Đi tìm hy vọng cho bệnh nhân ung thư máu
Dịch vụ mới - Ngày đăng : 08:00, 11/11/2019
Bác sĩ Patrick Tan (thứ 2 từ trái sang) và vợ chồng chị Ngọc Anh |
Không phải dấu chấm hết
Ung thư máu (hay bệnh bạch cầu) là tình trạng sản sinh bất thường của các tế bào bạch cầu chưa trưởng thành. Những bạch cầu chưa hoàn thiện này không có chức năng bình thường, nhưng sẽ nhanh chóng phát triển và chiếm chỗ ở tủy xương. Điều này đồng thời làm cho quá trình hình thành các tế bào hồng cầu và tiểu cầu cũng bị cản trở, gây thiếu máu và có xu hướng xuất huyết (do thiếu tiểu cầu).
Ở giai đoạn cuối, hầu hết bệnh nhân sẽ tử vong trong vòng 6 tháng đầu tiên sau chẩn đoán. Đây là một căn bệnh nghiêm trọng và không có cách điều trị trong quá khứ, lựa chọn duy nhất của người bệnh lúc đó là phương pháp ghép tủy. Dù sau khi ghép tủy, bệnh nhân có tỷ lệ sống sót đến 70-80% thì rủi ro vẫn không hề nhỏ.
Hiện nay, những tiến bộ vượt bậc trong điều trị ung thư đã giúp tiên lượng bệnh cho những người mắc bạch cầu dòng tủy mãn tính trở nên khả quan hơn, một dạng Leukaemia tiến triển chậm. Với phương pháp điều trị ngày nay, người bệnh có thể thuyên giảm rõ rệt và sống nhiều năm sau chẩn đoán.
Dưới đây là câu chuyện về chị Lê Ngọc Anh, bệnh nhân mắc bạch cầu dòng tủy mãn tính, nay đã thuyên giảm và có rất nhiều cơ hội sẽ khỏi bệnh hoàn toàn.
Hành trình tìm kiếm phương pháp chữa bệnh
Khi đi xét nghiệm, chị Ngọc Anh phát hiện lượng bạch cầu trong máu vượt quá cao so với người thường (201,000 so với mức 12,000). Chị đi thử máu thêm lần nữa tại một bệnh viện khác ở Việt Nam và nhận được chẩn đoán tương tự: chị biết mình đã mắc leukaemia - ung thư máu. Như rất nhiều bệnh nhân ung thư khác, cảm giác đầu tiên của chị Ngọc Anh và cả người thân là suy sụp tinh thần, hoang mang vì không biết khả năng chữa khỏi căn bệnh của mình là đến đâu.
Thời gian đầu, chị tìm nơi điều trị tại TP.HCM. Nhưng với mong muốn được chữa trị tại một bệnh viện có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, chị Ngọc Anh đã chọn sang Singapore và điều trị tại Mount Elizabeth - bệnh viện với hơn 40 năm kinh nghiệm và có uy tín quốc tế về điều trị chuyên sâu.
Bác sĩ Patrick Tan tư vấn về tình trạng bệnh của chị Ngọc Anh tại BV Mount Elizabeth, Singapore |
Tại đây, chị gặp bác sĩ Patrick Tan, chuyên gia huyết học giàu kinh nghiệm và là người tiên phong trong lĩnh vực cấy tế bào gốc và máu cuống rốn. Hơn thế nữa, ông còn là người đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc không cùng huyết thống và ca ghép máu cuống rốn không cùng huyết thống cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh (Thalassemia).
Theo ông, chị Ngọc Anh còn trẻ và được phát hiện sớm nên khả năng tiếp nhận điều trị rất khả quan. Bằng cách ứng dụng thế hệ thuốc mới vào phác đồ điều trị, tình trạng bệnh của chị được bác sĩ Tan kiểm soát tốt sau một thời gian ngắn.
Ông chia sẻ:“Từ kinh nghiệm với các ca bệnh ung thư trước, tôi nhận định rằng, nếu không còn xuất hiện dấu hiệu bất thường, chị Ngọc Anh chỉ cần tiếp tục dùng thuốc trong vòng hai năm nữa và khỏi bệnh hoàn toàn. Nhiều bệnh nhân đã được điều trị bằng phương pháp này và có tỷ lệ chữa khỏi đến 90%.”
Chị Ngọc Anh hào hứng chia sẻ thêm về quá trình điều trị của mình: “Lúc đầu tiên khi tôi đi sang Singapore, chỉ số đột biến gen của tôi là khoảng 45, nhưng đến bây giờ sau hai năm nó đã trở về 0. Theo lộ trình của bác sĩ sẽ là 18 tháng nhưng thật ra là 16 tháng tôi đã trở về chỉ số 0 rồi. Tôi cảm thấy khỏe khoắn hơn, tự tin hơn”.
Cuộc sống chứa đựng nhiều bất ngờ kỳ diệu là thế. Từ những hoang mang lúc đầu khi mới chẩn đoán mắc ung thư máu, chị Ngọc Anh của hôm nay tràn đầy hy vọng mới nhờ khỏi bệnh chỉ trong hai năm dùng thuốc mà không cần xạ trị hay liệu pháp phức tạp. Khả năng chữa khỏi và ngưng dùng thuốc mãi mãi chính là món quà lớn nhất của chị. Vì còn rất trẻ, chị Ngọc Anh hoàn toàn có thể tiếp tục cuộc sống tươi đẹp trước đây và sinh con nếu muốn, bác sĩ Patrick Tan chia sẻ.
Chị nói cùng ánh mắt lấp lánh niềm vui: “Ước mơ của tôi là đi du lịch vòng quanh thế giới. Nên tôi sẽ bắt đầu ngay để đến nơi tôi yêu thích và tiếp tục những công việc kinh doanh mà mình đang làm”.