E-book áp đảo sách giấy tại thư viện?
Đời thường - Ngày đăng : 01:00, 07/12/2019
Sở hữu càng nhiều thẻ thư viện càng tốt
Trong hai thập kỷ qua, e-book ngày càng được ưa chuộng. Người ta có thể đọc sách trên điện thoại thông minh, trên máy tính bảng, máy đọc sách như Kindle. Bên cạnh việc ngồi ở nhà mua e-book trên mạng, người mê sách còn có thể vào trang web các thư viện để tìm và mượn hàng loạt sách điện tử lẫn sách nói (audiobook).
Về mặt kỹ thuật, từ một bản e-book có thể tạo ra vô số bản sao, nhưng trên thực tế e-book được sử dụng với những hạn chế nhất định. Khi mua sách giấy, các thư viện Mỹ trả từ 12-14 USD cho mỗi tựa sách, hoặc trả ít hơn nếu mua số lượng nhiều. Trong khi đó, thư viện thường phải trả mức phí cao hơn để có được quyền sử dụng e-book từ nhà xuất bản. Việc sử dụng này thường giới hạn trong một số năm hoặc một số lần đọc nhất định. Một thư viện thường trả 40-60 USD để được phép sử dụng một tựa sách điện tử. Sau đó, họ sẽ cho một thành viên nào đó mượn trong một khoảng thời gian nhất định, tương tự cách mượn sách giấy. Mỗi nhà xuất bản sẽ đưa ra một giới hạn khi thư viện mua e-book. Chẳng hạn, có nhà xuất bản quy định thư viện chỉ được sở hữu một bản sách điện tử trong hai năm hoặc trong 52 lần cho mượn, tùy điều kiện. Cũng có nhà xuất bản quy định thư viện chỉ được cho mượn e-book của họ 26 lần/bản.
Điều đó khiến cho chủ thẻ phải đợi rất lâu mới đến lượt mượn những cuốn sách điện tử ăn khách, lâu hơn cả việc đợi mượn sách giấy. Tại thư viện San Francisco, người ta phải đợi 4 tuần để mượn cuốn hồi ký The Beautiful Ones của Prince. Chủ thẻ thư viện quận Cuyahoga (Ohio) phải chờ 13 tuần để tải về cuốn Trick Mirror của Jia Tolentino. Trong khi đó, muốn mượn e-book Where the Crawdads Sing của Delia Owens, các thành viên của Thư viện công cộng Kansas City đợi ròng rã 23 tuần. Việc phải đợi lâu khiến người ta đăng ký thẻ của nhiều thư viện, vì nó giúp họ tìm được những e-book hiếm nhất hoặc phổ biến nhất với thời gian chờ đợi được cho là ngắn nhất.
Trong cái khó, ló “cái gian”
Dù đã bán sách điện tử cho thư viện với giá cao, nhưng một số nhà xuất bản vẫn cho rằng việc mượn e-book phổ biến ở thư viện ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, khiến doanh số bán e-book bị giảm sút. Vào đầu tháng 11, một trong 5 nhà xuất bản lớn nhất Hoa Kỳ - Macmillan đã quy định hạn chế bán sách điện tử cho các thư viện công cộng. Quy định chỉ rõ, trong 8 tuần từ khi một đầu sách được xuất bản, các thư viện chỉ được phép mua một bản e-book của đầu sách ấy. Sau đó mới được phép mua thêm. Để đáp lại, một số thư viện đã tẩy chay e-book của Macmillan. Trong khi đó, Amazon Publishing (công ty xuất bản sách của Amazon) từ lâu đã không bán bất kỳ đầu sách điện tử nào cho các thư viện.
Khi việc mượn e-book ở thư viện ngày càng có tính cạnh tranh cao và số lượng các tựa sách mới ngày càng bị các nhà xuất bản siết chặt, những người yêu thích đọc e-book đã tìm ra nhiều cách nhằm tận dụng nguồn sách ở các thư viện. Scott McNulty, một tác giả viết sách về Kindle, thường tải e-book từ thư viện về, sau đó cài đặt Kindle sang chế độ máy bay (airplane mode). Bằng cách này, anh ta có thể đọc sách điện tử sau khi thời hạn cho mượn đã kết thúc, vì chỉ khi có kết nối mạng, Kindle mới tự động xóa sách đã hết hạn ra khỏi thiết bị, trong khi sách vẫn được hoàn trả lại hệ thống của thư viện một cách bình thường cho các độc giả kế tiếp. Một số độc giả trẻ ở Mỹ thừa nhận họ thường mượn tài khoản thư viện của bố mẹ để đăng nhập, hoặc đăng ký nhiều tài khoản bằng tên họ nhưng địa chỉ là của bạn bè, hiếm khi sử dụng tên thật và địa chỉ thật.
Để ngăn chặn sự gian lận này, một số thư viện lớn ở Mỹ cấp thẻ thành viên miễn phí cho cư dân trong tiểu bang và thẻ có trả phí cho độc giả ngoài tiểu bang. Chẳng hạn, thư viện công cộng Los Angeles tính 50 USD/năm cho mỗi thành viên ngoài tiểu bang California. Đồng thời, tiện ích miễn phí Library Extension sẽ giúp người dùng xác định họ có thể mượn sách ở thư viện hay không khi duyệt các tựa sách trên Amazon. Andrew Abrahamowicz - người tạo ra tiện ích này cho biết: “Tôi không nghĩ rằng các nhà xuất bản sẽ thiệt thòi trong trường hợp này. Những người sử dụng tiện ích này là thành viên của các thư viện. Do vậy, nếu không mượn được sách, họ sẽ mua sách trên Amazon”.
Dù còn không ít khó khăn và xung đột về quyền lợi, việc mượn e-book ở các thư viện công cộng vẫn là một trong những xu hướng nổi bật thời gian tới. Đối với người mê đọc sách, nó giúp tiết kiệm được một khoản tiền kha khá. Còn đối với các nhà xuất bản, việc chuyển sách đến thư viện có thể để lăng xê các tác giả mới cũng như thúc đẩy doanh số bán sách. Quan điểm hạn chế của Macmillan hay sự cự tuyệt của Amazon Publishing chẳng qua chỉ là những bước đi lỗi nhịp mà thôi!