Bóng đa, rừng cọ gió ngàn...

Du lịch - Ngày đăng : 06:00, 15/12/2019

Sơn Dương là huyện phía Nam của tỉnh Tuyên Quang với các địa danh mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, bến nước Bình Ca... gắn với lịch sử cách mạng của đất nước. Trở lại mảnh đất này, chúng tôi bước thong dong trên những cung đường rợp bóng đa xanh, rừng cọ...
Anh1-4129-1576401954.jpg

Cọ giữa đồng lúa của huyện Sơn Dương có một sức sống bền bỉ qua nhiều thế hệ. Cọ mọc ngay chân ruộng, trên những đoạn bờ bãi tỏa bóng mát xuống đồng lúa xanh. Làng xóm ở Sơn Dương vẫn có nhiều nhà mái lợp lá cọ. Cuộc sống dần đổi thay, kinh tế khấm khá hơn, người ta xây được nhà ngói, nhà bê tông, nhưng những tàu lá cọ vẫn được lợp trên mái bếp, chuồng lợn, chuồng gà...

Cây cọ - vẻ đẹp của miền đất này có nhiều điểm độc đáo như mỗi năm chúng chỉ ra đúng 12 lá, ứng với 12 tháng. Tất cả bộ phận trên cây cọ đều có thể sử dụng được. Lá cọ lợp nhà, chắn vách, làm chổi, làm quạt. Búp cọ khâu nón, đan áo tơi, làm dây thừng. Thân cọ làm cột nhà, cột điện, thân cầu khỉ, máng nước, máng lợn. Ngày trước, thân cọ còn dùng làm câu đối mộc thiếp vàng đẹp vô cùng, chỉ nhà giàu mới mua nổi. Quả cọ ăn sống, làm dưa, kho cá đặc biệt là om cũng đều rất ngon...

Anh2-3811-1576401954.jpg

Lướt qua những đồng lúa xanh, rừng cọ vi vu gió thổi, chẳng mấy chốc chúng tôi đến được bến Thia bên bờ sông Phó Đáy. Từ xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), chúng tôi bắt gặp dòng Phó Đáy. Con sông này chảy song song với quốc lộ 2C ngược lên thượng nguồn mảnh đất Tân Trào. 

Bến Thia, bên bờ Phó Đáy, chính là nơi Bác Hồ đi bè mảng qua sông để vào làng Kim Long, Tân Trào vào tháng 5/1945 lãnh đạo phong trào cách mạng. Đó chính là tiền đề dẫn tới thắng lợi của Cách mạng tháng tám và sau đó khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Anh8-4292-1576401954.jpg

Hiện nay, để đi vào Khu Di tích Tân Trào hay còn gọi là thủ đô kháng chiến, du khách và mọi người không phải đi thuyền, bè qua sông nữa. Từ quốc lộ 2C vào Khu Di tích Tân Trào đã có cây cầu trắng thênh thang, thuận tiện. 

Không mảnh đất nào trên đất nước ta lại trồng nhiều đa như ở xã Tân Trào (Sơn Dương). Cây đa mọc ở khắp nơi, từ bờ ruộng, ven đường xóm, trong mảnh vườn nhà dân. Những cây đa được xem như cổ thụ với tuổi đời vài trăm năm nhiều không đếm hết. 

Anh9-7322-1576401955.jpg

Trong đó, nổi tiếng nhất là cây đa Tân Trào. Đây là cây đa siêu cổ thụ đã chết vì quá già. Hiện nay, mọi người đang cố gắng hồi sinh nó bằng chính những cành nhánh mọc ra từ gốc đa cũ. Cũng đồ sộ và cổ thụ không kém đó chính là cây đa bên mái đình Hồng Thái. Cây đa ở đình Hồng Thái hiện nay vẫn còn xanh tốt, gốc thân sần sùi thành những thùng rãnh hết sức kỳ quái. Còn những cành nhánh đã vươn ra hàng chục mét tỏa bóng mát rộng lớn. 

Anh4-5486-1576401955.jpg

Tân Trào là ATK, là thủ đô kháng chiến, thủ đô cách mạng và còn là một phần của biểu tượng mang tên “thủ đô gió ngàn”. Thủ đô gió ngàn là một biểu  tượng trong thơ Tố Hữu để chỉ mảnh đất chiến khu Việt Bắc, và tất nhiên trong đó có Tân Trào - trái tim của Việt Bắc. 

Khi trời chiều dần ngả bóng qua núi, chúng tôi tìm ra bến Bình Ca bên dòng sông Lô. Mùa thu, nước sông Lô trong xanh phẳng lặng. Hoàng hôn lấp lánh ánh vàng là những chiếc thuyền của ngư dân lặng lẽ ngược xuôi. Hiện nay, để phát triển kinh tế, cư dân đôi bờ đã đẩy mạnh nghề nuôi cá lồng trên sông.

Anh14-2650-1576401955.jpg

Cảnh vật nơi đây thật đơn sơ, bình dị với những vuông nuôi tôm cá, đôi bến đậu, làng chài của ngư dân bản địa. Cảnh vật ấy bỗng khiến ta mường tượng ra đâu đây bên tai tiếng hát hò ô của những thiếu nữ Tày, Nùng xinh đẹp năm nao. Câu hò, tiếng đàn tính tẩu, khúc hát của các thiếu nữ Tày đã theo bao chuyến đò chở khách qua sông Lô...

Bến Bình Ca thơ mộng năm nao còn gắn với chiến tích oanh liệt của quân ta trong chiến dịch Việt Bắc tháng 10/1947. Đây là nơi Trung đoàn Thủ Đô đã mai phục và đánh tan đội quân thực dân Pháp định đổ bộ trên sông Lô. Ngày nay, đến bến Bình Ca, chúng ta sẽ thấy một tấm biển di tích lịch sử và khu tượng đài nhắc nhở về chiến thắng của cha ông năm xưa. 

Anh5-6105-1576401955.jpg

Bến Bình Ca hôm nay vẫn còn những con đò chèo tay đơn sơ, nhưng đã không còn dùng để đưa khách sang sông nữa, chỉ để phục vụ những công việc có liên quan đến sông nước của các gia đình. Tháng 2/2019, cầu Bình Ca to rộng đã được khánh thành để nối đôi bờ sông Lô.  

Hải Dương