Chuyện về ống kem đánh răng
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 07:05, 11/01/2020
Quê tôi ngày ấy nghèo lắm, đường sá đi lại rất khó khăn. Mùa mưa đường lầy lội bùn, trơn trượt. Bốn chị em tôi lần lượt được mẹ cõng đi học vào những ngày mưa. Khi chị Hai còn nhỏ thì mẹ cõng chị. Khi có tôi thì chị Hai xắn quần đi bên cạnh, mẹ cõng tôi. Đến khi có em thì tôi cùng chị Hai nắm tay đi theo mẹ cõng em. Sợ chúng tôi bị trượt ngã, mẹ làm cho cây gậy chống. Khi em gái Út đến tuổi đi học thì nó chiếm trọn tấm lưng của mẹ, ba chị em tôi lại dắt díu nhau đi bên mẹ. Cảnh ấy cứ lặp đi lặp lại qua bao mùa mưa.
Nhiều năm sau, mẹ không cõng chúng tôi nữa. Bé Út được chị Hai cõng. Thuở ấy nghèo lắm nhưng đó là quãng thời gian quý báu và hạnh phúc nhất của chị em tôi. Đó cũng là quãng thời gian mà mẹ đã đánh đổi cả thanh xuân cam chịu cảnh chung chồng để giành lấy sự trọn vẹn về gia đình cho chúng tôi. Chúng tôi biết, với mẹ, không gì có thể thay thế được chúng tôi.
Thủa ấy, mỗi ngày chúng tôi chỉ được đánh răng một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ. Và chỉ được đánh răng bằng muối. Một năm, Tết đến, về thăm nhà, ba mua cho chúng tôi một ống kem đánh răng hiệu P/S, vỏ bằng nhôm. Thương mấy đứa cháu thiếu thốn tình cha, nội nói: “Nội già rồi, răng sắp rụng nên không cần dùng kem. Nội đã quen xài muối. Răng các con đang thay, cần giữ kỹ, nên phải đánh răng bằng kem”. Vậy là cứ đến khoảng 7 giờ tối, sau khi xem xong mục Những bông hoa nhỏ trên truyền hình đen trắng, bốn chị em tôi lại đứng chờ được mẹ lấy kem đánh răng để đánh cho răng được trắng và thơm miệng.
Nhớ năm học lớp 3, tôi bị bệnh quai bị, hai má sưng to lắm. Mẹ chở tôi đi “phán” cho mau khỏi. Mấy ngày liền tôi chỉ ngậm nước muối, không đánh răng được. Một tối nọ, thức dậy lúc khuya, tôi đói bụng và mẹ nấu cháo cho ăn. Ăn cháo xong tôi đòi được mẹ cho đánh răng vì sợ sau này sẽ mất hết răng và “móm như bà nội” (câu nói đùa của mẹ để nhắc chúng tôi phải nhớ đánh răng mỗi tối). Nhưng tuýp kem đã hết, tôi bóp nặn thật kỹ, cố lấy chút kem còn sót lại, rồi hỏi mẹ sao người ta không làm ống kem bằng thứ gì mềm mềm để dễ cuộn lại mà vét kem. Mẹ xoa đầu tôi cười, nói chắc là người ta có dụng ý khi làm vỏ kem bằng nhôm.
Rồi chúng tôi lớn lên và hầu như không chú ý đến tuýp kem đánh răng nữa vì có quá nhiều thứ mới lạ cần phải biết mỗi ngày.
Khi là sinh viên năm nhất, lần đầu tôi cầm tuýp kem đánh răng P/S vỏ bằng nhựa pha nhôm, gọi là vỏ phức hợp, bỗng nhớ đến chuyện đêm nào với mẹ nói về cái vỏ tuýp kem. Lên năm hai, tôi chuyển nhà trọ, trên đường đi học mỗi ngày đều ngang qua văn phòng của Công ty Hóa phẩm P/S, lúc đó nằm trên đường An Dương Vương, quận 5, TP.HCM. Đã có đến hai lần tôi bước vào sân văn phòng Công ty Hóa phẩm P/S với ý định gặp ban giám đốc để kể cho họ cảm giác của tôi khi thấy vỏ kem P/S đã thay đổi, nhưng nghĩ chuyện cỏn con, nên thôi. Tôi vẫn là người “trung thành” với kem P/S, mặc kệ P/S có còn là sản phẩm của Việt Nam hay đã bán thương hiệu cho hãng Unilever.
Đầu năm học 2019, tan học về, con gái tôi khoe với mẹ tuýp kem đánh răng P/S nó được tặng khi trả lời đúng một câu hỏi trong trò chơi đố vui. Con tôi nói cô dẫn chương trình trò chơi còn dặn nhớ mỗi tối đánh răng kỹ để có hàm răng đẹp giống cô. Tôi cười, vậy là bà ngoại, mẹ và giờ là con đều đánh răng bằng kem P/S. Chợt con gái hỏi: “Vỏ kem đánh răng có phải làm bằng nhựa không mẹ?”. Tôi trả lời qua loa: “Ừ, con”. “Vậy là mình đánh răng xong thì cái vỏ này phải mất cả ngàn năm mới phân hủy hết phải không mẹ?’. “Sao con biết?”. “Cô giáo con nói”.
Câu nói ngây thơ của con trẻ làm tôi suy nghĩ. Tôi thường nói cho bà con khu phố biết về ô nhiễm do rác thải nhựa nhưng gia đình mình lại xài quá nhiều bao ni lông dùng một lần.
Rồi tôi giải thích cho con gái bé bỏng hiểu, để bảo vệ môi trường sống, các doanh nghiệp sản xuất kem đánh răng chuẩn bị thay ống kem phức hợp nhựa - nhôm bằng ống kem hoàn toàn bằng nhôm. Tất nhiên trong đó có kem đánh răng P/S, để slogan “Kem đánh răng P/S - Bảo vệ nụ cười Việt Nam” được đổi lại là “Kem đánh răng P/S - Bảo vệ nụ cười, vì môi trường Việt Nam”.
Tôi tin là vậy và ngày đó sẽ không xa.