“Thở” cùng Hiền Nguyễn
Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 01:00, 21/10/2019
Nếu Ủ mang ý nghĩa một cuộc ra mắt, cũng là cách Hiền Nguyễn tự giới thiệu mình đến công chúng yêu nghệ thuật phương Nam - sau triển lãm đầu tiên của chị Những cung bậc cảm xúc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội năm 2012, thì Thở là những khám phá, những chiêm nghiệm của nữ họa sĩ trong gần 20 năm dấn bước vào sơn mài. Ủ trưng bày gần 90 tác phẩm nhiều chất liệu, nhiều nhất vẫn là sơn mài, chiếm trọn tầng trệt khu triển lãm của bảo tàng trong khi Thở chỉ gọn gàng với 18 tranh sơn mài. Nhưng nét đặc sắc của triển lãm thứ ba này là loạt tranh sơn mài trên canvas (hay toan như cách thường gọi).
"Ai vẽ sơn mài cũng mong được thở và thở được!" |
Ủ là một công đoạn quan trọng vào loại bậc nhất khi làm tranh sơn mài phải qua nhiều công đoạn; còn Thở là gì? “Nghệ sĩ hay nói: Vẽ với tôi cần thiết và tự nhiên như hít thở. Cũng nói khi vẽ: Hãy để cho màu nó thở, bố cục thông thoáng dễ thở, đường nét, tối sáng, khối hình... đều phải thở thì bức tranh mới sống động, mới có sự sống. Đặc biệt với sơn bóng lóa, sặc sỡ trang trí theo khuôn mẫu hoa văn, biểu tượng, kỹ thuật tỉ mẩn, kỳ khu, thì làm cho nó biết thở không phải dễ. Ai vẽ sơn mài cũng mong được thở và thở được! Ở những tác phẩm thành công của mình, Hiền Nguyễn đã toại nguyện” (nhà phê bình Nguyễn Quân viết cho phòng tranh Thở).
Hiền Nguyễn gần như là người tiên phong khi vẽ sơn mãi trên canvas |
Tranh sơn mài trên vóc (bề mặt là gỗ) với kỹ thuật truyền thống của người Việt không xa lạ với người thưởng lãm, nhưng sơn mài trên canvas thì hầu như chưa có mấy họa sĩ trong nước thực hiện (đã có các họa sĩ cổ điển Nhật Bản, họa sĩ hiện đại Ấn Độ làm tranh sơn mài trên vải) nên có thể xem Hiền Nguyễn là người tiên phong trong lĩnh vực này, dù chị chỉ tự nhận là mới thử nghiệm: “Năm 2019, tôi thử nghiệm vẽ chất liệu sơn mài trên toan, với kỹ thuật vẽ sơn mài trên vóc truyền thống. Tôi nghĩ rằng, ngoài tinh thần, ý tưởng sáng tạo, cảm xúc, năng lực thẩm mỹ, thử nghiệm phải mang đặc trưng của chất liệu”.
Quả thật, xem những tác phẩm mới nhất của Hiền Nguyễn tại triển lãm Thở vẫn thấy được những đặc trưng không lẫn vào đâu được của sơn mài trên bề mặt của canvas. Những tầng, lớp chất liệu chìm khuất và mờ ảo, những lênh loang mà chỉ sơn mài mới “làm” được. Đó là thành quả của sự thực hành, thực hành và thực hành mải miết, chứ không thể một sớm, một chiều có được.
Với loạt tranh này, Hiền Nguyễn nhận được nhiều khen ngợi của người trong nghề |
Picasso từng nói rằng, tham vọng của ông là vẽ được một bức tranh bằng phương cách nào đó hết sức độc đáo, đến mức không ai có thể đoán biết làm thế nào để có thể sáng tạo được như thế, sao cho người xem không thể tiếp nhận bất cứ điều gì khác (về tác phẩm) ngoài cảm xúc mà tác phẩm mang đến cho họ.
Ở phòng tranh Thở, mảng sơn mài trên canvas với các series khác nhau, dù các tên tranh Vô thường, Ưu đàm nở hoa... có tính triết lý của đạo Phật thì về mặt tạo hình đều gần gũi với trừu tượng. Cũng vậy, với tranh phong cảnh trên vóc như Mùa xuân, Mùa thu hay Để gió cuốn đi gần như không còn mang tính biểu hình. Đem đến cảm xúc cho người xem - đó là điều mà phòng tranh Thở và Hiền Nguyễn đã làm được.
Nói về Thở, nhà phê bình họa sĩ Nguyễn Quân có cách nhìn rất thú vị: “Tác giả gọi một số trừu tượng của mình là “vô thường”. Sao phải níu kéo, ôm ấp lấy những cái vô thường, sao nói buông bỏ để trầm mình vào hư vô mà lại vồ vập, hân hoan hay đau đớn nhường kia? Những bức sơn mài trên vải của Hiền Nguyễn lần này là sự khẳng định cuộc đời đầy khao khát nhục cảm, hoan lạc, chất biểu hiện mạnh hơn khi vẽ trên vóc cổ truyền”.
Những bức tranh của nữ họa sĩ về mặt tạo hình gần gũi với trừu tượng |
Dù trước Hiền Nguyễn đã có họa sĩ vẽ tranh sơn mài trên canvas, nhưng nữ họa sĩ ở tuổi ngũ thập là người đang làm mới kỹ thuật sơn mài, chất liệu sơn mài bằng những thử nghiệm của chị. Sau những bậc thầy lớn như Nguyễn Gia Trí, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sáng... và các thế hệ sau, Hiền Nguyễn đang gắng sức mang đến cho sơn mài một lượng giá trị mới, vẻ đẹp của sự khám phá, vẻ đẹp từ bản thân chất liệu.
Một điều đặc biệt, từ sau ngày khai mạc phòng tranh Thở, Hiền Nguyễn đã nhận được nhiều câu hỏi về mặt kỹ thuật vẽ sơn mài trên canvas nhưng nữ họa sĩ không “giấu nghề”, sẵn sàng chia sẻ “bí quyết nghề nghiệp” với nhiều bạn trẻ, đồng nghiệp. Chị vẫn thường có mặt tại phòng tranh để cùng trò chuyện, giải đáp những thắc mắc với người xem tranh, như tựa một bài viết của họa sĩ Tô Chiêm “Hiền Nguyễn - Gửi thật thà vào những bức tranh”.