Lại trì hoãn thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung
Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 28/11/2019
Không tìm được tiếng nói chung
Theo nguồn tin từ một số quan chức Chính phủ Mỹ, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra có thể gặp bế tắc. Ngoài việc Trung Quốc đòi cắt giảm thuế lớn hơn, còn có lý do Thượng viện Mỹ thông qua dự luật ủng hộ người biểu tình Hồng Kông, khiến Trung Quốc cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của họ.
Ngày 19/11/2019, phát biểu tại phiên họp nội các hằng tuần, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh không thực hiện thỏa thuận thương mại mà ông đưa ra. Trước đó, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí tiến tới thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 trong tháng 10/2019, rồi dời sang tháng 11, nhưng sau đó, cả Bắc Kinh và Washington lại đưa ra những thông điệp trái chiều về bước đi kế tiếp.
Cụ thể, trong khi Trung Quốc cho rằng cả hai quốc gia đã đồng ý gỡ bỏ một số hàng rào thuế quan thì Tổng thống Trump lại cho biết không đồng ý với kế hoạch đó. Hiện tại, Mỹ đã áp hàng rào thuế quan lên 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đáp trả bằng cách nâng thuế đối với 110 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ.
Giới phân tích dự báo, thỏa thuận mà Mỹ và Trung Quốc đã gần tiến tới hồi tháng 5/2019 giờ được sử dụng như tài liệu tham chiếu để quyết định xem bao nhiêu hàng rào thuế quan sẽ được gỡ bỏ vào giai đoạn đầu, như từ khoảng 35% do đại diện thương mại Robert Lighthizer đề xuất cho đến 60% như ông Trump đã tuyên bố, chẳng hạn.
Nếu không thể tiến tới một hiệp định sơ bộ như kỳ vọng, mối quan hệ giữa hai bên sẽ tiếp tục căng thẳng và các hàng rào thuế quan mới có thể được tăng cường. Tuy nhiên, trong khi phía Mỹ vẫn còn có thể đánh thuế lượng hàng hóa Trung Quốc chưa chịu thuế, thì Bắc Kinh lại có rất ít lựa chọn để đáp trả do lượng hàng hóa mà họ nhập từ Mỹ không đáng là bao so với lượng hàng xuất vào Mỹ.
Phương pháp đáp trả rõ ràng nhất của Trung Quốc sẽ là ngừng mua nông sản của Mỹ, nhưng trước đây Trung Quốc đã áp hàng rào thuế quan lên 135 tỷ USD hàng hóa Mỹ và khiến kim ngạch xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc đã giảm mạnh. Với những thiệt hại phải gánh chịu, nông dân Mỹ đang tìm kiếm các thị trường khá cho nguồn hàng của mình.
Trong khi phía Mỹ vẫn còn có thể đánh thuế lượng hàng hóa Trung Quốc chưa chịu thuế, thì Bắc Kinh lại có rất ít lựa chọn để đáp trả do lượng hàng hóa mà họ nhập từ Mỹ không đáng là bao so với lượng hàng xuất vào Mỹ.
Căng thẳng sẽ leo thang?
Trước khả năng hiệp định bị trì hoãn vì vấn đề Hồng Kông, giới phân tích e ngại về một kết cục không mấy tốt đẹp trong mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngày 21/11/2019, các nghị sĩ Mỹ đã thông qua Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông. Theo đó, Mỹ sẽ đánh giá hằng năm về việc liệu Hồng Kông có đủ tự chủ để tiếp tục hưởng các ưu đãi thương mại và kinh tế hay không.
Tại một diễn đàn gần đây, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã nhận định rằng hai nước đang tiến gần đến chiến tranh lạnh. Trong khi đó, Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cũng kêu gọi hai nước từ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh vì e ngại những hậu quả nặng nề.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới ở Bắc Kinh ngày 22/11/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc không muốn khơi mào chiến tranh thương mại nhưng không e sợ nếu buộc phải tham chiến. Ông Tập cho rằng, cuộc đàm phán với Mỹ về thỏa thuận thương mại song phương giai đoạn 1 phải dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Trung Quốc muốn Mỹ rút lại một số thuế suất trong khi Mỹ muốn Trung Quốc cam kết rõ ràng hơn về các vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và gia tăng thu mua nông sản Mỹ.
Đáng lưu ý là dù cho thỏa thuận sơ bộ Mỹ - Trung được thông qua, việc gỡ bỏ một số hàng rào thuế và khôi phục việc mua nông sản chỉ giải quyết những vấn đề mà hai bên tự tạo ra, trong khi các vấn đề cốt lõi như đảm bảo cạnh tranh công bằng về các tiến bộ công nghệ, ví dụ 5G, hay trí tuệ nhân tạo, nếu không có bước tiến triển mới thì các doanh nghiệp vẫn sẽ giảm đầu tư, làm suy yếu tăng trưởng toàn cầu.
Cuối tuần qua, Trung Quốc cho biết họ sẽ nâng án phạt đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, với mục tiêu giải quyết một trong những điểm “khó nhằn” trong đàm phán thương mại với Mỹ. Từ trước đến nay, Mỹ luôn muốn Trung Quốc cam kết trấn áp hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ và ngừng bắt buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ như là một điều kiện để làm ăn ở đại lục.