho cả loài người. Những truyện ngắn trong tập này toát lên lời cảnh báo về hiện trạng gia đình và xã hội Việt Nam. Sau chiến tranh và nghèo đói là nạn bạo hành, cạm bẫy, lường gạt, phụ rẫy, phản bội và nguy cơ tan vỡ. Những người phụ nữ bé mọn chịu đựng và nhạy cảm trước những biến động đó ngay khi họ một mình một bóng. Nhờ sự nhạy cảm và thiên tính nữ giới, họ tìm cách chữa trị những vết thương, bổ sức cho chính mình và cho cả cuộc đời khốn khó này”.