“Bộ lọc” FDI cho ngành chế biến gỗ
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:00, 15/11/2019
Việc các công ty Trung Quốc đã lấy Việt Nam làm điểm trung chuyển làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến, gây sự nghi ngờ cho các đối tác quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Vấn đề này thu hút nhiều quan tâm hơn khi Hải quan Mỹ mới đây đã phát hiện Công ty Finewood Việt Nam có hành vi nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc, đưa về nhà xưởng thay đổi nhãn mác xuất xứ Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ. Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng có hành vi làm giả C/O do Việt Nam cấp dù thực tế hàng hóa hoặc không được nhập khẩu vào Việt Nam, hoặc đã xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Họ làm giả C/O từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra những cơ hội mới cho việc mở rộng đầu tư FDI vào ngành gỗ Việt Nam, bao gồm cả sự mở rộng về số lượng và kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong thời gian gần đây. Năm 2018 có 529 doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ trực tiếp tham gia xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,96 tỷ USD, chiếm 46,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 8,48 tỷ USD của ngành. Thế nhưng, trong 9 tháng đầu năm 2019, số doanh nghiệp FDI trực tiếp tham gia xuất khẩu tăng lên con số 565, với tổng kim ngạch gần 3,4 tỷ USD, tương đương 46,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (7,3 tỷ USD) cho các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của cả ngành trong cùng giai đoạn.
Trung Quốc đang là quốc gia dẫn đầu danh sách đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam trên cả ba hình thức là các dự án đầu tư mới, dự án tăng vốn mở rộng sản xuất và góp vốn thông qua hình thức mua cổ phần. Số liệu của nhóm nghiên cứu bao gồm Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, Hội Chế biến gỗ Bình Dương, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định và Forest Trends ghi nhận, trong 9 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc có 40 dự án đầu tư mới vào Việt Nam, chiếm gần 60% trong tổng số 67 dự án. Đáng chú ý, dù số lượng dự án FDI đông đảo, nhưng tổng vốn đầu tư của các dự án từ Trung Quốc chỉ chiếm 23,5% trong tổng số vốn đầu tư đăng ký. Các dự án FDI từ Trung Quốc có quy mô nhỏ. Trong số 15 dự án có quy mô dưới 1 triệu USD đầu tư mới vào ngành giai đoạn 9 tháng đầu năm 2019, có 10 dự án của Trung Quốc, tương đương 67%. Trong số này, dự án sản xuất ván tại Yên Bái có vốn đầu tư chỉ vỏn vẹn 23.000 USD.
Ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước những rủi ro rất lớn, theo TS. Tô Xuân Phúc - chuyên gia của Forest Trends. Trong báo cáo mới nhất, ông Phúc và nhóm nghiên cứu về FDI vào ngành gỗ đã chỉ ra “những tín hiệu” về gian lận thương mại ngày một rõ ràng hơn. Một số mặt hàng gỗ của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào Mỹ với nhãn mác của Việt Nam. Gian lận thương mại cũng diễn ra dưới hình thức “đầu tư chui” hay “đầu tư núp bóng” với doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, thuê nhà máy, nhà xưởng của Việt Nam, nhập khẩu hàng hóa sơ chế từ Trung Quốc vào sơ chế tại đây, sau đó xuất khẩu sản phẩm vào Mỹ với nhãn mác Việt Nam. Trên thực tế, những nhận đinh này phù hợp với thực trạng “kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến” của Bộ Công Thương, xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ có mức tăng trưởng đột biến, tăng 270% trong năm 2018, so với mức 51,4 triệu USD trong năm 2017.
“Không phải doanh nghiệp FDI Trung Quốc nào đầu tư vào Việt Nam cũng làm ăn gian lận”, bà Diêm Luyến - Phó tổng giám đốc điều hành Junma Group, công ty chế biến gỗ ván ép 100% vốn đầu tư của Trung Quốc, nhận xét. Tại tỉnh Phú Thọ, Junma Group đã đầu tư 500 tỷ đồng và thuê 500 lao động sản xuất, chế biến gỗ ván ép, gỗ dán, xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
“Chúng tôi không gian lận thương mại trong chế biến và xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ”, bà Diêm Luyến khẳng định. Thậm chí, từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ ép của Junma sụt giảm tới hơn 60% do chịu tác động tiêu cực từ việc một số doanh nghiệp nước ngoài, xuất khẩu gỗ ván ép sang Việt Nam, thay đổi nhãn mác và xuất khẩu sang Mỹ. Bà Diêm Luyến cho rằng, Việt Nam cần “sàng lọc kỹ lưỡng hơn” nguồn vốn FDI đầu tư vào ngành gỗ, đồng thời đưa ra những chính sách phù hợp để các doanh nghiệp Trung Quốc yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam đã có Nghị Quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về thu hút vốn FDI trong tình hình mới, nhưng để phát triển bền vững, ngành gỗ cần phải có những cơ chế chính sách hữu hiệu để giảm các rủi ro trong đầu tư FDI. TS. Phúc khuyến cáo, Chính phủ thực hiện kiểm soát rủi ro trong FDI, có thể bắt đầu ngay bằng việc rà soát cả ba loại hình đầu tư, bao gồm đầu tư mới, các dự án tăng vốn và dự án mua cổ phần. Ưu tiên rà soát cần tập trung vào các dự án đầu tư mới, có quy mô nhỏ, đặc biệt là 15 dự án đầu tư mới năm 2019, bao gồm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, với vốn đăng ký dưới 1 triệu USD mỗi dự án. Việc rà soát cũng có thể mở rộng với các doanh nghiệp có quy mô vốn tương tự, đăng ký đầu tư năm 2018. Chính phủ sau đó có thể mở rộng việc rà soát, với các doanh nghiệp có vốn đầu tư khoảng 1-3 triệu USD/dự án, một số dự án tăng vốn, mua cổ phần, tập trung vào các dự án sản xuất ván. Việc rà soát cần nhìn nhận vào các khía cạnh đầu vào của nguồn nguyên liệu và đầu ra của sản phẩm, công suất tiêu thụ nhiên liệu và tiêu thụ điện năng, sử dụng lao động.
Một điểm quan trọng nữa, để ngành gỗ phát triển bền vững, Chính phủ cũng cần có cơ chế cho phép các hiệp hội gỗ mở rộng thành viên của mình, với các doanh nghiệp FDI có thể trở thành thành viên chính thức, ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định. Theo ông, ngành gỗ nên phát triển theo mô hình của AMCHAM, EUROCHAM. Sự kết nối sẽ được tạo ra khi cả doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI cùng tham gia hiệp hội. Các hiệp hội gỗ có thể tăng cường trao đổi thông tin, từ đó góp phần giảm thiểu các xung đột lợi ích giữa các doanh nghiệp. Kết nối trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội có tiềm năng biến các kỳ vọng về dịch chuyển trình độ quản lý, lao động tay nghề cao, khoa học và công nghệ từ khối doanh nghiệp FDI sang khối doanh nghiệp nội được hiện thực hóa.