BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện khác nhau những điểm nào?

Pháp luật - Ngày đăng : 01:00, 25/10/2019

Tôi làm việc ở một doanh nghiệp nhà nước. Tôi nghe nói, khi nghỉ hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đủ thời gian quy định để hưởng lương hưu thì có thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để sau đó có thể hưởng lương hưu. Vậy nhờ luật sư tư vấn một số vấn đề có liên quan đến hai loại bảo hiểm này (Ông Lê Văn Y., ngụ quận 6, TP.HCM).
BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện khác nhau những điểm nào?

Về vấn đề này, luật sư Hệ thống Luật Thịnh Trí trả lời như sau: Theo Khoản 2, Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014, BHXH bắt buộc là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. Còn BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Đối tượng tham gia đóng:

Đối với BHXH bắt buộc: 

* Trường hợp là người lao động Việt Nam, đối tượng đóng như sau:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi.

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức.

- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.

- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

- Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Khoản 4 Điều 123 của Luật BHXH 2014.

- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006.

* Trường hợp là người lao động nước ngoài, đối tượng đóng như sau:

Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Người sử dụng lao động có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ bao gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân (theo Điều 2 Luật BHXH 2014; Khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định 115/2015/NĐ-CP; Khoản 1, 3 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP).

Đối với BHXH tự nguyện:

Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

- Người lao động làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 01 tháng.

- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố.

- Người lao động giúp việc gia đình.

- Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương.

- Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

- Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình.

- Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm.

- Người tham gia khác (theo Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH).

Trách nhiệm đóng:

Đối với BHXH bắt buộc, trách nhiệm đóng là người lao động và người sử dụng lao động.

Đối với BHXH tự nguyện, trách nhiệm đóng là người tham gia BHXH tự nguyện.

Mức đóng:

Đối với BHXH bắt buộc: 

Người sử dụng lao động đóng: 17,5% trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động. Trong đó: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

- Riêng, đối với người lao động là công dân nước ngoài: bắt đầu đóng 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 1/1/2022; 3% vào quỹ ốm đau và thai sản và 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 1/12/2018.

Người lao động đóng: 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

- Riêng đối với người lao động là công dân nước ngoài bắt đầu từ ngày 1/1/2022.

(Khoản 1 Điều 85; Khoản 1, 3 Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014; Điều 13, Nghị định 143/2018/NĐ-CP; Điều 3 Nghị định 44/2017/NĐ-CP).

Đối với BHXH tự nguyện: 

Người tham gia BHXH tự nguyện đóng: 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện: thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần lương tối thiểu chung.

Nhà nước hỗ trợ mức đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:

- 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo.

- 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo.

- 10% đối với các đối tượng khác.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng) (Khoản 1, Điều 87 Luật BHXH 2014; Khoản 1, 2 Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP).

Phương thức đóng:

Đối với BHXH bắt buộc: 

Người sử dụng lao động: Đóng hằng tháng.

Người lao động: Đóng hằng tháng, hoặc 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần hay đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Khoản 1, 2 Điều 85; Khoản 1, 2 Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Đối với BHXH tự nguyện:

Người tham gia đóng BHXH tự nguyện có thể đóng: Hằng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm một lần; đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu (Khoản 2, Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Chế độ được hưởng:

Đối với BHXH bắt buộc, người lao động có các chế độ được hưởng sau: Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất (Khoản 1, Điều 4 Luật BHXH 2014). Còn với BHXH tự nguyện, người tham gia chỉ có hai chế độ được hưởng là hưu trí và tử tuất (Khoản 2, Điều 4 Luật BHXH 2014).

Nhìn chung, BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức, mà người tham gia được quyền quyết định lựa chọn mức phí phù hợp với thu nhập của mình. Đây chính là món “của để dành”, dành cho tất cả công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đặc biệt là đối với người lao động nông thôn hoặc người lao động tự do. 

• Điện thoại tư vấn pháp luật miễn phí: 1800 6365

• Thư từ hỗ trợ, giải đáp pháp luật: Gửi về Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Lầu 5, Số 22 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM

Hệ thống Luật Thịnh Trí