Bà Võ Xuân Bội Lâm - TGĐ Công ty CP Nhà máy Trang thiết bị Y tế USM Healthcare: Vì những nhịp đập bền bỉ cho sự sống
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 05:00, 24/10/2019
* Bà có thể giới thiệu đôi nét về USM Healthcare và các sản phẩm chủ lực của nhà máy?
- Nhà máy USM Healthcare tọa lạc tại Khu Công nghệ cao quận 9, là nhà máy đầu tiên sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao tại TP.HCM. Đây cũng là dự án được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) rất quan tâm, ủng hộ. Năm 2012, chúng tôi bắt đầu xây dựng nhà máy và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất các trang thiết bị, vật tư y tế chuyên về bệnh lý tim mạch, đó là stent mạch vành, bóng nong mạch, kim luồn tĩnh mạch...
Thông thường, mỗi sản phẩm y tế phải cần thời gian đủ lâu để đánh giá lâm sàng, đối với sản phẩm dùng cho tim mạch lại càng cần cẩn trọng hơn nữa. Chúng tôi nhận chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến trong ngành vật tư y khoa như Mỹ, Đức. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mất khoảng thời gian 5 năm để hoàn thiện công nghệ, thử nghiệm lâm sàng và xin giấy phép lưu hành tại Việt Nam. Đến năm 2016, chúng tôi đã xin được giấy phép lưu hành cho sản phẩm stent. Hiện tại, các bệnh viện tại Việt Nam đang sử dụng sản phẩm của chúng tôi.
* Tỷ lệ người Việt mắc bệnh tim mạch rất lớn, phần nhiều trong số đó là những bệnh nhân nghèo. Bệnh nặng sẽ làm cho họ khánh kiệt. USM Healthcare có hình thức nào để hỗ trợ những bệnh nhân nghèo, không có khả năng tiếp cận các trang thiết bị y tế quá đắt đỏ nhập khẩu?
Tôi nghĩ, một người bệnh được cứu sống đó mới là thành công, là thắng lợi chứ không phải là bán được bao nhiêu, lợi nhuận thế nào.
- Khi bắt tay vào xây dựng dự án, đây là vấn đề đầu tiên mà tôi nghĩ đến. Ở nước mình, bệnh nhân nghèo còn nhiều lắm. Tim mạch lại là loại trọng bệnh, thiết bị dùng cũng thuộc hàng rất đắt đỏ. Đơn cử, hiện nay chi phí đặt stent lên tới khoảng 70-80 triệu đồng/ca, bảo hiểm thanh toán khoảng hơn 50%, mà thực tế nhiều bệnh nhân nghèo cũng không có bảo hiểm. Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực y tế, tôi từng nhìn thấy những ca bệnh nặng vì không có tiền mà người thân phải đưa về nhà chờ chết. Thật sự đó là nỗi buồn lớn, rất trăn trở.
Chúng tôi vô cùng mong muốn sản phẩm phục vụ được cho người dân có thu nhập trung bình, người nghèo. Có thể nói, đó là một phần động lực để chúng tôi liên tục nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ và làm chủ công nghệ nhanh nhất có thể. Chỉ khi thương mại hóa được nhanh sản phẩm của mình thì mới giúp ích được những người bệnh còn chưa có điều kiện để sử dụng những sản phẩm đắt đỏ.
Ở một vài bệnh viện tim mạch lớn, chúng tôi có để lại mỗi nơi độ chục cái stent cho bác sĩ dùng trong những trường hợp khẩn cấp mà bệnh nhân không thể chi trả. Tôi nghĩ, một người bệnh được cứu sống đó mới là thành công, là thắng lợi chứ không phải là bán được bao nhiêu, lợi nhuận thế nào.
* Trong một lần đến thăm nhà máy, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM có nói: “Chúng ta không thể để những công nghệ tiên tiến, những nghiên cứu khoa học vào trong ngăn kéo. Chúng ta phải đưa nó vào thực tế, phải sản xuất và phục vụ cho cuộc sống”. Bà nghĩ sao về điều này?
- Nhà máy của chúng tôi là nhà máy thứ hai tại Đông Nam Á sản xuất và làm chủ được công nghệ về thiết bị stent. Nhiều nhà phân phối thiết bị y tế lớn trên thế giới đã tìm đến với chúng tôi, tham quan cơ sở sản xuất và đặt vấn đề phân phối sản phẩm. Để có được sự tin cậy này, nhất thiết phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và quy chuẩn khoa học nghiêm ngặt.
Nói đơn giản là sản phẩm phải phụ thuộc vào bệnh lý của bệnh nhân, phải phù hợp tình trạng bệnh. Ở Việt Nam, sản phẩm của chúng tôi có thể đáp ứng được 50-60% tình trạng của bệnh nhân, dĩ nhiên tùy vào tổn thương bệnh lý thì bác sĩ sẽ quyết định đặt sản phẩm nào. Các sản phẩm của chúng tôi ban đầu bác sĩ rất ngại ngần, chỉ dùng đặt cho những tổn thương nhẹ thôi. Sau này dần dần đủ độ tin cậy thì đã tăng lên dùng cho những tổn thương nặng hơn. Chúng tôi phải chấp nhận việc đó. Đây chính là không để cho công nghệ mới, nghiên cứu khoa học nằm trong ngăn kéo như lời của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.
Hiện chúng tôi vẫn đang phối hợp với Đại học Y Dược TP.HCM và một số bệnh viện khác mở rộng nghiên cứu trên nhiều bệnh nhân, từ đó có đánh giá đúng nhất về tính an toàn, hiệu quả sau khi đặt stent của Việt Nam. Đề tài này sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Sau đó, tất cả dữ liệu này sẽ được báo cáo quốc tế tại một hội nghị ở Mỹ vào năm 2020.
* Nhiều năm nay, thiết bị y tế dùng cho bệnh lý tim mạch thường là các sản phẩm nhập khẩu. Đến thời điểm này, bà có kỳ vọng sản phẩm của mình thay thế hoàn toàn sản phẩm nhập khẩu?
- Sản phẩm thay thế hoàn toàn cho sản phẩm nhập khẩu, chúng tôi không dám kỳ vọng cao thế. Chúng tôi chỉ mong muốn chiếm được 30% thị trường tại Việt Nam. Định hướng của chúng tôi là xuất khẩu, vì công suất của nhà máy USM một năm có thể làm được tới 50.000 stent, 70% sẽ xuất khẩu, còn 30% sẽ bán trong nước. Đến thời điểm này, toàn quốc có 70 bệnh viện tim mạch thì sản phẩm của chúng tôi có mặt tại khoảng trên 50 bệnh viện. Còn các vật tư tiêu hao khác thì hàng trăm bệnh viện đã sử dụng sản phẩm của chúng tôi.
Ở thị trường trong nước, chúng tôi không chiếm lĩnh thị trường bằng giá thành rẻ mà chất lượng mới là quan trọng nhất. Bởi vì trang thiết bị vật tư y tế, lại là sản phẩm liên quan tới tim mạch, sự sống và cái chết tức thời, nên vấn đề quản lý chất lượng được ưu tiên đưa lên hàng đầu.
* Một nhà máy mới đi vào hoạt động chưa lâu, những sản phẩm mang tính chất đặc thù, bà lại đặt ra mục tiêu lớn là xuất khẩu. Liệu đây có phải là một tham vọng lớn?
- Tôi hướng tới không chỉ là các bệnh nhân ở Việt Nam, mà còn ở các nước Đông Nam Á. Tôi có niềm tin thị trường Đông Nam Á với khoảng 600 triệu dân sẽ là thị trường lớn của chúng tôi. Ở thị trường trong nước, chúng tôi không chiếm lĩnh thị trường bằng giá thành rẻ mà chất lượng mới là quan trọng nhất. Bởi vì trang thiết bị vật tư y tế, lại là sản phẩm liên quan tới tim mạch, sự sống và cái chết tức thời, nên vấn đề quản lý chất lượng được ưu tiên đưa lên hàng đầu. Ngoài thị trường ASEAN thì hàng của chúng tôi đã được các nước tiên tiến như Đức và một số nước châu Âu ký hợp đồng phân phối.
Chúng tôi từng rất vất vả. Thử thách còn nhiều lắm ở phía trước. Đối với một sản phẩm “made in Vietnam” trong lĩnh vực y tế để chinh phục được khách hàng là rất khó. Tuy nhiên, qua thực tế lâm sàng, chúng tôi đã chinh phục được các y bác sĩ, bệnh nhân bằng chất lượng. Những sản phẩm phải tương đương với sản phẩm nước ngoài, ít nhất phải đạt được 80-90% số lượng bệnh lý cần dùng thì mới sử dụng được vào việc chữa bệnh.
* Nhà máy USM có chuyên gia nước ngoài tham gia vào quá trình sản xuất hay không?
- Giai đoạn đầu chuyển giao công nghệ, các chuyên gia nước ngoài phải đến Việt Nam để hướng dẫn cho kỹ sư Việt Nam. Tôi cũng gửi các kỹ sư Việt Nam qua các nhà máy tại Đức, Mỹ để tiếp nhận đào tạo, nắm quy trình vận hành kỹ thuật tiên tiến. Hiện nay, sản phẩm sản xuất đi vào ổn định, người Việt đã làm chủ 100% về công nghệ. Những chuyên gia đó đánh giá cao về khả năng tiếp cận công nghệ của kỹ sư người Việt. Chúng tôi đào tạo những kỹ sư trẻ, những người không ngừng mong muốn học hỏi bởi vì ngoài vấn đề tiếp nhận công nghệ thì thực tế sản xuất còn luôn phải cải tiến sản phẩm để có những sản phẩm hoàn thiện hơn.
* Bà có gặp trở ngại ở vấn đề nguồn nhân lực khi xây dựng nhà máy?
- Những ngày đầu mới hình thành nhà máy thì rất khó khăn về nhân lực. Vì dù sao đây cũng là nhà máy duy nhất ở Việt Nam làm lĩnh vực này. Nhưng giờ thì chúng tôi rất tự tin với đội ngũ của mình rồi. Đó là những kỹ sư y sinh, cơ điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ dược. Chỉ với khoảng 25 nhân sự nguồn đào tạo từ trong nước, nhưng liên tục tiếp xúc nhiều với các kỹ sư nước ngoài, với các dây chuyền tiên tiến, với các đàn anh, đàn chị trong ngành, họ tìm ra hướng phát triển cho riêng mình, đóng góp vào sự phát triển của nhà máy. Toàn thể nhân sự của chúng tôi hiện có hơn 200 người.
* Còn việc áp dụng tự động hóa vào sản xuất?
- Nhà máy chúng tôi hiện có hai dây chuyền: một dây chuyền sản xuất stent mạch vành, dây chuyền còn lại là sản phẩm kim luồn (tự động hóa hoàn toàn). Dây chuyền sản xuất stent một phần sẽ tự động hóa, một số khâu vẫn do con người đảm nhiệm, nhất là khâu kiểm tra kiểm soát.
* Vì lý do gì mà bà chọn ngành sản xuất này? Một ngành sản xuất thuộc lĩnh vực công nghệ cao, rất khó và dường như không phù hợp lắm với phụ nữ?
- Người ta vẫn hay hỏi tôi: “Sao không làm ngành khác mà lại làm ngành khó khăn, rất vất vả, lại chuyên về công nghệ như thế này?”. Tôi cũng không biết tại sao, chỉ thấy rằng, những lĩnh vực khó, càng khó thì càng thấy hứng thú. Mỗi lần nghe thấy ở đâu đó, có công nghệ mới về y tế là tôi lại thấy ham, lại muốn nghe, muốn tìm hiểu. Tôi đi rất nhiều nơi trên thế giới, chỉ để tìm hiểu và lắng nghe các chuyên gia nói về những công nghệ mới nhất. Sau đó, tôi suy nghĩ đến Việt Nam, đến khả năng sáng tạo của người Việt.
Lĩnh vực y tế kỹ thuật cao của Việt Nam còn rất yếu, ít doanh nghiệp chịu đầu tư. Thay vì sản xuất thì xu hướng chung là nhập khẩu trang thiết bị vật tư về bán, vừa nhanh, vừa đỡ cực, lợi nhuận lại nhìn rõ luôn. Tuy nhiên, đó là cách làm không bền vững. Ngoại tệ của chúng ta chảy ra nước ngoài mà chúng ta vẫn cứ phụ thuộc vào họ. Thậm chí, có những trang thiết bị đã lỗi thời rồi nhưng vẫn tiếp tục nhập về Việt Nam chữa bệnh. Điều này làm tôi trăn trở không ít.
Khi tôi đi nước ngoài, tiếp cận với các chuyên gia, nhất là chuyên gia là Việt kiều, họ đều bày tỏ mong muốn Việt Nam có ngành phát triển về công nghệ y sinh, thiết bị y tế. Mang tâm tư của họ, tôi về gặp Bộ KH-CN, khi tôi chia sẻ ý tưởng lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam để có thể giảm tải y tế, phục vụ đại trà bệnh nhân thì Bộ KH-CN rất khuyến khích. Ngoài ra, Thành phố cũng động viên và tạo nhiều điều kiện. Chúng tôi được thuê đất trong Khu Công nghệ cao của Thành phố để làm, được hỗ trợ về thuế, hỗ trợ kích cầu... Với tất cả điều kiện thuận lợi đó, tôi càng quyết tâm hơn.
Sản xuất thì khó nhưng bền vững. Xác định là khó rồi nhưng cũng không nghĩ là khó đến vậy. Có những khó khăn mình không thể tưởng tượng được mức độ của nó.
* Bà có thể chia sẻ những khó khăn từng trải qua?
- Trước đây 20 năm, tôi là nhà nhập khẩu thiết bị y tế. Bởi vậy, tôi mới nói, nhập khẩu thì nhanh hơn, đỡ cực hơn, lợi nhuận thấy rõ. Sản xuất thì khó, nhưng bền vững. Xác định là khó rồi nhưng cũng không nghĩ là khó đến vậy. Có những khó khăn mình không thể tưởng tượng được mức độ của nó.
Ngay cả thử nghiệm lâm sàng, chúng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, chúng tôi phải đi cầu thị các chuyên gia lâm sàng, đi học ở các bác sĩ để làm sao thực hiện đưa sản phẩm vào sử dụng an toàn. Nhận chuyển giao công nghệ nhưng cũng không thể tin 100% vào công nghệ mà đối tác chuyển giao cho mình là đầy đủ. Do đó, phải có đối chứng, phải mời các giáo sư nước ngoài, bác sĩ nhìn nhận và đánh giá công nghệ, chứ không phải chỉ mình đánh giá. Tôi lại đi khắp thế giới để nhìn thực tế, để hỏi chuyên gia về các vấn đề của nhà máy mình. Tôi đã vượt qua được. Đến thời điểm này, tôi tạm thở phào nhẹ nhõm và dám khẳng định: Chúng tôi làm được. Chúng tôi đã ra được biển lớn.
* Sản xuất các sản phẩm công nghệ cao đòi hỏi phải liên tục đổi mới, liên tục hoàn thiện, USM Healthcare thực hiện điều này như thế nào?
- Công nghệ luôn thay đổi, bắt buộc phải thay đổi, phải phát triển, đó là xu thế. Đấy là lý do chúng tôi có ba phòng nghiên cứu phát triển với những cấp độ khác nhau. Hằng năm đều có sản phẩm mới, sản phẩm tốt nhất. Cập nhật công nghệ mới vào các sản phẩm đang sản xuất, chúng tôi đã thành công ở các dòng sản phẩm công nghệ rất cao. Ngoài ra, chúng tôi có một trung tâm nghiên cứu y sinh. Chúng tôi cũng luôn mở kênh tiếp nhận các nghiên cứu của bác sĩ, sinh viên y khoa, phối hợp để triển khai các sản phẩm mà họ hài lòng nhất. Hiện nay, nhà máy đã được đầu tư khoảng 30 triệu USD. Khoản đầu tư vẫn sẽ tiếp tục vì công nghệ luôn đổi mới.
* Cảm ơn bà!