Về Ba Tri viếng Lăng Nguyễn Đình Chiểu
Đời thường - Ngày đăng : 08:00, 27/10/2019
Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1/7/1822 tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM, đỗ tú tài năm 1843. Năm 1849, đang ở Huế chờ khoa thi Hội, được tin mẹ mất, ông về chịu tang, dọc đường bị bệnh nặng và vì khóc thương mẹ nên hai mắt bị mù. Khi quân Pháp chiếm thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc - thời ấy thuộc đất Gia Định. Tại đây ông đã chứng kiến những nông dân gia nhập nghĩa binh đánh giặc Pháp xâm lược và sẵn sàng chết vì nghĩa lớn. Đêm 16/12/1861, khi công đồn Tây Dương, 27 nghĩa binh hy sinh. Cảm kích trước tinh thần quả cảm trong trận đánh ấy, Nguyễn Đình Chiểu viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc để truy điệu các nghĩa sĩ. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là một tác phẩm văn học độc đáo, là bản anh hùng ca ca ngợi tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của “dân ấp dân lân” Nam kỳ.
Khi ba tỉnh miền Đông Nam kỳ rơi vào tay giặc Pháp, Nguyễn Đình Chiểu rời Cần Giuộc về An Bình Đông (1862), nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, tiếp tục mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng như Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế Trương Định..., có giá trị nhất là Lục Vân Tiên.
Ngày 3/7/1888, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (nhân dân ngưỡng mộ gọi là Cụ Đồ Chiểu) tạ thế, để lại cho đời một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, thương dân. Bên khu mộ Nguyễn Đình Chiểu và vợ là bà Lê Thị Điền, con gái Nguyễn Thị Ngọc Khuê, tức nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, năm 1972, nhân dân Ba Tri đã xây đền thờ thờ Cụ. Trong đền thờ còn trưng bày hình ảnh, tư liệu về phong trào chống Pháp của nhân dân Nam kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Năm 2002, khu đền thờ cũ được Nhà nước cho mở rộng thành Lăng Nguyễn Đình Chiểu, giữ nguyên những gì vốn có và xây nhà bia, đền thờ, nhà lưu niệm, nhà đón tiếp khách thăm viếng trên diện tích gần 1,5 hécta. Nhà bia cao 12 mét, hai tầng mái, giữa đặt tấm bia bằng đá hoa cương, mặt trước là bài văn ca ngợi công đức của Nguyễn Đình Chiểu, mặt sau tóm tắt tiểu sử của Cụ. Đền thờ được xây theo mẫu kiến trúc trùng thiềm điệp ốc (mái chồng nhà nối), cao 21 mét, ba tầng mái. Tầng trên đền thờ có bức tượng bằng đồng của nhà thơ, cao 1,6m, nặng 1,2 tấn. Trên 4 cột trụ có 4 liễn chạm trổ hoa văn, trong đó có hai câu thơ Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà trong tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu. Bên cạnh là đôi câu đối của nhân dân ca tụng Cụ: Nhân nghĩa sáng ngời vầng nhật nguyệt / Văn chương tỏ rạng ánh sao khuê.
Quần thể kiến trúc Lăng Nguyễn Đình Chiểu là một hệ thống hòa nhập với cảnh quan xanh tươi vốn có của vùng quê An Đức, năm 1993 được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt.