Heo biến đổi gen là nhu cầu thực phẩm cấp bách của người Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 07:31, 06/12/2019
Loại gen mà nhà nghiên cứu Jianguo Zhao (người lãnh đạo nhóm 20 nhà khoa học và kỹ thuật viên tại Viện Động vật học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh) đưa vào DNA của heo tại một trang trại heo khổng lồ ở Bắc Kinh mới đây là một trong nhiều cuộc thí nghiệm di truyền đang được thực hiện tại Trung Quốc. Mục tiêu của các cuộc thí nghiệm là tạo ra giống "siêu heo" để đáp ứng nhu cầu thịt heo ngày càng khan hiếm hiện nay.
Đó là giống heo hồng và đen được nhân giống thử nghiệm với loại gen giúp chúng chống chọi được thời tiết giá buốt của miền Bắc Trung Quốc. Tham vọng của Trung Quốc vượt ra ngoài hoạt động chăn nuôi gia súc, các nhà khoa học Trung Quốc đang chạy đua với những chuyên gia Mỹ và châu Âu để phát triển giống heo vượt trội. Hiện tại, trang trại heo biến đổi gen của chuyên gia Zhao có quy mô đạt 4.000 con. Cơ sở này luôn được bảo vệ nghiêm ngặt với ba trạm kiểm soát an ninh.
Chuyên gia Zhao là biểu tượng cho quyết tâm chạy đua trong lĩnh vực nghiên cứu gen của Trung Quốc. Ông lấy bằng tiến sĩ di truyền động vật và chăn nuôi từ một trường đại học nông nghiệp ở Cáp Nhĩ Tân năm 2003. Ông đã làm việc vài năm tại Viện Di truyền y tế ở Thượng Hải.
Năm 2016, chuyên gia Zhao thấy có thể sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen Crispr để loại bỏ 3 gen heo trong một bước, qua đó đẩy nhanh sự phát triển của động vật. Sau đó, Zhao và các đồng nghiệp sử dụng Crispr để đưa gen UCP1 vào cơ thể heo, giúp chúng chống chọi với thời tiết giá lạnh nhờ hình thành mỡ nâu sinh nhiệt. Những con heo được chỉnh sửa gen cũng ít mỡ hơn và có nhiều nạc hơn.
Trung Quốc áp dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen với quy mô vượt xa các nước trên thế giới. Mỗi năm, các nhà khoa học nước này xuất bản nghiên cứu nông nghiệp liên quan đến Cripr với số lượng gấp đôi Mỹ. Riêng về heo, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thực hiện thành công 40 ca biến đổi gen khác nhau nhờ công nghệ Crispr. Và ông Zhao là người đi đầu trong lĩnh vực này.
Dịch bệnh heo tai xanh từng giết chết hơn 400.000 con heo ở Trung Quốc vào năm 2006. Virus này tấn công một protein trên bề mặt tế bào bạch cầu, có tên CD163. Năm 2015, chuyên gia Prather và các đồng nghiệp đã chỉnh sửa gen tạo ra protein CD163, qua đó nhân được giống heo chống virus tai xanh. Và khả năng kháng virus có thể di truyền.
Từ thành công này, các nhà khoa học biến đổi gen Trung Quốc nhận định, kỹ thuật chỉnh sửa gen là công cụ có thể làm thay đổi cung - cầu ngành công nghiệp thịt heo toàn cầu. Nhưng thực tế, chính quyền các nước vẫn cấm buôn bán gia súc được chỉnh sửa gen.
Thị trường thịt heo Trung Quốc hiện có quy mô lên đến 118 tỷ USD/năm, chiếm 50% nhu cầu toàn cầu. Tuy nhiên, vì cung - cầu thịt heo trên thế giới ngày càng không cân đối nên có thể các hàng rào pháp lý sẽ được dỡ bỏ. Và các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang chạy đua để thu hẹp khoảng cách về công nghệ với phương Tây.
Tại Đại học Cát Lâm, năm 2018, các nhà khoa học Trung Quốc nhân giống thành công heo biến đổi gen chống các virus sốt lợn thể cũ. Trong khi đó, Viện hàn lâm Khoa học nông nghiệp Trung Quốc tại Bắc Kinh bắt đầu thử nghiệm phát triển vaccine chống dịch tả heo châu Phi.
Chuyên gia Zhao cho biết, ông và các nhà khoa học đang vận động Chính phủ Trung Quốc xem xét thay đổi chính sách về sử dụng động vật biến đổi gen. Ông cho rằng, các quy định hiện tại khá cứng nhắc và vẫn cần vài năm nữa để thịt heo biến đổi gen được bán ra thịt trường.
Thực tế, Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt thịt heo nghiêm trọng. Thị trường nước này đang thiếu tới 10 triệu tấn thịt heo. Người tiêu dùng Trung Quốc khó có thể kiên nhẫn chờ những chính sách mới về quyền được sử dụng thực phẩm từ nguồn động vật biến đổi gen.