Trải nghiệm với Yogyakarta
Du lịch - Ngày đăng : 01:00, 10/11/2019
Chuyến bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) đưa tôi đến Jakarta (Indonesia) khi bóng chiều tối đổ xuống. Thêm một lần thử sức “lần mò” của mình, tôi lên chiếc xe bus vào thành phố, để rồi ân hận vì được nếm mùi tắc đường khiến lòng nóng như lửa đốt suốt một hành trình lắc lư... Lần này, nếu tắc đường có nghĩa là tôi sẽ phải ở lại Jakarta thêm một ngày đêm để chờ chuyến tàu hôm sau đến Yogyakarta - một tỉnh Trung Java với hai kỳ quan được công nhận là Borobudur và Prambanan.
Người bạn cùng hành trình
Thật may mắn, tôi đến ga Gambir đúng 20 giờ, nơi chuyến tàu đêm đi Yogyakarta sẽ khởi hành lúc 20 giờ 30, với tấm vé giá 230 rupiah (khoảng 500.000 VND). Thực ra, đây không phải là lựa chọn duy nhất: từ Jakarta đến Yogyakarta, bạn có thể đi bằng ô tô, tàu hoặc máy bay. Tôi chọn đi tàu vì nó vừa an toàn, vừa có thể ngắm cảnh một cách chậm rãi, có thể ngủ bất cứ khi nào mệt. Hơn nữa, số tiền bỏ ra khá rẻ mà lại có thể “tiết kiệm” được một đêm lưu trú cho quỹ thời gian khám phá xung quanh... Thế rồi, 5 giờ sáng hôm sau, tôi thấy mình có mặt ở Yogyakarta - “cố đô” Indonesia, trung tâm văn hóa nghệ thuật của quốc gia này.
Chỉ cần đi bộ ra khỏi ga Tugu, bạn đã tới “khu phố tây” Jalan Pasar Kembang của Yogyakarta. Phòng nghỉ ở đây mức giá không quá cao, khoảng 5 USD/đêm tại các nhà nghỉ mà người Indo gọi là Losmen. Khám phá của tôi bắt đầu từ món ăn khá “phổ thông” của người Indonesia - món bakso, một loại mì với bánh đa nướng, mọc, giá đỗ, thịt lợn, giá khoảng 2 USD/bát.
Bước ra đường chính Malioboro - shopping street, bạn dễ bị cuốn theo la liệt các loại đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ và sự lôi kéo của những người bán hàng. Theo kinh nghiệm của tôi, không nên mua hàng hóa ở đây, vì những người bán hàng thường nói giá quá cao, rất khó mặc cả, hơn nữa là sự “không an toàn” khi bạn mở ví đếm tiền giữa phố!
Tôi chọn các Batik - loại hình shopping center nhỏ, bán hàng theo giá niêm yết và các nhân viên biết nói tiếng Anh. Từ nến, dầu thơm, đồ trang trí, rèm cửa đến túi xách, quần áo... vô vàn các thứ bạn có thể mua với giá từ 0,5 USD đến hàng trăm USD.
Tôi quay về nhà nghỉ lúc chiều tối, mua sẵn một vé tour giá 5 USD cho ngày hôm sau, là tiền di chuyển để đi các đền Borobudur và Prambanan (chưa bao gồm vé tham quan). Trời mưa tầm tã, cô lễ tân khách sạn cho biết, ngày mai trời có thể mưa to vào sáng sớm. Thật nản quá đi!
Cảm giác buổi tối ở Yogyakarta thật trống trải. Lác đác vài người khách Tây đi lại. Mưa đã ngớt. Một khách du lịch làm quen với tôi, chúng tôi ngồi uống bia trước cửa siêu thị. Anh đến từ New Zealand, đã dạy tiếng Anh ở Đài Loan để kiếm tiền đi khắp châu Á. Với Việt Nam, anh ấn tượng nhất về bia hơi. Không chỉ người bạn này mà nhiều bạn tôi gặp trên đường, khi nhắc đến Việt Nam, họ ồ lên thích thú khi nhớ tới “Bia hơi”. Chúng tôi nói thật nhiều, về Mũi Né, Sapa, Sài Gòn đến gần nửa đêm.
Một đi là một biết
4 giờ 30 sáng, tôi thức dậy ra đầu ngõ. Xe đã đợi sẵn để đi Borobudur. Thật bất ngờ khi gặp lại người bạn đêm qua, thú vị hơn là cả tour chỉ có... hai chúng tôi vì thời gian này vắng khách. Từ trung tâm Yogyakarta đến nơi chỉ khoảng 20km, hai bên đường hiện ra toàn đá tảng, bụi đất, những dòng kênh đen đặc than đá.
Borobudur có nghĩa là “chùa nhiều Phật”, quả thật là như vậy! Trên diện tích tầng đầu tiên vuông vức 4 cạnh, mỗi cạnh 120m, 7 tầng lên cao có tất cả 436 tượng Phật trông về bốn phía. Có vẻ như chúng tôi không may mắn khi đến Yogyakarta dịp này, vì để tránh tro bụi đất đá từ núi lửa, các cổng leo lên đỉnh ngôi đền đều bị đóng. Tôi và người bạn đồng hành đành ngậm ngùi đi quanh đó, chụp vài kiểu ảnh làm kỷ niệm.
Rời Borobudur, chúng tôi đến Candi Mendut. Đây là một đền thờ nhỏ, nằm cách Borobudur 3km, dưới tán cây cổ thụ 2.000 năm tuổi, được xây dựng từ năm 1834. Nhưng thực sự phải dùng đến từ “đau lòng”. Những tảng đá đường kính 1-2m đã phá hỏng cây cổ thụ này. Người ta đang cưa những rễ bị gãy, ngọn cây trông xơ xác.
Quay ngược về trung tâm Yogyakarta, Prambanan gợi nhớ đến quá khứ đau thương của trận động đất 5,9 độ richte vào năm 2006. Trận động đất vẫn được hai người bạn dẫn đường của chúng tôi nhắc đến đầy xúc động, nó cướp đi sinh mạng của 6.000 người trong vòng 40km. Prambanan cũng chịu ảnh hưởng mạnh, ngoài một số đền chính đã và đang được tái tạo, một loạt đền nhỏ phía trước quần thể chỉ còn lại đống gạch đá ngổn ngang. Quần thể Prambanan gồm 237 ngôi đền lớn nhỏ được bao bọc bởi một bức tường lớn, 224 đền nhỏ bao quanh lớp thứ hai và khu vực trung tâm là các đền lớn. Những họa tiết trang trí quanh đền minh họa cho các truyền thuyết Hindu xoay quanh Brahma - người xây dựng, Vishnu - người gìn giữ và Shiva - kẻ phá hủy.
Anh lái xe nói, ở Yogyakarta, người dân luôn sống trong lo sợ với thiên tai núi lửa, động đất. Những người dân nghèo vốn chẳng có gì nhiều nhưng cứ một vài năm, một cử động nhẹ của thiên nhiên cũng có thể cướp hết tất cả. Tôi chạnh lòng nhớ đến Việt Nam của mình, nhớ đến lũ lụt miền Trung, người dân cũng nghèo và vẫn cứ gồng mình lên chống chọi với thiên tai.
Gần đến trưa, mây đen lại sầm sập kéo đến. Chúng tôi vội vã lên xe để về lại thành phố, vừa kịp cho tôi đi xe bus đến Bali trong ngày, nối dài hành trình làm quen và kết bạn với đất nước này.
- Từ Jakarta có thể đến Yogyakarta bằng tàu hỏa. Tàu hỏa không có hạng giường nằm nhưng ghế ngồi rộng rãi, thoải mái. - Các nhà nghỉ ở Yogyakarta thường có chất lượng không cao. Bạn nên xem xét kỹ cả nhà vệ sinh, nhà tắm trước khi thuê phòng. - Các tour đến hai ngôi đền được bán ở khắp nơi, giá tiền chỉ dành cho việc vận chuyển; đến thăm mỗi nơi đều phải bỏ tiền mua vé riêng. Với chuyến thăm núi lửa Merapi, bạn có thể thuê xe máy hoặc thuê “xe ôm”. - Từ Yogyakarta, các văn phòng du lịch có bán tour 3 ngày 2 đêm: Yogyakarta - núi lửa Gunung Bromo - Bali. Đây là cách đi thuận tiện nếu có ít thời gian và muốn ghé qua ngọn núi lửa tuyệt vời Gunung Bromo trước khi đến Bali. Nếu muốn đến thẳng Bali thì cách hay nhất là máy bay. Đi xe bus khá mệt vì đường ở đây rất nhỏ và xóc. |