Phim 70mm trở lại

Thư giãn - Ngày đăng : 01:00, 18/11/2019

Những nhà làm phim 70mm thế hệ mới đang đưa những thước phim chất lượng, hoành tráng và sống động nhất trở lại với khán giả, “giàu” thì bằng máy quay IMAX khổng lồ, “nghèo” thì bằng máy kỹ thuật số cảm biến lớn.
Phim 70mm trở lại

“Con khủng long 70mm” đánh thức giấc mơ xưa

Phim khổ 70mm xuất hiện từ buổi sơ khai của ngành điện ảnh (cuối thế kỷ XIX), trước khi phim 35mm trở thành định dạng tiêu chuẩn. So với phim 35mm, phim khổ lớn 70mm có độ phân giải cao hơn. Khi đặt trong máy quay, phim rộng 65mm (do vậy, còn được gọi là phim 65mm). Nhưng khi chiếu, phim được in sang khổ 70mm nhờ những khoảng cách được thêm vào các dải từ chứa âm thanh.

Trong thập niên 1950, phim nhựa 70mm bước vào giai đoạn hoàng kim, tạo ra hàng loạt tác phẩm điện ảnh kinh điển như Ben-Hur, Lawrence of Arabia, The Sound of music, A Space Odyssey... Từ thập niên 70 trở đi, khổ phim 70mm không còn được ưa chuộng do chi phí sản xuất và trình chiếu cực kỳ tốn kém, những chiếc máy quay cồng kềnh. Bước sang thế kỷ XXI, khi định dạng kỹ thuật số lấn át phim nhựa, phim 70mm gần như bị lãng quên. 

Cho đến năm 2012, đạo diễn Paul Thomas Anderson khiến con tim những người “hoài cổ” thổn thức khi đưa khổ phim 70mm trở lại để thực hiện The Master. Quentin Tarantino tiếp tục dòng chảy này với phim The Hateful Eight (2015). Những thước phim tuyệt đẹp và chân thực này không chỉ hấp dẫn khán giả, mà còn thách thức các nhà làm phim và những người say mê kỹ thuật phim ảnh.

Christopher Nolan tiếp cận khổ 70mm theo cách hiện đại hơn bằng cách kết hợp cùng công nghệ IMAX. Năm 2008, trong The Dark Knight, Nolan bắt đầu thử nghiệm một số cảnh quay bằng máy IMAX. Sau đó, IMAX gần như trở thành một nỗi ánh ảnh của Nolan, gắn bó với ông qua nhiều phim; trước khi gây ấn tượng mạnh về thị giác với những góc quay rộng, hình ảnh chi tiết, sống động trong Dunkirk (2017). Bộ phim này được quay hoàn toàn bằng khổ 70mm, trong đó có tới 75% bằng máy IMAX 15/70mm (chất lượng cao gấp ba lần phim 70mm thông thường).

Và đến với “người nghèo”

Công nghệ IMAX (viết tắt của Image Maximum) và những chiếc máy quay phim nhựa IMAX 15/70mm thường được biết đến là sân chơi của những kẻ lắm tiền nhiều của, thường chỉ dành cho phim bom tấn. Với các dự án nhỏ hơn, nếu đạo diễn muốn mang đến cho khán giả những trải nghiệm hình ảnh hoành tráng và có độ sắc nét cao hơn chuẩn phim 35mm thì câu trả lời nằm ở những chiếc máy quay kỹ thuật số cảm biến lớn.

Cách đây 5 năm, ARRI - một ông lớn trong ngành sản xuất máy quay điện ảnh - tuyên bố cho thuê các máy quay kỹ thuật số cảm biến lớn (70mm). Greig Fraser trở thành một trong những nhà quay phim tiên phong trong việc sử dụng máy quay kỹ thuật số cảm biến lớn, khi quay toàn bộ Star Wars: Rogue One (2016) bằng máy quay Alexa 65 của ARRI. Fraser khẳng định máy quay kỹ thuật số cảm biến lớn khiến những “cuộc chơi” trong ngành điện ảnh trở nên hấp dẫn hơn và nó không chỉ dành riêng cho các phim kinh phí lớn.

Sau Star Wars: Rogue One, Fraser tiếp tục mang chiếc máy này sang châu Âu ghi hình Mary Magdalene, một phim điện ảnh có kinh phí thấp của đạo diễn Garth Davies. Hiện tại, máy quay cảm biến lớn đã được sử dụng cho rất nhiều phim lớn nhỏ khác nhau. Những chiếc máy như Panavision millenium DXL, Sony F65, Alexa 65... có thể mang đến những cảnh quay sắc nét hơn, chi tiết hơn máy quay thông thường, nếu được sử dụng với ống kính phù hợp. 

Ban đầu, những chiếc máy quay phim kỹ thuật số cảm biến lớn khá đắt và hiếm, do vậy, việc thuê mướn trở thành một cuộc cạnh tranh gay gắt. Nhưng vài năm gần đây, chúng phổ biến hơn và trở thành sự lựa chọn cho các nhà quay phim. 

Trong Joker (2019), đạo diễn Todd Phillips và nhà quay phim Lawrence Sher rất tâm đắc với những cảnh quay được thực hiện bằng máy Alexa 65. Roma (2018) mang đến cho khán giả bữa tiệc thị giác thịnh soạn về vùng đất Mexico, một phần nhờ Alfonso Cuarón, vị đạo diễn vốn trung thành với phim khổ 35mm, bước ra khỏi vùng an toàn để sử dụng máy kỹ thuật số cảm biến 70mm. Midsommar (2019) dù kinh phí dưới 10 triệu USD, nhưng đạo diễn Ari Aster và tay máy Pawel Pogorzelski đã có được những cảnh quay cực kỳ chi tiết và chân thực nhờ chiếc máy Panavision millennium DXL2. 

Không những vậy, quay phim bằng máy khổ lớn (sử dụng cảm biến hoặc phim âm bản) đang dần trở thành tiêu chuẩn ở các phim nhượng quyền đình đám nhất, kể cả Marvel. Khi chuẩn 70mm vừa xuất hiện trên phim bom tấn, vừa len lỏi vào phim kinh phí thấp, khán giả sẽ có thêm nhiều trải nghiệm điện ảnh thú vị tại rạp chiếu mà hình thức xem phim trực tuyến tại gia chưa thể đáp ứng được. Với các nhà làm phim, đây thực sự là một cơ hội để “kéo” khán giả đến rạp. 

Lam Nguyễn