Thị trường tài chính hồ hởi khi FED giảm lãi suất lần 3
Quốc tế - Ngày đăng : 03:58, 31/10/2019
Đây là lần giảm lãi suất thứ ba trong năm nay và được thực hiện trong ba cuộc họp liên tiếp gần đây của FED. |
Chỉ số S&P 500 đã leo lên mức nhất mọi thời đại tại gần 3.047 điểm, tăng thêm 0,3% trong phiên giao dịch đêm qua. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones cũng tăng 115 điểm, tương đương 0,4% lên 27.186 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,3% lên 8.304 điểm. Sau giai đoạn khó khăn đầu tháng 10, thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ trong những phiên gần đây, khi đón nhận thông tin trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III và kỳ vọng việc FED giảm lãi suất.
Thị trường vàng quốc tế cũng phục hồi khi FED giảm lãi suất, với lo ngại chính sách gia tăng nới lỏng sẽ làm mất giá trị tiền tệ và gây áp lực lên lạm phát trong tương lai. Giá vàng kết thúc phiên hôm qua lên lại gần mốc 1.5000 USD/oz, khi tăng từ mức thấp quanh 1.480 USD/oz lên hơn 1.496 USD/oz, tức tăng 16 USD/oz, tương đương hơn 1%.
Ngược lại, chỉ số USD Index đo lường sức mạnh đồng USD so với các đồng tiền chính khác lao dốc từ mốc cao quanh 98 điểm về tận vùng 97,4 điểm, khi lãi suất cơ bản USD tiếp tục điều chỉnh giảm. Trong sáng nay, đồng USD tiếp tục suy yếu khi chỉ số USD Index rớt về vùng 97,3 điểm, mức thấp trong hơn một tuần qua.
Trong đêm qua, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định hạ lãi suất cơ bản thêm 0,25%, xuống 1,5-1,75%. Đây là lần giảm lãi suất thứ ba trong năm nay và được thực hiện trong ba cuộc họp liên tiếp gần đây, cho thấy ngân hàng trung ương (NHTƯ) lớn nhất thế giới này đã điều chỉnh chính sách quyết liệt và nhất quán.
Đây là điều tất yếu khi nhìn vào những rủi ro của kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Mỹ nói riêng trong những tháng gần đây, đặc biệt là trước những ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong suốt hơn 1 năm qua và tương lai u ám của Brexit. Trong các bài phát biểu công khai, ông Powell và nhiều quan chức Fed khác đã mô tả nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh, lấy động lực từ chi tiêu tiêu dùng vững mạnh, nhưng lại bị đe dọa từ những yếu tố bên ngoài như đà giảm tốc trên toàn cầu, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và những bất ổn liên quan đến Brexit.
Tăng trưởng GDP quý III/2019 của Mỹ chỉ đạt 1,9%, cao hơn dự báo 1,6% nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các quý trước, cho thấy sự giảm tốc đã xuất hiện. Trong khi đó, tăng trưởng việc làm có vẻ chậm lại trong những tháng gần đây. Dữ liệu từ ADP và Moody’s Analytics cho thấy khu vực tư nhân tại Mỹ đã tạo ra thêm 125.000 việc làm trong tháng 10, cao hơn dự báo 100.000 việc làm từ Dow Jones. Tuy nhiên, số việc làm tháng 9 đã bị cắt giảm thêm 42.000 việc làm xuống còn 93.000 việc làm.
Về triển vọng chính sách trong tương lai, tuyên bố của FED cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi những tác động từ những thông tin sắp tới đến triển vọng kinh tế, vì chúng sẽ quyết định đến lộ trình lãi suất quỹ FED trong tương lai. Điều này cho thấy FED ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế để ra quyết định chứ không hề có một kế hoạch chắc chắn cho giai đoạn tới.
Trong khi đó, các quan chức trong nội bộ FED cũng tỏ ra bất đồng về chuyện có cần giảm lãi suất thêm hay không. Chủ tịch FED khu vực Kansas City - Esther George, và Chủ tịch Fed khu vực Boston - Eric Rosengren, đều lên tiếng phản đối giảm lãi suất, cả hai đều cho rằng FED nên giữ nguyên lãi suất. Ở cấp độ chính quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã kêu gọi FED liên tục giảm lãi suất và tiếp tục chương trình nới lỏng định lượng mà NHTƯ đã sử dụng trong suốt và sau cuộc khủng hoảng tài chính để kích thích kinh tế.
Trong bản tuyên bố sau cuộc họp, FOMC cũng đã bỏ một câu quan trọng đã xuất hiện từ tuyên bố sau cuộc họp tháng 6/2019, đó là “hành động hợp lý để duy trì đà tăng trưởng”. Ông Powell đã sử dụng câu này vào đầu tháng 6/2019 để dọn đường cho đợt hạ lãi suất tháng 7/2019 và nó đã được sử dụng trong tuyên bố chính thức kể từ đó.