Khu du lịch "Một thoáng Việt Nam": Đậm đà bản sắc Việt

Du lịch - Ngày đăng : 06:53, 17/01/2020

Cách trung tâm TP.HCM khoảng 50km, với diện tích 22,5ha thuộc ấp Phú Bình, xã An Phú, huyện Củ Chi, khu du lịch "Một thoáng Việt Nam" thu hút du khách bởi được xem là vùng đất hội tụ những tinh hoa văn hóa mang nét đẹp thuần Việt.

Nơi đây có một kho tàng hiện vật cổ, tái hiện những di tích lịch sử ấn tượng vừa bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang tính giáo dục lịch sử truyền thống sâu sắc cho các thế hệ.

Độc và lạ

TP.HCM thời điểm cuối năm là những ngày mát mẻ nhất, đẹp trời nhất. Kết thúc năm cũ 2019, không khí Xuân về cũng bắt đầu rạo rực. Chỉ không đầy 50 cây số từ trung tâm quận 1, khu du lịch "Một thoáng Việt Nam" đã từng hoạt động, nhưng rồi vì nhiều lý do, ngừng mất một thời gian, giờ lại đang cấp tập xúc tiến để mở cửa lại.

Cái sự độc và lạ ở đây cũng bởi lẽ tại những người điều hành kỹ tính, cái gì cũng phải thật, cũng phải tới tận cùng bản chất, cũng hướng tới cái đẹp cái thiện, cái tốt cho con người, vì con người, vì cuộc sống tốt đẹp, chứ không chụp giật, không được chăng hay chớ.

anh-6-jpeg-3328-1579254829.jpg

Tôi cũng cảm nhận được, nó là văn hóa, một thứ văn hóa thấm sâu hồn cốt, từ đồng bằng Bắc bộ tới miền Trung Tây Nguyên rồi miền Tây sông nước, không chỉ là văn hóa tinh thần, với những không gian Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Phạm Ngũ Lão, Hồ Xuân Hương, với những hiện vật gần như có một không hai. Là lúa nước, lũy tre, khóm trúc... cũng tìm những thứ gốc rễ nhất, sâu xa nhất, như lúa ma, hàng mấy trăm loại tre.

Như sâm Ngọc Linh, thửa từ Nam Trà Mi về trồng ở vùng đất này, với một tâm nguyện, nếu trồng được, phát triển được, thì dân được dùng. Nó là hàng loạt nghề truyền thống, mời nghệ nhân bản địa về làm và biểu diễn tại chỗ, như đan lát, làm giấy, dệt... vừa giới thiệu, vừa bảo tồn, vừa truyền nghề, nó là những khu nhà cổ truyền Bắc - Trung - Nam đặt trong những mẫu làng truyền thống. Vào đấy, thấy quê hương hiển hiện, thấy lịch sử ùa về và ký ức bùng cháy...

Nó còn là công nghệ hiện đại với hệ thống phòng nuôi cấy mô, phòng lab nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp. Sản xuất các sản phẩm hữu cơ, áp dụng công nghệ cao (chế phẩm nano, chế phẩm sinh học cao cấp). Và còn sản xuất, giới thiệu các loại hương liệu, các loại nấm, từ nấm thượng hoàng, tới đông trùng hạ thảo, rồi nấm linh chi, nấm hầu thủ, nấm sò, nấm bào ngư, nấm sữa, nấm mối đen...

Còn sông, còn rừng, dẫu là rừng nhân tạo, rồi vườn kỳ hoa dị thảo... Tôi chỉ xin điểm qua để nói về một cách làm du lịch mới, bền vững và sâu, cặn kẽ và tôn trọng đời sống. Du lịch hòa đồng nhưng có đầu tư, nó khiến những chuyến đi trở nên có ý nghĩa, và người ta học được nhiều điều sau mỗi chuyến đi.

Nó tái hiện lại một đất nước Việt Nam với tất cả những gì đặc sắc và độc đáo nhất. Nó tái hiện lại những vùng văn hóa, nhân vật văn hóa một cách hiện đại nhưng gần gũi, thân thiện... Có không gian đất, không gian nước (đều được lấy từ các tỉnh thành trên cả nước), có sông, có biển, có núi, có đồi, có ruộng bậc thang, có rạn biển, có kỳ hoa dị thảo và có những loài chim thú độc lạ...

Còn nhiều chuyện rất lạ ở khu này, ví dụ cách để làm được viên gạch Chăm mà suốt thế kỷ nay loay hoay không lý giải được, hoặc về nguồn nước tinh khiết sát trùng cho du khách uống trực tiếp.

Nền tảng văn hóa và tầm nhìn

Tình cờ gặp nhà thơ Văn Công Hùng, nguyên Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyên PCT Hội VHNT Gia Lai. Chẳng biết thế nào, vừa về hưu ít tháng ông được mời làm “Cố vấn” đầu quân và phản biện cho một số hạng mục của dự án này.

0e379058e5271d794436-4995-1579254829.jpg

Ông cho rằng: “Du lịch chính là văn hóa, nó làm ra tiền nhưng phải từ từ và bền vững. Giờ thấy người ta chia ra nhiều loại hình du lịch, có du lịch sức khỏe, du lịch hội thảo, du lịch tham quan, du lịch văn hóa, du lịch tôn giáo, du lịch thăm thân... Nhu cầu du lịch ngày một tăng cao là có thật. Giờ, một cú đi như thế cũng không lấy gì làm to tát khó khăn lắm. Mỗi dịp hè, lễ, Tết, các cơ quan, đơn vị, thầy cô giáo, kể cả các trường khó khăn có cách để hằng năm thay nhau đi, là mỗi tháng lương góp mấy chục ngàn, đến hè thì tổ chức đi, đến các cơ quan thưởng bằng vé du lịch, rồi con mời, rồi đều có điều kiện để đi, để đến. Nhưng đi như thế nào cho đúng nghĩa lại là chuyện khác”.

Làm du lịch ở đây  rất cần con người, những con người cụ thể, không chỉ chăm chăm thu tiền mà phải biết phục vụ, một cách hiểu biết và tôn trọng sản phẩm du lịch, tài nguyên du lịch và thành quả du lịch... Điều đó cũng chính là tôn trọng văn hóa, mà là văn hóa thứ thiệt, nhân văn, thiết dụng và cũng đầy năng lượng để vỗ về con người ở bến bờ của yêu thương, của độ lượng, biết sống vì cái chung, vì cái đẹp...

Bà Trần Thị Tuyết Nga - chủ nhân của khu du lịch, người khởi xướng ý tưởng phát triển khu du lịch tâm sự: “Để có hình hài của Một thoáng Việt Nam, những người trong ê kíp đã có một khoảng thời gian khá dài ấp ủ kế hoạch lưu lại lịch sử hào khí của đất nước, và những giá trị đặc sắc để quản bá hình ảnh Việt Nam cho bạn bè thế giới”. 

Từ một đầm lầy chi chít hố bom do chiến tranh để lại, sau hơn 20 năm bồi đắp cải tạo, vùng đất thép Củ Chi giờ trở thành vùng đất màu mỡ, hội tụ đủ các loại cây trồng và làng nghề truyền thống. Với tổng diện tích hơn 22,5ha, nằm cạnh rạch Bò Cạp, gần sông Sài Gòn, “Một thoáng Việt Nam” gồm quần thể làng nghề thủ công truyền thống với 30 hạng mục giúp cho mọi người có thể cảm nhận những tinh hoa của đất nước Việt ở mọi giác quan.

Không có những điểm vui chơi giải trí hiện đại, không náo nhiệt, sầm uất, “Một thoáng Việt Nam” như một làng quê yên tĩnh, bình dị, mộc mạc, gợi nên lịch sử hào hùng, những hình ảnh thân quen... Hình ảnh đại gia đình các dân tộc Việt Nam được thiết kế theo kiểu hình xoắn ốc, thể hiện sự đoàn kết, tinh thần che chở cho nhau sẽ là động lực giúp đất nước không ngừng lớn mạnh.

Với tên gọi "Một thoáng Việt Nam", không chỉ là dịp Tết đến, Xuân về mà bất kỳ thời điểm nào trong năm, hy vọng mỗi khi đến và rời khỏi nơi đây, trong trí nhớ mỗi người sẽ là những bức phác thảo rõ nét nhất một Việt Nam thu nhỏ gần gũi và đẹp đẽ. Điều này không chỉ góp phần khôi phục những làng nghề truyền thống đã và đang bị mai một theo thời gian mà còn giáo dục thế hệ trẻ nhớ về nguồn cội. 

Gia Cư