“Chiến tranh tiền tệ”: Cuộc chiến được báo trước

Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 17/01/2020

Trong tác phẩm “Chiến tranh tiền tệ” của Tống Hồng Bình ra mắt đúng cách đây 10 năm, ông cảnh báo Trung Quốc rồi cũng sẽ như Nhật Bản, trở thành mục tiêu tấn công của giới tài phiệt quốc tế, mà “súng đạn” là đồng tiền. 10 năm sau, mọi việc dường như đang diễn ra như thế.
“Chiến tranh tiền tệ”: Cuộc chiến được báo trước

Lằn ranh đỏ của Trung Quốc

Ngày 5/8/2019, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa bất ngờ phá giá mạnh đồng nhân dân tệ (CNY) khi nâng tỷ giá tham chiếu USD/CNY tăng mạnh 1,6%, từ mức 6,9405 lên 7,0508, chính thức phá vỡ “lằn ranh đỏ” 1 USD ăn 7 CNY lần đầu tiên trong 10 năm. Ít lâu sau, Washington chính thức cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ sau nhiều năm chỉ dừng lại ở những lời chỉ trích.

Lý giải cho động thái phá giá tiền tệ của Bắc Kinh, có quan điểm cho rằng nhằm giảm thiểu thiệt hại từ các hàng rào thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc, cũng như để chống đỡ những cuộc tấn công tiền tệ nhắm vào nước này, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư quốc tế liên tiếp tháo chạy khỏi nền kinh tế số hai thế giới. 

Các nước khác sau đó cũng bắt đầu hành động. Không phá giá đồng tiền lộ liễu như Trung Quốc, các ngân hàng trung ương (NHTƯ) của các quốc gia khác sử dụng chính sách tiền tệ để tự làm suy yếu đồng tiền của mình, thông qua các biện pháp bơm tiền và cắt giảm lãi suất, thậm chí về mức âm sau nhiều thập kỷ. Dù tuyên bố nới lỏng chính sách để hỗ trợ kinh tế và ngăn chặn suy thoái, nhưng ai cũng hiểu rằng, các NHTƯ này đang phải chống chọi với sự mất giá của đồng CNY.

Thống kê cho thấy, có xấp xỉ 50 NHTƯ cắt giảm lãi suất trong năm 2019, trong đó có không ít ngân hàng giảm từ 2-3 lần trở lên trong thời gian ngắn. Tại châu Á, từ Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam... đều chủ động cắt giảm lãi suất. Ở châu Âu, không chỉ NHTƯ lớn thứ hai thế giới là ECB tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi xuống mức âm, mà còn có các NHTƯ khác như Thụy Sĩ, Thụy Điển... Theo Bank of America Merrill Lynch, cuộc chiến tranh tiền tệ đang diễn ra, các NHTƯ của các quốc gia hàng đầu đang bị cuốn vào cuộc chiến này.

Ngay cả Mỹ, nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng với thị trường việc làm mạnh mẽ, cũng buộc phải giảm lãi suất trong ba kỳ họp liên tiếp từ tháng 7-10/2019 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải thừa nhận đảo ngược chính sách so với kế hoạch thắt chặt đặt ra đầu năm. Hành động này nhằm hỗ trợ kinh tế và ngăn chặn đà tăng giá mạnh của đồng USD. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí sau hàng loạt lời chỉ trích nhắm vào FED và Chủ tịch Jerome Powell, sau đó còn gợi ý chính sách lãi suất âm để cạnh tranh với các nền kinh tế khác, cũng như không ngần ngại bày tỏ ý định tìm cách phá giá đồng USD nhằm thúc đẩy nền kinh tế trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Động thái này cũng được xem như để trả đũa việc các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc hay châu Âu đang thao túng tiền tệ bằng cách bơm tiền vào hệ thống, nhằm giành lợi thế về thương mại.

Cụm từ “chiến tranh tiền tệ” lần đầu tiên được nói tới bởi Bộ trưởng Tài chính Brazil vào năm 2010, khi cáo buộc Mỹ và các nước khác theo đuổi giảm giá đồng tiền để tăng cạnh tranh.

Từ chỗ đả kích các quốc gia khác, Tổng thống Trump cho thấy, Mỹ sẵn sàng thao túng tiền tệ để giành lấy lợi ích cho người Mỹ, khi Trung Quốc không chỉ dừng ở việc phá giá tiền tệ, mà sau đó tiếp tục nới lỏng chính sách, bơm tiền vào nền kinh tế và bất ngờ cắt giảm lãi suất vào những tháng cuối năm, báo hiệu sẵn sàng cắt giảm thêm trong tương lai, bất chấp áp lực lạm phát.

Vai trò thống trị của đồng USD

Cụm từ “chiến tranh tiền tệ” lần đầu tiên được nói tới bởi Bộ trưởng Tài chính Brazil vào năm 2010, khi cáo buộc Mỹ và các nước khác theo đuổi giảm giá đồng tiền để tăng cạnh tranh. Các bộ trưởng tài chính G7 và các thống đốc NHTƯ sau đó vào năm 2013 đã cam kết không lạm dụng chính sách tỷ giá hối đoái, không theo đuổi kích thích tiền tệ để làm giảm giá tiền tệ. Nhưng thực tế, ngay cả các quốc gia lớn cũng không tránh khỏi việc vi phạm thỏa thuận năm 2013 này. Không chỉ Trung Quốc mà chính Mỹ cũng đã nhiều lần tham gia, khi can thiệp bằng lời nói, đơn cử như ông Trump đã liên tiếp gây áp lực mạnh mẽ lên FED để hạ lãi suất với mục tiêu rõ ràng là làm mất giá tiền tệ.

Đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ thời gian qua, Nga thực tế đã chuyển kho dự trữ ngoại hối ra khỏi đồng USD vào năm 2018 và đang bán dầu do mình khai thác bằng các loại tiền không phải là USD. Tương tự, châu Âu hoặc Trung Quốc có thể thành công trong việc phát triển các cơ chế thanh toán thay thế, cho phép Iran bán dầu để lấy các ngoại tệ khác sau lệnh cấm vận của Mỹ.

Dù vậy, bất chấp có nhiều năm thâm hụt tài chính và tài khoản vãng lai, cộng thêm tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ ngày càng tăng lên, đồng USD vẫn được xem là đồng tiền số một toàn cầu, có lẽ do thiếu một sự thay thế tốt hơn vào thời điểm này.

Link bài viết

Vào tháng 9/2019, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) công bố báo cáo khảo sát về giá trị thanh toán của các đồng tiền trên thị trường ngoại hối toàn cầu, cho thấy đồng USD vẫn ở vị trí đầu tiên, cách xa vị trí tiếp theo là đồng euro, yên Nhật và bảng Anh. Cụ thể, 47% giá trị thanh toán toàn cầu là bằng USD, so với  mức 31% bằng euro. Hơn nữa, 88% giao dịch ngoại hối liên quan đến đồng USD, gần gấp ba lần mức 32% của đồng euro. Ngoài ra, các NHTƯ hiện nắm giữ 62% dự trữ bằng USD so với chỉ 20% bằng euro. Đồng USD cũng chiếm ưu thế đối với các biện pháp sử dụng tiền tệ khác trong thương mại và tài chính.

Trong khi đó, đồng CNY của Trung Quốc sau khi được quốc tế hóa, hiện vẫn ở vị trí thứ 8 về mức độ sử dụng để thanh toán trên thị trường ngoại hối, nhưng xét riêng trong hệ thống thanh toán SWIFT thì CNY đã tăng lên vị trí thứ 5, và cũng xếp thứ 5 về giá trị nắm giữ trong dự trữ ngoại hối của các NHTƯ. Nhiều dự đoán trước đây cho rằng, đồng CNY sẽ sớm thách thức vị trí bá chủ của đồng USD khi quy mô kinh tế nước này tăng lên. Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất hiện nay của đồng CNY là khả năng giữ giá trị sau động thái phá giá mạnh trong thời gian qua.

Trước cuộc chiến nới lỏng và phá giá tiền tệ của các NHTƯ, mà theo các chuyên gia kinh tế, đó chẳng khác nào cuộc đua xuống đáy, những ai nắm giữ tiền dường như sẽ bị thiệt. Trước sự mất giá của tiền tệ, không chỉ các tài sản tài chính mà giá hàng hóa cũng sẽ bị đẩy vọt, gây thêm áp lực lên lạm phát toàn cầu. Khi đó, thành phần có thu nhập thấp trong nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng và chịu thiệt hại nhiều nhất. Hệ quả có thể dẫn đến những bất ổn khi phân hóa giai cấp, giàu nghèo giữa các tầng lớp ngày càng bị khoét sâu.  

Lê Phan