Nhiều rủi ro với cho vay ngang hàng

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 23/12/2019

Cho vay ngang hàng (P2P lending) là mô hình kinh tế chia sẻ, hình thức cho vay trực tiếp giữa người vay và người cho vay qua nền tảng kết nối trực tuyến. Tuy nhiên, mô hình này đem đến những rủi ro, thách thức cho cả nhà quản lý và người dùng.
Nhiều rủi ro với cho vay ngang hàng

Các chuyên gia cũng khuyến cáo đối với nhà đầu tư và khách hàng vay, cần tìm hiểu rõ hoạt động của sàn cho vay ngang hàng, cũng như các điều khoản sử dụng, hợp đồng trước khi vay và trong quá trình cho vay.

Tại hội thảo "Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương vừa tổ chức, ông Phạm Xuân Hòe - Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, lợi ích của P2P đối với người vay là dễ tiếp cận vốn, thời gian nhanh, nhiều dạng sản phẩm cho vay để tiếp cận...

Đối với người cho vay thì lợi nhuận cao hơn, phân tán được rủi ro, nhiều cơ hội lựa chọn người đi vay... Đối với thị trường, P2P lending giúp đa dạng hơn về kênh dẫn vốn, tăng khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp. Đồng thời, nếu quản lý tốt sẽ thúc đẩy cạnh tranh, đổi mới sáng tạo phân bổ vốn hiệu quả theo nguyên tắc thị trường, chi phí đi vay giảm...

Tuy nhiên, theo ông Phan Đình Điền - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh Trung tâm Sài Gòn, hiện P2P lending tại Việt Nam đang phát triển một cách tự phát, manh mún, phục vụ cho những nhóm nhà đầu tư cụ thể với mong muốn thu lợi nhuận càng lớn càng tốt. Hơn nữa, các ứng dụng P2P lending này không thật sự thông minh như chúng ta mong muốn.

Theo ông Điền, vay ngang hàng là dịch vụ mới và thị trường bắt đầu bị ảnh hưởng bởi làn sóng phá sản các công ty P2P lending tại Trung Quốc cũng như các công ty, cá nhân cho vay nặng lãi, tín dụng đen núp bóng P2P lending phát triển các app, web làm ảnh hưởng đến tâm lý người dùng muốn tham gia thị trường P2P lending

Bên cạnh đó, các hạn chế về kiến thức tài chính từ người dân, dẫn đến việc dịch vụ P2P lending bị lạm dụng, trở thành một kênh của nạn tín dụng đen, khiến thị trường hình thành những mảng tối khó điều chỉnh. Một điểm quan trọng nữa, theo ông Điền, tại Việt Nam chưa có nguồn dữ liệu dân cư đồng bộ, đủ để phân tích, đánh giá khách hàng. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng tại Việt Nam. 

Quan trọng hơn hết, hiện nay chưa có định hướng, đầu mối, cơ quan chủ quản hay hiệp hội nghề nghiệp nào cho công nghệ tài chính (Fintech), sẽ cần thêm thời gian nữa để thị trường định hình và các nhà điều hành luật pháp đưa ra những quy định, hướng dẫn cụ thể rõ ràng hơn.

Link bài viết

Phân tích thêm rủi ro, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho biết, các khoản vay tiêu dùng vi mô thường có rủi ro cao hơn vì người vay thường không tiếp cận được tới ngân hàng hoặc công ty tài chính tiêu dùng, phần lớn do thiếu hồ sơ tín dụng chính thức. Cụ thể, đối với người cho vay, đó là khả năng bị mất trắng tiền khi không có bảo hiểm, không pháp lý bảo vệ.

Đặc biệt, thông tin người vay có thể bị giả mạo, hoặc không kiểm soát được sau vay, dẫn đến nợ xấu. Hay có thể bị hacker tấn công sập sàn, mất dữ liệu; sàn cho vay “dạng ma” lừa đảo...

Bên cạnh đó, người đi vay có thể bị “chặt chém” về lãi suất và phí, hay có thể bị áp đặt khi đòi nợ; thông tin cá nhân có thể bị lợi dụng chia sẻ, rao bán không đúng quy định... 

Mới đây, Bộ Công an Việt Nam đã đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm của các ứng dụng cho vay với mức lãi rất cao và sử dụng các biện pháp bất hợp pháp, bạo lực để đe dọa người vay, thậm chí là chiếm đoạt tài sản của người vay. Tháng 7/2019, NHNN đã cảnh báo một số công ty cho vay P2P đã đánh lừa các nhà đầu tư, người tiêu dùng và thuyết phục họ rằng, các hoạt động của họ được bảo vệ theo các quy định hiện hành và được bảo hiểm trước các rủi ro.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo đối với nhà đầu tư và khách hàng vay, cần tìm hiểu rõ hoạt động của sàn cho vay ngang hàng, cũng như các điều khoản sử dụng, hợp đồng trước khi vay và trong quá trình cho vay. Trong đó, đối với người vay cần đọc kỹ hợp đồng, nhất là yếu tố lãi suất, cách tính lãi, phí ngoài, phí trả trước hạn, gia hạn.

Đối với nhà đầu tư, không gửi vốn vào các công ty cho vay ngang hàng dưới dạng gọi vốn cộng đồng, vì đây là hành vi trái luật nên có thể bị mất tiền và không được bảo vệ...

Mặc dù còn nhiều rủi ro, nhưng các chuyên gia đều thống nhất quan điểm, cần cho các công ty khởi nghiệp và tổ chức đổi mới sáng tạo được thực hiện thử nghiệm sản phẩm, giải pháp trong một môi trường được kiểm soát và giám sát chặt chẽ trước khi cung ứng ra thị trường.

Bên cạnh đó, nên xây dựng các quy định pháp lý phù hợp, để đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, cũng như đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích của các bên tham gia vào các mô hình kinh tế chia sẻ mới đang phát triển hiện nay. 

Lữ Ý Nhi