Đạo diễn Lý Hải: "Thị trường phim ảnh rất khó đoán"
Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 06:00, 27/11/2019
Anh đi học lớp biên kịch, học quy trình sản xuất và học luôn khóa đạo diễn. Cầm kịch bản Lật mặt 1 đi chào nhà đầu tư, suốt một năm anh bị từ chối vì không ai tin ca sĩ Lý Hải có thể làm được phim. Mà thật ra, đến tận bây giờ, nhiều cá nhân vẫn không tin rằng Lý Hải có thể làm được phim, dù thương hiệu Lật mặt đã rục rịch quay phần 5, với bốn phần phim trước đều thắng doanh thu phòng vé ít nhất 70 tỷ đồng (phần 1 và phần 2, năm 2015, 2016).
Lý Hải nói, anh quen với điều đó và đón nhận sự hoài nghi đó hết sức bình thường. “Bản thân tôi mỗi khi ra đường vẫn thích khán giả gọi mình là ca sĩ hơn. Điều duy nhất tôi và bà xã có thể làm là cố gắng làm việc, cố gắng thực hiện giấc mơ của mình. Tôi luôn ý thức mình phải học, học nhiều hơn nữa vì mình là lính mới trong nghề phim”.
* Các bộ phim của anh có nội dung, thể loại khác nhau nhưng đều bắt đầu bằng tiêu đề “Lật mặt”. Phải chăng anh muốn gầy dựng một thương hiệu và tạo chỉ dấu nhận diện?
Đúng là như vậy. Tôi muốn tạo dựng một thương hiệu tương tự Trọn đời bên em trước kia, để khán giả biết đây là phim của Lý Hải. Nhưng để người xem nhớ đến thương hiệu này thì dấu nhận diện thôi chưa đủ, còn cần đến sự mới mẻ, hấp dẫn của nội dung bộ phim.
* Với anh, đâu là những yếu tố tạo nên một bộ phim hay?
Đầu tiên phải là kịch bản tốt. Với tôi đây là yếu tố quan trọng nhất. Khi bạn có một câu chuyện tốt, bạn sẽ có bộ phim tốt. Còn câu chuyện nhạt nhẽo thì... rất khó để có một bộ phim hay. Tiếp đến là diễn viên phù hợp. Phù hợp chứ không phải diễn viên ngôi sao nhằm đảm bảo an toàn cho doanh thu. Vì thực tế cho thấy, cả Việt Nam và nước ngoài, nhiều phim đầy rẫy ngôi sao nhưng vẫn thất bại thảm hại tại phòng vé. Trong khi một số phim khác giới thiệu những gương mặt trẻ, hợp vai và có kịch bản hợp lý sẽ dành thắng lợi giòn giã.
* Nhưng đâu phải bộ phim nào hay cũng thắng doanh thu…
Đó là một câu chuyện đầy mâu thuẫn và dài hơi, cho thấy sự khó đoán của thị trường. Thị trường phim ảnh Việt Nam hiện là mảnh đất đầy tiềm năng, không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều nhà đầu tư mang tham vọng kiếm tiền nhảy vào. Song không phải ai cũng thành công. Có thể là do họ chọn không đúng thời điểm hoặc chưa nắm bắt được thị hiếu của khán giả, hoặc truyền thông chưa đúng cách… Tôi cho rằng, đạo diễn có thể làm ra một bộ phim hay nhưng một bộ phim muốn thắng phòng vé thì cần sự hợp sức của rất nhiều bên, nhiều yếu tố.
* Cả bốn phim trước đây của anh đều thành công. Là do nắm bắt được thị hiếu, kịch bản tốt, truyền thông giỏi hay còn vì yếu tố nào khác?
Là do tôi may mắn. Mỗi khi phim ra rạp, tôi thường đứng trong góc hồi hộp xem phản ứng của khán giả. Nếu khán giả thích, tôi sẽ tiếp tục phát huy, nếu không thích, tôi sẽ suy nghĩ, lý giải tại sao không thích. Có lúc tôi nhận ra ngay điểm mình làm chưa tốt và tự nhủ nếu có cơ hội để tiếp tục, tôi sẽ làm tốt hơn. Chính nhờ những suy nghĩ này mà ở các bộ phim tiếp theo, tôi luôn cố gắng nhiều hơn nữa. Từ nội dung, hình ảnh, chất lượng âm thanh… không chỉ làm hài lòng khán giả trong nước mà còn là tự nâng cấp bản thân và bộ phim, để đưa phim phát hành tại thị trường nước ngoài.
* Một phim thắng thì có thể nói là may mắn, nhưng cả bốn phim thắng mà vẫn nhận là may mắn, là do anh quá khiêm tốn đấy thôi.
Vợ chồng tôi khi bắt tay vào làm phim đều không đặt mục tiêu phim phải thu về bao nhiêu tỷ, để sau đó phải mất ngủ, suy nghĩ chiêu trò truyền thông kéo khán giả. Mục tiêu của chúng tôi chỉ dừng ở việc phim đừng bị lỗ vốn là được. Còn phim lời thì dĩ nhiên chúng tôi rất vui vì chứng tỏ nó được sự đón nhận của khán giả.
* Vợ chồng anh phân công công việc như thế nào để không giẫm chân lên nhau và bất hòa khi một bên làm sản xuất, một bên là đạo diễn?
Tôi lo về nghệ thuật, vợ tôi đảm trách các công đoạn sản xuất, tài chính, truyền thông. Những gì tôi yêu cầu cho bộ phim, bà xã sẽ cân đối và trao đổi với tôi. Chưa bao giờ bà xã can thiệp vào quá trình sản xuất của tôi vì luôn tin tưởng và ủng hộ. Bản thân tôi cũng luôn tự cảnh tỉnh và kiểm soát mình, làm thế nào để chi phí bỏ ra ít nhất mà vẫn đạt được hiệu quả cao nhất. Cách của tôi thường là “lấy công làm lời”, cái gì cũng xắn tay vào làm cùng anh em. Vất vả một chút nhưng có thể giảm chi phí và đúng ý đồ của mình thay vì giao hết nguyên phần đó cho người khác. Như vậy sẽ rất tốn kém.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!