Chặn giao dịch thanh toán khống, một số hành vi sử dụng thẻ ngân hàng sắp bị cấm
Trong nước - Ngày đăng : 03:00, 02/12/2019
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 19/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng; theo đó, bổ sung nhiều quy định theo hướng siết hoạt động của thẻ ATM và thẻ tín dụng, bao gồm cả thẻ do ngân hàng và công ty tài chính phát hành.
Cụ thể, dự thảo quy định lại phạm vi sử dụng của thẻ tín dụng và thẻ trả trước vô danh. Thẻ tín dụng chỉ được sử dụng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ; nạp, rút tiền mặt theo thỏa thuận giữa chủ thẻ với tổ chức phát hành thẻ.
Khách hàng không được sử dụng hạn mức thẻ tín dụng để chuyển khoản (hoặc ghi có) vào tài khoản thanh toán, thẻ trả trước, ngoại trừ trường hợp chuyển khoản (hoặc ghi có) vào tài khoản thanh toán, thẻ trả trước của đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT) với mục đích thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ.
Trong khi đó, thẻ trả trước vô danh chỉ được sử dụng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán trên lãnh thổ Việt Nam; không được sử dụng để thực hiện giao dịch thẻ trên môi trường Internet, chương trình ứng dụng trên thiết bị di động và không được rút tiền mặt.
Dự thảo thông tư cũng bổ sung và làm rõ các hành vi bị cấm trong việc sử dụng thẻ ngân hàng. Theo đó, cấm thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện để người khác thực hiện các hành vi giao dịch thẻ gian lận, giả mạo; giao dịch thanh toán khống tại ĐVCNT.
Không được sử dụng thẻ để thanh toán ra nước ngoài cho các giao dịch kinh doanh, mua bán ngoại tệ, chứng khoán trên sàn thương mại điện tử nước ngoài; sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Những quy định mới được cho là nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng nhiều khách hàng sử dụng thẻ tín dụng cấu kết với các ĐVCNT để rút tiền mặt bằng các giao dịch thanh toán khống trong suốt thời gian qua, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của các chính sách quản lý điều hành và gây nên rủi ro tiềm ẩn đối với các chính sách tín dụng của ngân hàng.
Cụ thể, các dịch vụ hỗ trợ khách hàng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng ngày càng nở rộ, với phí chỉ từ 1,5 – 2%, thấp hơn phí rút tại các ngân hàng và không phải chịu lãi suất, trong khi số tiền rút có thể lên tới 100% hạn mức thẻ tín dụng. Theo đó, các ĐVCNT này cho khách hàng quẹt thẻ, tạo ra những giao dịch mua sắm hàng hóa khống và đưa tiền mặt cho khách hàng.
Trước đó vào cuối tháng 8, NHNN cũng đã có văn bản 6410 đề nghị thắt chặt hoạt động này, theo đó yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc ĐVCNT thông đồng với chủ thẻ thực hiện giao dịch thanh toán khống để rút tiền mặt; bổ sung quy định cụ thể nội dung này trong hợp đồng ký với ĐVCNT, đồng thời phải có biện pháp giám sát, kiểm tra chặt chẽ các đơn vị này để xử lý khi có hành vi vi phạm pháp luật.
Các ngân hàng cũng phải triển khai các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn (từ chối giao dịch, từ chối thanh toán thẻ, chấm dứt hợp đồng thanh toán), không cho phép lợi dụng thẻ tín dụng cho các mục đích không đúng quy định như sử dụng hạn mức thẻ tín dụng để chuyển tiền, ghi có vào tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước của khách hàng hoặc bên thứ 3; rút tiền mặt tại POS của ĐVCNT, thanh toán hàng hóa, dịch vụ không đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, dự thảo thông tư mới cũng bổ sung các quy định đối với việc phát hành thẻ của các công ty tài chính. Trường hợp công ty tài chính phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân, tổng hạn mức tín dụng qua các thẻ tín dụng cho một cá nhân tại công ty tài chính đó không vượt quá tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó theo quy định của NHNN.