Môi trường kinh doanh cần sự minh bạch
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 07:00, 27/12/2019
Năm 2019, nước ta đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, đời sống người dân được cải thiện... Xét trên bình diện tổng thể, đó là những tín hiệu rất khả quan. Trái ngược với kết quả đạt được trong nước, thống kê mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, năm 2019 môi trường kinh doanh của Việt Nam tụt hạng từ vị trí 69 xuống 70/190 nền kinh tế được khảo sát (trong khu vực ASEAN, Việt Nam bị bỏ lại khá xa so với Singapore 2/190; Malaysia 15/190; Thái Lan 27/190; Brunei 55/190). Tổ chức xếp hạng tín nhiệm (Moody’s Investors Service) cũng công bố giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam nhưng hạ bậc triển vọng tín nhiệm của 18 ngân hàng thương mại (với lý do tiềm ẩn nhiều rủi ro).
Nhìn từ góc độ môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia, tôi cho rằng Chính phủ, chính quyền các cấp, các ngành cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đã đến lúc Chính phủ phải kiến tạo lại môi trường kinh doanh chứ không phải chỉ ở mức cải thiện môi trường kinh doanh như chúng ta thường nói.
Trong phạm vi góp ý này, tôi chỉ kiến nghị một số giải pháp liên quan lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS). Với tình hình hiện tại, chỉ có thể tóm tắt như sau: môi trường kinh doanh lĩnh vực BĐS chưa công bằng, rất “tù mù”, không minh bạch. Dấu hiệu lợi ích nhóm hay chủ nghĩa tư bản thân hữu còn hiện diện rất rõ nét trong công tác chỉ đạo, điều hành của các địa phương. Ví dụ, cùng mặt bằng pháp lý, các dự án nhà ở tại TP.HCM vướng mắc cơ chế trầm trọng, trong khi ở các địa phương khác lại cực kỳ thuận lợi. Thậm chí, ngay địa bàn TP.HCM, có những dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (xen kẽ đất nhà nước quản lý) được phê duyệt đầu tư xây dựng nhưng nhiều dự án khác lại không. Sự công bằng ở đâu?
Nguyên nhân rất nhiều, tựu chung lại, tôi cho rằng có sự yếu kém về năng lực trong công tác thực thi pháp luật, quy trình, thủ tục rườm rà, bất cập. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước không rõ ràng, còn tệ nạn nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Đối với kinh doanh BĐS, cộng đồng DN mong muốn và khẩn thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương kiến tạo lại môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng để DN có cơ hội phát triển bền vững. Trong đó, phải đặc biệt đề cao tính minh bạch. Chỉ minh bạch mới có bình đẳng; chỉ minh bạch mới công bằng; chỉ minh bạch thì cạnh tranh mới lành mạnh.
Từ thực tế này, tôi kiến nghị Chính phủ trước mắt tiến hành đồng thời cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh đi đôi với trách nhiệm đối thoại, giải trình của các cơ quan có thẩm quyền trước những vướng mắc trong các vụ việc mà người dân và DN mong muốn có câu trả lời thỏa đáng. Đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc tại các “điểm nghẽn” giúp cho thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại, tạo điều kiện cho nhiều người dân có nhà ở (đặc biệt người dân có thu nhập thấp).
Thực tế diễn ra trong suốt hai năm qua tại TP.HCM cho thấy, thị trường sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở một cách trầm trọng. Tình trạng thiếu nhà ở thương mại cho người có thu nhập thấp và nhà ở xã hội diễn ra ở tất cả quận, huyện trên địa bàn. Nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở đứng trước nguy cơ phá sản do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai bởi Nghị định 99/2015/NĐ-CP và Văn bản 342/TTg-V.I dẫn đến việc 158 dự án nhà ở liên quan đến sử dụng quỹ đất công bị tạm dừng để rà soát lại các thủ tục đầu tư đã được thực hiện trước đó. Tháng 3/2019, lãnh đạo cơ quan trung ương và TP.HCM đã công bố cho phép 124/158 dự án được tiếp tục hoạt động bình thường nhưng thực chất nhiều dự án đến nay vẫn chưa thể hoạt động bình thường được.
Cơ quan có thẩm quyền rà soát lại thủ tục pháp lý đối với các dự án BĐS là cần thiết. Việc thanh, kiểm tra giúp các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (tránh thất thoát nguồn thu ngân sách). Tuy nhiên, quá trình thanh, kiểm tra đã tạo ra những tác động không tốt đối với hoạt động của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh. Bằng chứng cho thấy, năm 2018, nguồn cung dự án nhà ở (mới) giảm 42% số dự án, giảm 40% số căn hộ. Số dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn giảm 16,31% dự án; 34,14% số căn hộ. Năm 2019, tình trạng này chẳng những không được cải thiện mà tiếp tục giảm sâu tới mức báo động.
Hệ lụy thiếu nguồn cung sản phẩm dẫn đến giá nhà, đất tăng chóng mặt. Các chủ đầu tư có dự án triển khai tha hồ thao túng giá, thu lợi nhuận, khách hàng thiệt đơn thiệt kép khi vừa phải mua nhà giá cao, vừa phải gánh chi phí trung gian lớn do thị trường thiếu sản phẩm, không giao dịch trực tiếp được với chủ đầu tư. Trong khi đó, người tiêu dùng có nhu cầu cấp bách về nhà ở là người thu nhập trung bình và thu nhập thấp gần như không có cơ hội mua nhà.
Tại sao các nhà quản lý không nhận định, đánh giá đúng mức tình hình thực tế để có giải pháp phù hợp? Về bản chất, thị trường BĐS không xấu, vẫn đang trong chu kỳ phục hồi, tăng trưởng, chưa có nguy cơ khủng hoảng. Khó khăn tại TP.HCM chỉ mang tính đặc thù, nhất thời mà nguyên nhân chính là do xung đột trong các quy phạm pháp luật và thực thi pháp luật. Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền TP.HCM có biện pháp xử lý tích cực sẽ giải quyết triệt để vướng mắc, giúp khơi thông thị trường, biến giấc mơ nhà ở của số đông người lao động trên địa bàn thành hiện thực (nhất là những người trẻ vừa lập gia đình, vừa phải lập nghiệp). Đối với các dự án nhà ở sử dụng quỹ đất công thuộc diện rà soát cơ sở pháp lý, tôi đề nghị sớm có kết luận rõ ràng, công khai để các chủ đầu tư bổ sung hoàn thiện thủ tục pháp lý và nghĩa vụ tài chính với Nhà nước (nếu có). Chủ đầu tư nào không đủ điều kiện thực hiện cũng phải có câu trả lời thỏa đáng cho họ.
Kiến nghị Quốc hội xem xét hoàn thành việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị trong năm 2020. Bãi bỏ các quy định không phù hợp thì mới tháo gỡ triệt để những khó khăn, vướng mắc về pháp lý đang tồn tại.
Ban hành chính sách kịp thời, thực thi luật pháp nghiêm minh sẽ xóa bỏ triệt để tệ nạn tham ô, nhũng nhiễu, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong thực thi công vụ. Chế tài của pháp luật được thực thi nghiêm minh cũng xóa bỏ được tâm lý sợ đụng chạm, sợ trách nhiệm, sợ mất chức, sợ vi phạm pháp luật trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử một cách nghiêm túc, kịp thời là biện pháp hữu hiệu góp phần đáng kể tạo sự công khai, minh bạch và công bằng xã hội.