Bamboo Airways sẽ lên sàn bằng cách nào?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 25/10/2019
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, một doanh nghiệp (DN) muốn niêm yết trên sàn chứng khoán phải thỏa các điều kiện: là công ty cổ phần (CTCP) đại chúng và đã có ít nhất hai năm hoạt động dưới hình thức CTCP tính đến thời điểm đăng ký niêm yết, kết quả kinh doanh hai năm liền kề trước khi niêm yết phải có lãi, không có lỗ lũy kế tại thời điểm niêm yết, có hơn 300 cổ đông, tuân thủ pháp luật về kế toán và báo cáo tài chính.
Ngoài ra, theo Nghị định số 58/2012/CP-NĐ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán, kể từ ngày 15/9/2012, chuẩn niêm yết trên hai sàn chứng khoán cũng đã được nâng lên, theo đó DN lên niêm yết phải đạt tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm gần nhất tối thiểu là 5%.
Trong khi đó, Bamboo Airways chỉ mới được thành lập vào tháng 7/2018, tức chỉ cách đây hơn một năm, hoạt động dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn thuộc Tập đoàn FLC. Dù thông tin mới đây cho biết, công ty đã đổi con dấu và đổi tên thành Công ty CP Hàng không Tre Việt từ ngày 23/9/2019, tuy nhiên cũng không thể nào thỏa điều kiện có ít nhất hai năm hoạt động dưới hình thức CTCP để niêm yết ngay đầu năm sau.
Về hoạt động kinh doanh, hãng này có chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 16/1/2019. Theo số liệu công bố gần đây, chỉ sau ba tháng bay, Bamboo Airways lỗ 329 tỷ đồng tính đến ngày 30/4/2019; trong khi tổng nguồn vốn 2.200 tỷ đồng nhưng khoản phải thu về trả cho vay ngắn hạn tại thời điểm 30/4/2019 lên tới hơn 1.062 tỷ đồng. Trước thực trạng trên, vào giữa tháng 8/2019, Bộ Tài chính cho rằng phương án tăng số máy bay của hãng này phải rà soát lại.
Với tình hình như trên, việc niêm yết lên sàn ngay từ đầu năm sau là không thể vì không đủ điều kiện. Một số ý kiến cho rằng, Bamboo Airways sẽ tìm cách đi đường vòng để có thể lên sàn, mà không loại trừ phương án “niêm yết cửa sau”.
Về cơ bản, “niêm yết cửa sau” là việc một công ty không niêm yết trở thành công ty niêm yết do hệ quả của việc sáp nhập hoặc thâu tóm quyền kiểm soát công ty niêm yết. Vốn là một công ty con của FLC đang niêm yết trên sàn HOSE và có cùng chủ sở hữu, ban lãnh đạo FLC có thể sáp nhập công ty con là Bamboo Airways vào công ty mẹ để hoán đổi cổ phiếu theo một tỷ lệ nhất định và tận dụng tính thanh khoản cao của cổ phiếu FLC trên sàn hiện nay để thu hút thêm vốn cho Bamboo Airways.
Thực tế, sau thông tin Bamboo Airways sẽ sớm lên sàn, giá cổ phiếu của công ty mẹ FLC đã có 5 phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 14-18/10/2019, với mức tăng gần 40% từ 3.320 đồng/CP lên 4.630 đồng/CP, đánh dấu chuỗi tăng mạnh nhất kể từ khi lên sàn đến nay. Diễn biến tại FLC cũng kéo theo hoạt động đầu cơ rất mạnh ở các cổ phiếu liên quan như ART, AMD, KLF, HAI, GAB. Các mã này cũng tăng rất mạnh trong những phiên vừa qua và chủ yếu là tăng kịch trần.
Mới đây, ngày 11/10/2019, FLC thông báo đợt phát hành 299,62 triệu cổ phiếu FLC ở giá 10.000 đồng, dù thời điểm đó giá cổ phiếu chỉ đang giao dịch trên sàn ở 3.320 đồng. Như vậy, để đảm bảo phát hành thành công, giá cổ phiếu trên sàn phải tăng lên bằng hoặc cao hơn mức 10.000 đồng; hoặc có nhà đầu tư nào đó sẵn sàng mua lại số cổ phần ế ở giá 10.000 đồng, do đó nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có “game” kéo cổ phiếu FLC lên lại mệnh giá để có thể thu hút vốn cho đợt phát hành thêm sắp diễn ra.
Nếu có thể tăng giá lên tới 10.000 đồng, đây sẽ là một trong số ít cổ phiếu có tốc độ tăng mạnh nhất trong năm nay, và đây cũng là đỉnh cao nhất của FLC trong 7 năm qua. Rõ ràng, thông tin sẽ sớm đưa Bamboo Airways lên sàn ngay từ năm sau đang đưa đến những đồn đoán về khả năng “niêm yết cửa sau” và cũng góp phần kéo giá cổ phiếu FLC tăng phi mã trong những ngày qua.