Kinh tế Trung Quốc giảm tốc "về lâu dài", châu Á cần tập thích nghi
Quốc tế - Ngày đăng : 04:30, 17/12/2019
Sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tạo ra hiệu ứng lan toả trên toàn châu Á, vì quốc gia đông dân nhất thế giới hiện là đối tác thương mại chính của hầu hết các nước trong khu vực. |
Theo vị chuyên gia, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu có sự điều chỉnh về mặt cấu trúc, kể từ khi tăng trưởng đạt mức 12% vào mười năm trước. Đồng thời, ông lưu ý rằng, từ đó đến nay, nền kinh tế Trung Quốc chưa bao giờ có thể quay trở lại tốc độ tăng trưởng đó.
"Tôi nghĩ, tất cả chúng ta nên nhìn nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại về mặt cấu trúc; và khi sử dụng từ 'cấu trúc', ý tôi là 'về lâu dài'. Tôi cho rằng, chúng ta sẽ phải tạm biệt mức tăng trưởng 6% và sẽ rất khó để có thể quay trở lại tốc độ đó. Đây sẽ là sự giảm tốc về lâu dài đối với Trung Quốc", Yetsenga nhận định.
Chia sẻ quan điểm với Yetsenga, trưởng chuyên gia kinh tế Cao Thiện Văn thuộc Công ty chứng khoán Essence cho hay, 10 năm tới, kinh tế Trung Quốc sẽ bước vào thời kỳ “bảo vệ mốc tăng trưởng 4%, nỗ lực đạt mức 5%”. Theo ông Văn, trong giai đoạn 2020 - 2030, tăng trưởng kinh tế bình quân của Trung Quốc sẽ dưới 5%, và điều đáng phải quan tâm là liệu tăng trưởng có đạt trên mốc 4% hay không.
Dẫn nhận định của ông Văn, tờ EconomicJournal cho rằng chu kỳ giảm tốc tăng trưởng kinh tế lần này của Trung Quốc vẫn chưa kết thúc. Tiến trình suy giảm này sẽ tiếp tục trong vài năm và khả năng để tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vượt mức 5% trong tương lai là không nhiều.
Dù gây ra không ít tranh luận, song quan điểm của ông Văn hay Yetsenga không phải là không có cơ sở; và đây có thể sẽ là hồi chuông cảnh báo cho những khó khăn sắp tới của nền kinh tế Trung Quốc, mà năm 2020 có thể chỉ là điểm khởi đầu.
Trước đó, vào tháng 10/2019, GDP quý III của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái - con số tương đối cao đối với một quốc gia rộng lớn, song đây là mức tăng thấp nhất của nước trong 27 năm qua. Khi ấy, giới chuyên gia đã nói rằng, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc sẽ không dừng ở đây.
Trong đó, Vishnu Varathan - Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược khu vực châu Á thuộc ngân hàng Mizuho - nhận định, ngoài thương chiến với Mỹ, Trung Quốc còn phải chịu tác động tiêu cực từ chiến dịch giảm nợ trong nền kinh tế được Chính phủ triển khai thời gian gần đây. "Không nghi ngờ gì nữa, đà giảm tốc đang diễn ra là rất nghiêm trọng", ông Varathan nói.
Song, điều đáng phải quan tâm là sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tạo ra hiệu ứng lan toả trên toàn châu Á, vì quốc gia đông dân nhất thế giới hiện là đối tác thương mại chính của hầu hết các nước trong khu vực. Đồng thời, đà giảm tốc này cũng sẽ gây ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường khu vực. Trên thực tế, phần lớn nền kinh tế tại Đông Nam Á đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt vào nửa sau năm 2018, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Trước viễn cảnh này, Yetsenga nhận định: “Đối với châu Á, đã đến lúc cần sở hữu những mô hình kinh doanh tương thích với một thị trường mà trong đó Trung Quốc không còn tăng trưởng nhanh chóng như trước, và hoạt động thương mại cũng trở nên khó khăn hơn. Đồng nghĩa, các quốc gia trong khu vực cần gia tăng nhu cầu nội địa và chỉnh lý hệ thống tài chính”.
Nếu thương mại cải thiện vào năm sau, đó sẽ là tin tốt cho các nền kinh tế châu Á. Song, vấn đề nằm ở chỗ, các hệ thống tài chính tại một số quốc gia hiện vẫn chưa thể mang đến sự tăng trưởng nội địa cần thiết; và đó "có vẻ sẽ là nội dung chủ chốt cho năm 2020 của châu Á", ông nói thêm.
Tình trạng nói trên được thể hiện rõ nhất tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Philippines. Theo vị chuyên gia, nhu cầu nội địa hiện vẫn bị cản trở do chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương chưa thể giúp dòng tiền chảy ngược vào nền kinh tế và phát huy tác dụng kích thích chi tiêu.
Chưa kể, theo các chuyên gia kinh tế thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của một loạt nền kinh tế đã phát triển cũng như mới nổi thời gian qua có thể sẽ khiến bản thân họ hưởng lợi, song cũng có thể gây ra hậu quả xấu cho các quốc gia khác, từ đó châm ngòi cho chiến tranh tiền tệ.
Thế nên, dù là triển khai biện pháp gì, thì kích thích nhu cầu nội địa và chỉnh lý hệ thống tài chính chắc chắn sẽ là mục tiêu mà các nước châu Á cần đạt được trong thời gian tới, trước một Trung Quốc không còn tăng trưởng nhanh chóng, cũng như hoạt động thương mại trở nên khó khăn hơn.