Trung Quốc giám sát chặt nông sản Việt Nam
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:00, 31/10/2019
Ông Lê Thanh Hòa - Phó cục trưởng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận, thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa sang Trung Quốc tăng từ 2 phút/xe lên 5-7 phút/xe, nên chỉ thông quan được 120-150 xe/ngày, thay vì 300 xe/ngày như trước đó.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc đang dùng nhiều biện pháp nhằm triệt tiêu buôn bán tiểu ngạch hay tạm nhập, tái xuất quả tươi của Việt Nam vào nước họ. Ông dẫn chứng, việc quá nhiều xe chờ thông quan bắt nguồn từ việc Hải quan Trung Quốc áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa nhập khẩu, trong khi các nhà xuất khẩu Việt Nam lại chưa làm tốt vấn đề giấy tờ liên quan.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, với kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2018 đạt khoảng 3,8 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2017, mặt hàng rau quả đã vượt qua hạt tiêu, chè, trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong đó, thị trường châu Á đạt 3,24 tỷ USD, chiếm 85% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam ra thế giới, riêng thị trường Trung Quốc là 73,1%. Trong danh mục sản phẩm xuất khẩu chính, thanh long chiếm 43%, nấm chiếm 21%, ớt chiếm 18%.
Nhưng hiện nay, kim ngạch xuất khẩu quả tươi Việt Nam vào Trung Quốc giảm khoảng 10-15% do doanh nghiệp và nhà vườn nước ta không theo kịp những quy định của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cạnh đó, những mặt hàng trước đây phía Việt Nam vẫn xuất theo đường tiểu ngạch, như sầu riêng, chanh leo, khoai lang... đến nay không xuất được, thậm chí bị xem là hàng lậu. Điều này cũng làm cho kim ngạch xuất khẩu quả tươi của nước ta giảm, dù những mặt hàng được xuất chính ngạch tăng lên so với năm ngoái, như chuối tăng vài ba lần, thanh long tăng 20-30%.
Nếu cho rằng Trung Quốc hay thay đổi chính sách, đột ngột áp dụng các quy định mới làm nông sản Việt Nam “được mùa mất giá, được giá mất mùa” là không còn phù hợp. Trung Quốc bây giờ không còn là thị trường dễ tính, doanh nghiệp và nông dân cần thay đổi cách sản xuất và kinh doanh mới bán được nhiều hàng cho thị trường này.
Tại thị trường Trung Quốc, nếu xếp loại, quả tươi của Thái Lan đứng đầu, kế đến là Chile, sau đó mới đến Việt Nam. Thái Lan xuất khẩu ít hơn nhưng giá trị hàng cao hơn. Ví dụ, Việt Nam bán sầu riêng tại Trung Quốc với giá 50đ/kg thì Thái Lan bán với giá 100đ/kg. Về chất lượng, sản phẩm của Thái Lan có công nghệ bảo quản hiện đại, cộng thêm giống tốt, thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Tương tự, giá trị mang lại cho rau quả của Chile luôn đạt mức cao. Cherry, kiwi của Chile đưa vào Trung Quốc có công nghệ bảo quản tốt, có thể để được 60 ngày, trong khi đây là loại quả dễ hỏng. Do đó, trái cây vận chuyển từ Chile đến Trung Quốc khoảng một tháng thì doanh nghiệp vẫn còn một tháng để bán hàng.
Trung Quốc đã hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý nông thủy sản nhập khẩu, sửa đổi các luật liên quan đến an toàn thực phẩm. Hàng rào thương mại của Trung Quốc được áp dụng với rau, quả tươi tập trung vào hai lĩnh vực an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Trung Quốc đã sáp nhập cơ quan an toàn thực phẩm và kiểm định động, thực vật, đồng thời điện tử hóa việc thông quan.
Bà Lê Thị Mai Anh - Vụ Thị trường châu Phi - châu Á (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay Trung Quốc vẫn tiêu thụ 2/3 tổng số hàng quả tươi của Việt Nam. Trung Quốc đang nhập khẩu từ Việt Nam 9 loại quả là thanh long, vải thiều, chuối, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, măng cụt. Hiện hai bên đang đàm phán mở rộng danh mục sản phẩm với sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi.
Liên Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc. Nhưng theo bà Lê Thị Mai Anh, nếu cho rằng Trung Quốc hay thay đổi chính sách, đột ngột áp dụng các quy định mới làm nông sản Việt Nam “được mùa mất giá, được giá mất mùa” là không còn phù hợp. Trung Quốc bây giờ không còn là thị trường dễ tính, doanh nghiệp và nông dân cần thay đổi cách sản xuất và kinh doanh mới bán được nhiều hàng cho thị trường này.