Dịch vụ ngành hàng không: Thị trường rộng mở

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:00, 28/11/2019

Số lượng máy bay tại Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong vòng 20 năm tới sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay, kéo theo nhu cầu dịch vụ ngành hàng không ngày càng “nóng”.
Dịch vụ ngành hàng không: Thị trường rộng mở

Dự báo, từ năm 2019 đến năm 2038, các hãng hàng không trên thế giới sẽ cần 44.000 máy bay mới, trong đó có hơn 17.000 máy bay (tương đương 39%) là của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các hãng hàng không Đông Nam Á sẽ cần thêm 4.500 máy bay và Việt Nam là một trong những thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Đến năm 2038, số máy bay của Việt Nam có thể tăng gấp 4 lần so với hiện tại. 

Theo dự báo của hãng Boeing, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam sẽ dẫn đầu thế giới về nhu cầu kỹ thuật viên bảo dưỡng máy bay, khoảng 249.000 người, tương đương 39% nhu cầu toàn cầu, nhân viên phi hành đoàn khoảng 323.000 người, tương đương 37% nhu cầu của thế giới và 244.000 phi công thương mại, tương đương 38% nhu cầu toàn cầu. 

Thông tin từ Công ty Dịch vụ Hàng không Boeing châu Á - Thái Bình Dương (BAPAS) - công ty liên doanh giữa Boeing và Công ty Dịch vụ kỹ thuật hàng không Singapore Airlines cho biết, để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ hàng không của các hãng bay, BAPAS đang cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các hãng hàng không tại Việt Nam, bao gồm bảo trì, bảo dưỡng máy bay, hợp tác đào tạo phi hành đoàn.

Theo ông Michael Doellefeld - Tổng giám đốc BAPAS, nếu hợp tác với các hãng hàng không Việt Nam để cung cấp dịch vụ kỹ thuật và bảo dưỡng máy bay, BAPAS sẽ thành lập chi nhánh tại Việt Nam. Tùy vào số lượng máy bay, số lượng tuyến bay và yêu cầu của các hãng, BAPAS sẽ đưa máy bay của Việt Nam đến các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng phù hợp. Hiện Boeing đang mở rộng hoạt động, đặc biệt là bán máy bay tại thị trường Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, “BAPAS sẽ đi cùng với Boeing trong việc tiếp cận thị trường để đưa ra nhiều lựa chọn hơn nữa về máy bay và các dịch vụ đi kèm cho khách hàng”, ông Michael Doellefeld nói.

Theo phân tích của các chuyên gia ngành hàng không, các hãng bay mới và các hãng bay giá rẻ không có mạng lưới bảo trì, bảo dưỡng, vì vậy nhu cầu dịch vụ này đang rất lớn. Tuy nhiên, chỉ có những công ty có thế mạnh riêng về nguồn nhân lực mới có thể khai thác hiệu quả thị trường này. Lấy ví dụ, lợi thế của BAPAS là có mạng lưới về dịch vụ trên toàn cầu với máy móc, trang thiết bị đầy đủ. Đặc biệt là sự kết hợp của một hãng sản xuất máy bay và công ty dịch vụ hàng không đã giúp BAPAS không chỉ có kiến thức chuyên môn cao về dịch vụ kỹ thuật máy bay và vận hành khai thác mà còn hiểu rõ những vấn đề mà máy bay gặp phải trong quá trình vận hành, hiểu về đội bay, tính chất của máy bay và nắm được cách xử lý các lỗi kỹ thuật từ góc độ của một nhà vận hành khai thác. Từ đó có thể đưa ra các giải pháp tối ưu về dịch vụ kỹ thuật, bảo trì, bảo dưỡng máy bay, cũng như đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các hãng hàng không, giúp các hãng bay đơn giản hóa quy trình bảo trì và bảo dưỡng máy bay. Đây cũng là yếu tố mà BAPAS xem là thế mạnh trong cuộc cạnh tranh về dịch vụ hàng không tại các thị trường mới nổi như Việt Nam.

Ông Lim Serh Ghee - Chủ tịch Công ty ST Engineering Aerospace (Singapore) cho biết, ST đặc biệt quan tâm khu thị trường châu Á bởi là khu vực trọng điểm góp phần vào sự tăng trưởng của ngành hàng không dân dụng toàn cầu. Ông Lim khẳng định: “Sự kết hợp kinh nghiệm của Vietnam Airlines và ST chính là thế mạnh của liên doanh và sẽ cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, đảm bảo an toàn bay tuyệt đối cho các hãng hàng không”. 

Trước đó, Công ty Lufthansa Technik (Đức) cũng đã đề xuất tham gia hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng máy bay dân dụng. 

Ngoài các dịch vụ sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng máy bay, việc nâng cao chất lượng các dịch vụ mặt đất tại các sân bay, như xây dựng kế hoạch bay, kỹ thuật sân đỗ, phục vụ hành khách, hành lý và các dịch vụ hỗ trợ khác cũng cần được mở rộng. Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, việc chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam được dự báo có thể gia tăng nếu dịch vụ mặt đất không hoàn chỉnh. Theo ông Lưu Đức Khánh - Giám đốc Điều hành Vietjet Air, hiện nay, tại sân bay Nội Bài, hãng đang khai thác 18 tàu bay với 15 đường bay trong nước, 16 đường bay quốc tế, tương đương 150 chuyến bay/ngày. Với những hợp đồng đặt máy bay được ký trước đó, dự kiến số lượng máy bay và chuyến bay của hãng tăng cao trong thời gian tới. Vì vậy, Vietjet Air đã có văn bản xin phép Cục Hàng không Việt Nam tự phục vụ hành khách ở mặt đất tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Cam Ranh từ ngày 1/1/2020.

Mới đây, Vingroup đã ký thỏa thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không với một số hãng bay. Đơn cử, Vinpearl Air đào tạo, huấn luyện chuyển loại máy bay, nâng cấp kỹ thuật định kỳ cho phi công, thợ máy, huấn luyện nhân viên điều phối bay, tiếp viên hàng không... 

Công ty CP Tập đoàn FLC cũng vừa đề xuất xây dựng khu sản xuất hàng hóa và dịch vụ logistics hàng không, trung tâm thương mại dịch vụ hàng không, học viện hàng không với quy mô 40ha tại TP. Cần Thơ. 

Lữ Ý Nhi