Ngành âm nhạc lo sợ podcast?
Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 07:00, 16/01/2020
Ưu tiên cho podcast
Tháng 10/2019, tạp chí Rolling Stone đưa tin mức tăng trưởng doanh thu từ phát trực tuyến của Universal Music Group - công ty lớn nhất thế giới về bản quyền âm nhạc - đang chậm lại. Trong khi đó, các công ty lớn còn phải đối mặt với mối đe dọa tràn lan từ những hãng thu âm mới nổi, được các nhà đầu tư mạo hiểm rót vốn.
Bằng cách trả những khoản tiền khổng lồ, những kẻ mới đến đang tìm cách vượt qua những tên tuổi lớn để mua bài hát của các ca sĩ nổi tiếng như Taylor Swift, Elvis Presley, Whitney Houston, Ed Sheeran… Điều đó giải thích cho mối căng thẳng gần đây giữa hãng Ithaca và Universal chung quanh các ca khúc của Taylor Swift, hay việc Warner Music Group đang dùng 650 triệu USD của quỹ Providence Equity Partners phục vụ cho việc mua tác quyền âm nhạc.
Mặt khác, những người sử dụng dịch vụ streaming hiện đang bị đe dọa bởi các dịch vụ phát nhạc trực tuyến, đặc biệt là Spotify, khi loại hình này đang biến thành một thứ hoàn toàn khác: ưu tiên cho podcast. Trong năm qua, Spotify đã chi hơn 400 triệu USD để mua lại các công ty phân phối và các nội dung podcast. Nguyên nhân chính khiến Spotify ưa chuộng podcast đến từ vấn đề tài chính.
Nhà sáng lập của hãng là Daniel Ek từng chia sẻ: "Khi người nghe sử dụng Spotify để nghe nhạc, chúng tôi phải trả tiền tác quyền. Nhưng khi họ dùng dịch vụ để nghe podcast, chúng tôi không phải trả gì cả. Vì vậy, càng có nhiều người nghe podcast thay cho âm nhạc, chúng tôi càng có nhiều tiền hơn. Trong thời gian tới, 20% nội dung trên Spotify sẽ không phải là nội dung âm nhạc. Sự thay đổi đó bắt đầu bằng podcast".
Theo báo cáo này của NPR (National Public Radio, Mỹ), hơn 4.000 công dân Mỹ, tuổi trên 13, hiện đang nghe trung bình 4 giờ nội dung âm thanh mỗi ngày, qua radio, âm nhạc, podcast và sách nói (audiobook). Trong năm 2014, 80% số giờ nghe của dân Mỹ là dành cho âm nhạc.
Đến năm 2019, với sự hiện diện của podcast, các chỉ số này đã thay đổi. Dịch vụ chia sẻ nhạc giảm xuống còn 76%, trong khi các dịch vụ có lời nói khác (spoken word) tăng lên 24%. Điều này có nghĩa là thị phần âm nhạc giảm 5% (từ tỷ lệ phần trăm năm 2014 so với năm 2019), còn spoken word thì tăng 20%.
Link bài viết
Tất cả vì lợi nhuận khổng lồ
Nhiều bằng chứng khác cho thấy ngành âm nhạc có lý do để lo sợ trước sự phát triển của podcast. Trong báo cáo của IFPI, cơ quan thương mại toàn cầu của ngành công nghiệp âm nhạc, dựa trên khảo sát 34.000 người dùng internet trên toàn thế giới cho thấy người hâm mộ âm nhạc dành trung bình 18 giờ/tuần để nghe nhạc (so với 17,8 giờ của năm trước).
Tuy nhiên, trên thực tế con số đó chỉ tăng chưa đầy 2 phút/ngày trong bối cảnh mức tiêu thụ các dịch vụ âm thanh đang tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, theo dữ liệu của Nielsen được công bố vào tháng 9/2019, thời gian trung bình mà người hâm mộ âm nhạc ở Mỹ nghe nhạc mỗi tuần đã thực sự giảm từ 32,1 giờ vào năm 2017 xuống còn 26,9 giờ vào năm 2019.
Riêng Spotify, trong quý III/2019, nền tảng này tuyên bố với các nhà đầu tư tổng số giờ nghe podcast đã tăng 39%. Có khoảng 248 triệu người dùng hoạt động hàng tháng của Spotify (35 triệu người) đang sử dụng định dạng này.
Theo Daniel Ek, một bản nhạc trung bình dài 3 phút, trong khi một podcast trung bình dài 1 giờ. Giả sử 35 triệu người đó chỉ nghe một podcast trong quý III (và nghe từ đầu đến cuối), điều đó có nghĩa là các podcast trên Spotify đã được nghe trong 35 triệu giờ trong quý này.
Cùng một lượng giờ nghe đó, nếu người nghe chọn âm nhạc, Spotify sẽ phát 700 triệu lượt (mỗi bài hát dài 3 phút). Giả sử khoản thanh toán tiền bản quyền âm nhạc trung bình khoảng 0,0044 USD/lượt phát thì 700 triệu lượt phát sẽ tiêu tốn của Spotify khoảng 3 triệu USD, tức 1 triệu USD/tháng!
Đến đây thì việc podcast lấn sân âm nhạc trên Spotify là tin tốt hay tin xấu, tùy thuộc vào việc bạn là ai: nhà đầu tư, chủ hãng thu âm, hay là ca sĩ, nhạc sĩ… Nghịch lý duy nhất của câu chuyện này nằm ở chỗ: Vì chạy theo lợi nhuận, dịch vụ phát nhạc trực tuyến hàng đầu thế giới đang khuyến khích khách hàng nghe… nhạc ít đi. Thay vào đó, hãy chuyển qua nghe… podcast.
(Theo Rolling Stone)