Kinh tế Việt Nam những năm tới có duy trì tăng trưởng cao?

Trong nước - Ngày đăng : 09:30, 27/12/2019

Thời gian qua, các tổ chức quốc tế đã đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam. Theo những số liệu mới nhất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 là trên 7%, thuộc nhóm cao nhất trên thế giới và cũng cao gấp 2,5 lần mức tăng trưởng của lạm phát (2,7- 2,8%).
Kinh tế Việt Nam những năm tới có duy trì tăng trưởng cao?

ADB và WB rất lạc quan về tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Ngược lại với xu hướng hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á, trong Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2019, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 6,8% lên 6,9% cho năm 2019 và từ mức 6,7% lên 6,8% cho năm 2020.

Trả lời phỏng vấn báo chí, chuyên gia kinh tế trưởng ADB, ông Nguyễn Minh Cường khẳng định, có nhiều cơ sở để tin tưởng vào triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn.

Dự báo của ADB là tương đối lạc quan, căn cứ vào sự tăng trưởng của tiêu dùng nội địa, cộng thêm nữa là sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu và đầu tư cũng tăng liên tục rất mạnh trong 11 tháng qua khiến riêng tăng trưởng thương mại đã đạt con số kỷ lục là 11 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch thương mại của việt nam có thể cán mốc 500 tỷ USD vào năm nay hoặc có thể là hơn nữa.

Bên cạnh đó, ADB cũng nhìn vào sự cải thiện mạnh mẽ của môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong những năm qua và thấy rằng, đang có xu hướng các đầu tư nước ngoài đang dần rút ra khỏi Trung Quốc để tìm kiếm một thị trường bù đắp rủi ro, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thì Việt Nam thực sự là điểm đến hấp dẫn thu hút mối quan tâm của họ. Cùng với môi trường kinh doanh đang dần được hoàn thiện thì sự nâng bậc về năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng rất đáng chú ý. Vì thế, dễ hiểu là vì sao luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đổ vào Việt Nam tăng lên rất mạnh.

Link bài viết

Theo ông Nguyễn Minh Cường, một cơ sở khác nữa cũng không kém phần quan trọng là môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng tương đối ổn định với điều kiện lạm phát thấp do Ngân hàng Nhà nước áp dụng các chính sách tiền tệ khá phù hợp và linh hoạt có thể hỗ trợ tốt cho sự tăng trưởng.

Việc giải ngân đầu tư công vẫn có thể chậm nhưng đã có một số biện pháp đột phá được các cơ quan có thẩm quyền đưa ra nhằm gỡ nút thắt và thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ tích cực hơn. Điều đó có thể tạo điều kiện nới rộng hơn tín dụng cho nền kinh tế.

Đó là lý do vì sao ADB rất lạc quan về tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới với mức dự báo 6,9% và tốc độ tăng trường cũng sẽ tiếp tục được duy trì vào năm 2020.

Ông Cường cho rằng, trên thực tế, vấn đề cải cách ở Việt Nam vẫn được tiến hành rất hiệu quả. Tất nhiên,  ở một số lĩnh vực cũng nên tiếp tục các biện pháp mạnh hơn nữa như cải tổ doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ... Tuy nhiên, không có nhiều lý do để quan ngại về tiến trình cải cách mà Việt Nam đang theo đuổi và nỗ lực thực hiện. Bởi lẽ, ngoài những yếu tố nội tại thì động lực cải cách ở Việt Nam cũng đến từ rất nhiều các yếu tố bên ngoài.

Trong khi đó, trong báo cáo được công bố cuối tháng 12, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt kết quả tích cực trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, nợ công giảm gần 8 điểm % GDP so với năm 2016 và thương mại thặng dư liên tiếp bốn năm qua. Đây là những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại.

Đánh giá về khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia nghiên cứu của WB khẳng định, tăng trưởng GDP của Việt Nam được duy trì nhờ khu vực kinh tế đối ngoại vững mạnh, với xuất khẩu dự kiến tăng 8% trong năm 2019 - cao hơn gần 4 lần so với bình quân trên thế giới. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài với mức bình quân thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết gần 3 tỷ USD/tháng.

Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình cũng là yếu tố ngày càng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP, khi tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh với mức lương dần tăng lên. Đầu tư của các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân cũng tăng ở mức 17% so với cùng thời kỳ.

Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam trước mắt và trong trung hạn, ông Jacques Morriset, Chuyên gia kinh tế trưởng WB nhấn mạnh, với mức tăng trưởng khoảng 6,5% trong những năm tới đây, triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam là rất tích cực. Các yếu tố căn bản của nền kinh tế vẫn khá vững vàng, Chính phủ đã tạo được dư địa tài khóa nhất định thông qua chính sách tài khóa thận trọng. Tuy nhiên, quốc gia vẫn chưa hoàn toàn miễn dịch với các cú sốc bên ngoài.

Ông Ousmane Dion - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định rằng, để gia tăng thêm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, Chính phủ cần ưu tiên phát triển khu vực tư nhân vững mạnh và năng động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ở thị trường trong nước đang phải đối mặt với những trở ngại lớn, hạn chế sự phát triển; trong đó, cụ thể nhất và rõ ràng nhất là khả năng tiếp cận tín dụng.

Link bài viết

Báo cáo của WB cũng cho rằng Việt Nam cần phát triển các thị trường vốn vận hành tốt, làm nền tảng cho sự thịnh vượng trong tương lai.

Điểm đầu tư rất hứa hẹn

Báo cáo khảo sát được Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) công bố hồi cuối tháng 11 cho thấy giới doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư rất hứa hẹn trong trung và dài hạn.

Theo kết quả khảo sát đối với các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại thị trường nước ngoài, tỷ lệ bình chọn Việt Nam là điểm đầu tư hứa hẹn đạt 36,4%, tăng 2,5 điểm phần trăm so với năm 2018, qua đó đưa Việt Nam từ vị trí thứ 4 lên vị trí thứ 3 trong danh sách xếp hạng của JBIC. Trong số 10 thị trường đầu tư hàng đầu đối với doanh nghiệp Nhật Bản Việt Nam là nước có tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng nhất.

Về triển vọng trong thời gian 10 năm tiếp theo, Việt Nam cũng đứng ở vị trí thứ 3 với 34,8%, đứng sau Ấn Độ và Trung Quốc với tỷ lệ phiếu bầu lần lượt là 52,4% và 40,2%.

Giải thích về lý do Việt Nam là điểm đến đầu tư nhiều triển vọng, JBIC cho biết tỷ lệ đánh giá tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của thị trường Việt Nam đạt 63,6%, đứng đầu về chỉ số này. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận được sự tin tưởng của giới doanh nghiệp Nhật Bản vì có lực lượng lao động giá rẻ và nguồn nhân lực có chất lượng.

Tuy nhiên, giới doanh nghiệp Nhật Bản cũng chỉ ra những lo ngại trong hoạt động tại thị trường Việt Nam là sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty, giá nhân công có xu hướng tăng, khó thu hút nhân lực cấp quản lý...

Cũng cuối tháng 11, Báo Liên hợp buổi sáng của Singapore đăng bài viết về thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, trong đó khẳng định Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Báo Liên hợp buổi sáng dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết, vốn FDI chảy vào Việt Nam từ tháng 1-11/2019 đạt 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có tới 67,8% tổng số vốn được đầu tư phát triển cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, 10,4% thuộc về lĩnh vực bất động sản.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới, đồng thời cũng là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Tính đến nay, Việt Nam có 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa nước này với 10 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác.

Thêm vào đó, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cuối tháng 6/2019 cũng đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) sau 9 năm đàm phán.

Trước đó, tạp chí U.S. News & World Report cũng công bố xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư trong năm nay, theo đó, Việt Nam xếp thứ 8 trong tốp 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, tăng từ vị trí 23 của năm ngoái.

Để đưa ra bảng xếp hạng 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, U.S. News & World Report đã khảo sát hơn 21.000 người từ 80 quốc gia trên thế giới, trong đó, lấy ý kiến của khoảng 7.000 lãnh đạo công ty trên toàn cầu để đưa ra quyết định.

US News & World Report đánh giá rằng, những cải cách chính sách kinh tế đã giúp Việt Nam trở thành một quốc gia cạnh tranh và hiện đại hơn. Việt Nam cũng đang ngày càng trở nên hội nhập hơn khi trở thành thành viên của các hiệp định thương mại lớn.

Các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài đều cho rằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về tăng trưởng trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay và có nhiều khả năng tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao trong tương lai. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đến từ sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, tác động của cuộc CMCN 4.0, sự giảm tốc của kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu.

Do đó, mặc dù Việt Nam có tiềm năng để duy trì thành công trong sự phát triển của mình, vẫn cần tiếp tục có những bước đi đúng đắn để nắm bắt cơ hội trong tương lai và quản lý rủi ro. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo.

(Theo Báo điện tử Chính phủ)

Hà Chính