Thành quả của Shark Liên - “Cá mập” hào phóng nhất bể tại Shark Tank 2019: Tiềm năng không chỉ Green Joy
Doanh nhân - Ngày đăng : 01:49, 09/11/2019
Trong ba mùa Shark Tank, có thể nói, không có “Cá mập” nào có khẩu vị đầu tư thú vị như Shark Đỗ Liên. 5/9 thương vụ mà bà đầu tư nếu không có Shark Liên động lòng, có lẽ đã có 5 startup tay trắng rời Shark Tank và có thể gặp muôn vàn khó khăn về tài chính sau đó. Tổng số tiền mà Shark Liên đổ vào 9 thương vụ đầu tư chính của mình khoảng 47,5 tỷ đồng.
Với danh mục đầu tư của Shark Liên, có thể chia là hai hạng mục: hạng mục đầu tiên là những startup có thể thấy rõ tiềm năng dồi dào trong hiện tại và tương lai gần; hạng mục thứ hai là những startup giàu tính cộng đồng, tiềm năng ở tương lai xa.
Hạng mục đầu tiên: Green Joy, Làng Chài Xưa, Lamita, Behome, Printgo, Boom Potty
Mặc dù không phải là startup được Shark Liên xuống tiền nhiều nhất, nhưng chắc chắn Green Joy Straw chính là ngôi sao sáng nhất trong danh mục đầu tư của “bà ngoại U60”. Để giành được doanh nghiệp sản xuất ống hút cỏ này, Shark Liên thậm chí còn không ngại ‘quyết liệt’ với Shark Bình trong quá trình chinh phục trái tim của Founder Green Joy.
“Thương vụ mà tôi ấn tượng nhất đến thời điểm này là dự án ống hút cỏ Green Joy Straw, đây là sản phẩm giàu tiềm năng, thân thiện với môi trường. Trong lúc tất cả mọi người đều kêu gọi, hô hào bảo vệ môi trường nhưng thẳng tay xả rác bừa bãi, thậm chí, nhân danh môi trường để trục lợi thì sản phẩm ống hút cỏ đã lan toả tinh thần sống xanh sạch đến cộng đồng.
Ống hút cỏ là sản phẩm mà cả thế giới cần đến. Thị trường của sản phẩm này rất rộng, có thể cung cấp được cho các khách sạn, nhà hàng ở Việt Nam và toàn bộ các quốc gia trên thế giới. Trên thực tế, Green Joy đã cung cấp cho 100 chuỗi nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam.
Có một điều các startup cần lưu ý, nhà đầu tư không đầu tư vào công ty, họ đầu tư vào con người. Và trong thời đại kỹ thuật số, thương hiệu cá nhân là thứ đặc biệt quan trọng. Ở yếu tố con người, tôi đánh giá cao các bạn trẻ trong dự án này, đặc biệt là founder Nguyên Võ bởi tinh thần dũng cảm, đam mê nhiệt huyết và hơn cả là dám hy sinh vì thiên nhiên, vì cộng đồng. Nguyên Võ đã từ bỏ công việc tại ngân hàng mà bao nhiêu người mơ ước để khởi nghiệp ở lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường.
Về ý nghĩa nhân văn, dự án Làng Chài Xưa không thua kém Green Joy, khi startup này đã có rất nhiều sáng tạo mang tới hiệu quả cao trong việc bảo tồn - phát triển các làng nghề làm nước mắm truyền thống ở Phan Thiết; ví dụ như họ có bảo tàng nước mắm đầu tiên tại Việt Nam, show tái hiện cuộc sống mưu sinh của ngư dân trên biển… Lý do khiến các Shark còn lại không chịu đầu tư, do người đi kêu gọi vốn chỉ là CEO nắm ít cổ phần, chứ không phải người chủ thật sự của Làng Chài Xưa.
Còn Shark Liên thì không quan tâm đến điều đó, bà đầu tư cho Làng Chài Xưa đơn giản vì muốn góp phần gìn giữ các làng nghề truyền thống Việt Nam. Lần này, có lẽ Shark Liên đã ‘trúng’ lớn, khi sau đó founder của Làng Chài Xưa xuất hiện khá nhiều trên truyền thông và chứng minh mình là một doanh nhân vừa có tâm, vừa có tầm.
Trước khi về thực hiện dự án Làng Chài Xưa, Founder Trần Ngọc Dũng từng học tập và làm việc ở nhiều nước trên thế giới, kinh nghiệm thương trường vô cùng phong phú. Trần Ngọc Dũng từng có học bổng du học ở Úc, sau đó học tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh, sau đó anh sang Pháp học bằng tiến sĩ nghiên cứu hành vi tiêu dùng. Anh từng là nhà sáng lập công ty nghiên cứu thị trường FTA, sau đó bán công ty này cho người Nhật. Với một số vốn kha khá, Trần Ngọc Dũng mới quay về quê nhà Phan Thiết thực hiện dự án Làng Chài Xưa mà anh đã ấp ủ trong lòng mấy chục năm.
Ngoài ra, cùng mức sống ngày càng tăng cao không ngừng của người Việt, thì nhu cầu về nghỉ dưỡng và sức khỏe – làm đẹp cũng sẽ tăng theo, tương lai của doanh nghiệp chuyên về fitness như Lamita hay homestay phong cách gia đình như Behome sẽ rất sáng sủa.
Hạng mục thứ hai: Revival Waste, Y2Y, Lô Tô Offline
Cùng là mô hình kinh doanh với mục đích giảm tải rác thải, nhưng trong khi Green Joy Straw được các Shark chào đón nhiệt tình thì Revival Waste bị ‘đánh đập’ không thương tiếc, âu cũng là vì khác biệt trong cách thực hiện. Green Joy Straw thì muốn dùng ống hút cỏ thay thế ống hút nhựa, còn Revival Waste là nền tảng kết nối các bên liên quan để phân loại rác thải tại nguồn và đi thẳng đến các nhà máy tái chế.
"Bạn từng học xã hội nhân văn, chắc ngòi bút sẽ sắc sảo lắm. Thay vì đầu tư vào công ty, bạn hãy đầu tư vào các bài viết, vận động hành lang luật pháp để tạo ra cơ chế cho nhà đầu tư bỏ vốn vào. Khi ấy rác có ngoài biển 10km cũng có người bơi ra nhặt về.
Có thể bạn đang chọn sai cách làm. 1 tỷ không giải quyết vấn đề gì. Nếu tôi đi cùng bạn mà bạn chọn sai đường thì tôi cũng sai theo bạn. Tôi thà không đầu tư còn hơn nhưng tôi vẫn chúc bạn thành công", Shark Việt đã nói với founder Revival Waste - Huỳnh Hữu Hải Bình như thế.
Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối của toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Và với những chương trình hành động mạnh mẽ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đang phát động, thì trước sau gì Chính phủ Việt Nam cũng sẽ làm một điều gì đó; ví dụ có thể tạo ra một cơ chế tốt để khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn vào lĩnh vực này, như gợi ý của Shark Bình.
Còn nếu không đi chăng nữa, thì nhờ Revival Waste và Shark Liên, môi trường tại Việt Nam chúng ta cũng sẽ đỡ ô nhiễm hơn!