Cau sấy Hải Phòng doanh thu ngàn tỷ
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:00, 29/10/2019
Một cây cau Cao Nhân thu hoạch trung bình 300 - 500.000đ/năm. Cau đẹp dùng để cưới xin, lễ lạt thu hoach bình quân 3 triệu đồng/cây/năm. |
Cao Nhân là quê hương của giống cau Liên Phòng. Hầu như hộ nào ở Cao Nhân cũng trồng cau, với quy mô từ vài chục đến hàng ngàn cây. Cả xã có đến hơn 100ha đất trồng cau, chiếm trên 50% diện tích đất nông nghiệp toàn xã.
Hàng trăm năm nay, cau Cao Nhân được biết đến với sự vượt trội về chất lượng. Kỹ thuật trồng cau Cao Nhân được đúc kết và truyền lại qua nhiều thế hệ đã làm cho cây cau sai trái, trái to, xanh bóng, đều và đẹp.
Cau Cao Nhân phải trên 20 năm tuổi mới được chọn làm giống. Thời gian từ khi xuống giống cho đến lúc có trái từ 4 - 5 năm. Cau trồng không để tán lá chạm nhau. “Cau chạm lá, cá chạm vây” là những điều tối kỵ trong việc nuôi trồng.
Trước đây, khi thương lái Trung Quốc chưa đổ sang mua cau thì cau Cao Nhân được bán phục vụ cho lễ hội trong nước. Nay cau được các thương lái Trung Quốc thu mua tận nơi. Có năm được giá, mỗi trái cau bán từ 15.000 - 20.000đ. Ở Cao Nhân hiện nay, nhiều gia đình đã có của ăn của để từ cây cau.
Phó chủ tịch UBND xã Cao Nhân Nguyễn Bảo Chung cho biết: “Cả xã có hơn 50 hộ tham gia kinh doanh và chế biến cau. Những ngôi nhà khang trang trên địa bàn xã được xây dựng phần lớn nhờ nghề chế biến và xuất khẩu cau. Cau xuất khẩu được đóng bao để đưa lên cửa khẩu Móng Cái hoặc Tân Thanh xuất sang Trung Quốc”.
So với trước, đời sống người dân ở Cao Nhân hiện nay đã khá lên rất nhiều nhờ xuất cau sấy sang Trung Quốc. Người dân Cao Nhân có cơ hội sống tiếp với nghề truyền thống cha ông để lại. Một cây cau Cao Nhân thu hoạch trung bình 300 - 500.000đ/năm. Cau đẹp dùng để cưới xin, lễ lạt thu hoach bình quân 3 triệu đồng/cây/năm. Nhờ giá trị kinh tế cao (giá cau sấy bình quân 200.000đ/kg), diện tích trồng cau hiện nay của Cao Nhân từ 100ha đã tăng lên 200ha.