Xuân sớm trên bản Mông
Du lịch - Ngày đăng : 07:00, 29/12/2019
Đến với Tà Xùa (huyện Bắc Yên, Sơn La) mùa nào cũng gặp những nét đẹp hoang sơ của núi rừng, mây trời cùng các phong tục tập quán đậm bản sắc của đồng bào Mông.
Đặc biệt, từ cuối tháng 11 sang tháng 12 âm lịch chính là thời điểm du khách nên đến Tà Xùa để trải nghiệm đất trời và con người nơi đây. Chúng tôi cũng quyết định chọn thời điểm này để xuất hành lên với bản Mông ở lưng chừng trời để trải nghiệm cảnh sắc và chung vui không khí Tết cổ truyền của đồng bào nơi đây.
Xã Tà Xùa nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa, cách Hà Nội khoảng 220km. Để đến được xã vùng cao Tà Xùa, chúng ta phải vượt qua những cung đường đèo dốc. Đặc biệt, từ thị trấn Bắc Yên lên các bản vùng cao Tà Xùa là cung đường gần 20km với những khúc cua tay áo cùng độ dốc cao, thử thách các tay lái xe.
Theo ông Mùa A Khư - Phó chủ tịch UBND xã Tà Xùa, địa hình ở đây có độ cao từ 1.400-1.700m so với mực nước biển. Toàn xã có gần 3.000 nhân khẩu, địa giới hành chính được chia thành 4 thôn (bản). Điều đặc biệt là xã rẻo cao này có đến 99% dân cư là đồng bào Mông.
Với khung cảnh hùng vĩ của núi rừng, xã Tà Xùa mấy năm nay đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách bốn phương. Cảm giác đi ra “Sống lưng khủng long” săn mây ở các thung lũng... đã trở thành trải nghiệm ấn tượng với nhiều bạn trẻ ưa thích khám phá, mạo hiểm.
Theo sự chỉ dẫn của chủ homestay Tà Xùa Hills, từ trung tâm xã chúng tôi bắt đầu men theo con đường ngoằn nghoèo, uốn lượn quanh sườn núi vào đến các bản làng. Từ trung tâm xã vào các bản Trò A, mọi người phải đánh vật với quãng đường đất hơn 10km. May cho mấy kẻ lữ khách là thời tiết ủng hộ có nắng, nên đường dễ đi hơn.
Trên con đường vào bản Trò A, những cành đào rừng đã bung nở sắc hồng phớt. Vào các thời điểm khác, bản làng thường yên tĩnh bởi người dân phải lên nương, đi rừng từ sáng đến tối mịt. Nhưng vào khoảng tháng 11 âm lịch, bà con dân tộc Mông nghỉ lên nương rẫy, ở nhà cùng nhau chuẩn bị đón cái Tết cổ truyền của mình. Không khí rộn ràng khắp nơi với những tiếng cười nói, đùa nhau của lũ trẻ.
Tết của người Mông thường diễn ra trong ba ngày đầu tiên của tháng 12 âm lịch, có nghĩa là sớm hơn Tết Nguyên đán dưới xuôi khoảng một tháng. Anh Mùa A Vàng - Trưởng thôn (bản) Trò A vui vẻ dẫn chúng tôi vào căn nhà sàn của mình nghỉ chân, uống nước trò chuyện.
Đứng ở bản Trò A, nhìn ra xung quanh là khung cảnh núi non trùng điệp, mây bay bồng bềnh khắp thung lũng. Khi ánh nắng đã lên cao, mây vẫn chưa chịu tan, lưu luyến với núi rừng.
Tranh thủ những lúc có nắng hiếm hoi trong mùa Đông giá rét, bà con Mông lại hò nhau mang quần áo, khăn vải... ra khe suối giặt để kịp phơi khô đón Tết. Những đôi vợ chồng trẻ bế con nhỏ ra trước sân nhà để sưởi nắng cùng ngắm biển mây vờn núi biếc.
Ở bản Trò A, chúng tôi được anh trưởng bản dẫn đi thăm những căn nhà nơi phụ nữ trung tuổi có tay nghề đang ngồi bên khung cửi để dệt sợi gai làm các vật dụng cần thiết bằng vải gai trong nhà.
Những tấm vải sau khi đủ nhu cầu trong gia đình, phụ nữ Mông sẽ đem ra chợ phiên bán để lấy tiền mua thực phẩm, trang trải cuộc sống.
Vào dịp cận Tết, các thiếu nữ trẻ được bố mẹ cho đeo gùi, vào rừng hái măng về chế biến các món ăn truyền thống. Các bà mẹ và mấy em nhỏ thì mặc những bộ váy thêu hoa văn đẹp để đi chợ phiên sắm Tết. Chúng tôi tình cờ gặp chị Mùa Thị Sính địu theo bé trai sau lưng, dắt tay cô con gái lớn, hớn hở đi chợ phiên.
Sau buổi chợ phiên, chị Sính mua về cho gia đình miếng thịt, rau xanh, bánh xà phòng, cân muối trắng, ít kẹo... Với người Mông trên vùng rẻo cao, những thứ này vô cùng quý giá. Chỉ có dịp Tết, họ mới dám bỏ ra đồng tiền chắt chiu bao ngày để mua sắm cho gia đình.
Đến với bản Trò A, chúng tôi còn được biết phong tục giã bột làm bánh dày của đồng bào Mông. Theo anh Mùa A Vàng, trong mâm cỗ cúng tổ tiên ngày Tết, các hộ đồng bào Mông dù no đủ hay còn khó khăn bắt buộc phải có đĩa bánh dày. Sau khi mâm cỗ được sắp xong, người bố hoặc người đàn ông trụ cột gia đình sẽ thực hiện nghi lễ cúng thần linh, tổ tiên ở chân tường nhà và trên bàn thờ.
Dịp Tết cũng là những ngày bọn trẻ vui sướng nhất, khi được diện bộ trang phục mới đi chơi với bạn bè. Đứa chơi quay, đứa thả diều, đứa ném còn. Cánh đàn ông xong công việc, bắt đầu quây quần bên nhau nhâm nhi chén rượu, nói cười rôm rả... Vậy là một mùa Xuân mới vui tươi đã về với bản Mông trên vùng rẻo cao Tây Bắc!