Khuyến mãi cần thực chất
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 07:00, 13/01/2020
Khuyến mãi (KM) là hình thức rất phổ biến của các doanh nghiệp, các nhà phân phối và đã rất quen thuộc với người tiêu dùng (NTD). Đây đang là hấp lực rất lớn, thu hút sự quan tâm của khách hàng trước khi lựa chọn một mặt hàng để cân nhắc túi tiền của mình, cân nhắc mức độ KM trước khi mua.
Có rất nhiều hình thức KM đang thịnh hành như giảm giá vào các dịp lễ, tết, ngày thành lập doanh nghiệp, đơn vị phân phối… thậm chí còn giảm giá trong những ngày thường. Hình thức KM tiếp theo là NTD được tặng thêm nhiều món quà đính kèm với sản phẩm mình mua. Nếu không nhận quà có thể quy đổi bằng tiền để khấu trừ vào số tiền của món hàng mình đã mua.
Một số doanh nghiệp có liên quan đến xe máy còn thường xuyên tổ chức rửa xe, thay nhớt miễn phí cho khách hàng, tổ chức nhiều chương trình "rút thăm trúng thưởng". NTD còn được nhân viên các cửa hàng tư vấn miễn phí các bước vận hành thiết bị, kiểm tra miễn phí sản phẩm đã mua tại nhà và còn nhiều hình thức KM hấp dẫn, tiện ích khác. Từ đó, tâm lý đợi các đợt KM để mua hàng giá rẻ (còn gọi là mua hàng sale) đã trở nên quen thuộc với nhiều NTD cả nước. Đó cũng là điều rất bình thường.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc KM của một số doanh nghiệp cũng có nhiều việc cần bàn. Cụ thể như NTD khi nghe thông tin có đợt hàng KM giảm giá (có nơi quảng cáo giảm đến 50%) đã vội vàng đến mua nhưng sau đó họ mới phát hiện rằng doanh nghiệp đã tự đẩy giá bán ban đầu lên rất cao rồi sử dụng chiêu KM bằng cách giảm giá. Từ đó, NTD trên thực tế không hề mua sản phẩm giá rẻ mà có khi lại đắt hơn giá bán cùng sản phẩm ở những nơi không thông báo "giảm giá". Đây quả là một chiêu lừa công khai nhưng hoàn toàn không vi phạm pháp luật bởi thuận mua, vừa bán.
Một hình thức KM khác cũng đang gây bức xúc cho NTD là khi mua sản phẩm được kèm theo phiếu giảm giá tương ứng với một khoản tiền nhất định. Thế nhưng khi mang phiếu giảm giá nầy đến cửa hàng, NTD mới biết, phiếu này chỉ giảm giá khi NTD mua những mặt hàng do cửa hàng chỉ định. Điều này đồng nghĩa với việc "ép" NTD mua thêm một sản phẩm được quy định sẵn mới được giảm giá. Nhiều NTD chua chát thốt lên có phiếu cũng như không, quả là một trò KM lừa dối và khiên cưỡng.
Tiếp đến cũng là một hình thức KM bằng cách giảm giá sâu, nhưng các mặt hàng đã gần hết hạn sử dụng. Thậm chí có cả những sản phẩm được "hô biến" kéo dài thời hạn lưu hành bằng những tem nhãn giả mạo, chưa qua kiểm định để lừa dối khách hàng. Hình thức này vừa gây mất lòng tin của NTD, vừa vi phạm pháp luật, rất đáng lo ngại.
Nhiều NTD tỏ ra lo lắng bởi nhiều sản phẩm được quảng cáo với những tính năng ưu việt trên các trang mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông chính thống nhưng khi sử dụng lại không đúng với những lời quảng cáo "có cánh" trên.
Câu hỏi đặt ra là khi các nhà, đài quảng cáo sản phẩm có thẩm tra chất lượng chăng? Hay ít ra cũng cần kiểm tra các tư liệu kiểm định có liên quan. Khi sản phẩm bị phát hiện kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật thì các nhà đài liệu có liên đới trách nhiệm bởi họ đã thu tiền quảng cáo nên không thể "vô tư".
Nhiều sản phẩm còn khẳng định nếu NTD không hài lòng về sản phẩm với bất kỳ lý do gì thì có thể đổi lại sản phẩm đã mua hay nhận lại số tiền đã mua, tuy nhiên mọi việc đã không dễ dàng đến vậy. Nhiều NTD đã phải ngậm đắng nuốt cay vì những lời hẹn không bao giờ có thật từ các đơn vị cung cấp.
Nhiều NTD còn bức xúc hơn khi mua sản phẩm, họ được cam kết sẽ có nhân viên kỹ thuật đến tận nhà nhanh chóng để khắc phục ngay những lỗi kỹ thuật nếu có, thế nhưng khi liên hệ đến nơi đã mua thì họ nhận được những lời hứa rất qua loa vô trách nhiệm. Có nhiều trường hợp 1 đến 2 ngày nhân viên kỹ thuật mới đến nhà khắc phục sự cố nhưng với thái độ kém nhiệt tình, thiếu tế nhị.
KM là cần thiết với các doanh nghiệp, các nhà phân phối lẫn NTD, vì thế KM sao cho thực chất, hiệu quả, trung thực, trách nhiệm đó mới là vấn đề trọng tâm và là sự sống còn của bất kỳ một đơn vị kinh doanh nào trong bối cảnh hiện nay.