Người xưa vẽ chuột

Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 01:00, 19/01/2020

Con chuột nhỏ bé, phá hoại mùa màng, mang mầm bệnh dữ, ngỡ không có chỗ dung thân trong tranh, ai dè loài vật mà cụ Đồ Chiểu kể tội rằng: “Nếp gạo của trời nuôi mạng, ăn phá rồi còn kéo xuống hang/ Nệm mền của chúng che thân, cắn nát rồi lại tha vào lỗ” lại được nhiều bậc danh họa từ Đông sang Tây đưa vào tác phẩm.
Người xưa vẽ chuột

Mảnh gốm với hình ảnh chuột thời Ai Cập cổ đại

Hình ảnh chuột được gắn với nhiều truyền thuyết và thần thoại, được kể trong các truyện ngụ ngôn trên thế giới. Một mảnh gốm vỡ với hình ảnh chú lính chuột dẫn giải một đứa trẻ đến trước viên pháp quan mèo hẳn là bức tranh vẽ chuột lâu đời nhất tìm thấy được: mảnh gốm có niên đại khoảng năm 1200-1085 trước Công nguyên, vào thời Ai Cập cổ đại, hiện được lưu giữ trong Viện Phương Đông thuộc Đại học Chicago (Mỹ). Thật ra, nhân vật chính trong bức tranh này là con mèo. Người Ai Cập cổ đại bày tỏ lòng tôn kính với muông thú cùng sống với họ và gắn kết hình ảnh nhiều con vật với các thần linh. Tuy nhiên, không có con vật nào được tôn kính như mèo, loài vật nuôi được xem là biểu tượng của nhiều vị thần và nữ thần; được vẽ, làm tượng, phù điêu trong các đền thờ và các lăng mộ dưới lòng kim tự tháp. Có thể chú chuột được vẽ trên mảnh gốm cổ chỉ bởi nó luôn đi một cặp với mèo như trong nhiều truyện ngụ ngôn. 

Trong truyện ngụ ngôn nổi tiếng của nhà văn Ai Cập cổ đại Aesop, có truyện về lũ chuột bàn tính việc treo chuông cổ mèo, và truyện con chuột già từng thoát chết một lần không mắc mưu mèo lần thứ hai. Truyện ngụ ngôn Aesop được lưu truyền qua nhiều thế kỷ, nhiều nền văn hóa và ngôn ngữ trên thế giới. Ở vùng Vịnh Persic, biến thể của truyện ngụ ngôn Aesop là truyện ngụ ngôn Bidpai cũng không thiếu truyện mèo - chuột, được minh họa trong một bức tranh cổ xứ Ba Tư. 

12-8064-1579330068.jpg

Tranh chuột của Tề Bạch Thạch

Trong thần thoại Ấn Độ giáo, có Thần voi Ganesha - một trong những vị thần phổ biến nhất, hình ảnh có thể tìm thấy ở khắp đất nước Ấn Độ. Ganesha là vị thần của sự thành đạt, người bảo trợ của giáo dục, trí tuệ và sự giàu có, luôn giúp đỡ con người vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Tuy có kích thước của một con voi nhưng Ganesha lại cưỡi một con... chuột khi di chuyển; điều này được giải thích: Voi thần Ganesha tượng trưng cho sức mạnh dễ dàng đạp đổ mọi khó khăn, còn chuột thần Musaka tượng trưng cho sự linh hoạt và khéo léo vượt qua mọi chướng ngại.

Với hội họa phương Tây, năm 1632 họa sĩ vĩ đại người Hà Lan Rembrandt van Rijn đã vẽ một loạt tranh khắc axit, thể hiện một người bán rong thuốc giết chuột. Ông ta vác một cây sào treo lủng lẳng xác mấy con chuột chết để quảng cáo công dụng của thuốc. Song đáng kinh hãi là trên chót vót cây sào và trên vai ông vẫn còn hai con chuột sống nhăn! Bên cạnh người bán thuốc chuột là một chú bé trợ lý cầm một cái hộp đựng loại độc dược giết chuột. 

Đặc biệt, hình ảnh chuột hiện diện rất nhiều trong tranh Trung Hoa và Nhật Bản thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Họa sư người Nhật Katsushika Hokusai (1760-1849) sống vào thời Mạc Phủ, một bậc thầy về tranh in “phù thế” (ukiyo-e), đã sáng tác một số tranh với chuột là nhân vật chính, được biết đến nhiều là bức Chuột với đầu cá hồiHai con chuột, một con nằm chống tay lên cằm nhân cách hóa loài gặm nhắm này. Sakamaki Kơgyo (1869-1927) sống vào thời Minh Trị, nổi tiếng với các tranh in mộc bản khổ lớn, trong đó có bức Chuột và củ cải đường cực kỳ sinh động. Nhiều tranh của ông được lưu giữ tại các bảo tàng mỹ thuật lớn ở Anh, Mỹ và nhiều nước phương Tây. Ogata Gekko (1859-1920), sư phụ của Sakamaki Kơgyo, có bức Chuột ở Kuroishi vẽ mèo bị chuột tấn công - phải chăng phim hoạt hình Tom và Jerry lấy cảm hứng từ bức tranh lạ lùng này. Còn với bức Một đạo sĩ hóa thân thành chuột của Yoshitoshi Tsukioka (1839-1892), bậc thầy cuối cùng của thể loại tranh ukiyo-e, có lẽ nhân vật chuột trong tranh chính là sư phụ chuột trong loạt phim ăn khách về các ninja rùa.

6-1369-1579330069.jpg

Tĩnh vật với chú chuột - tranh sơn dầu của họa sĩ Hà Lan Abraham van Beyeren (1620-1690); con chuột nhắt trong tranh được vẽ bé xíu

Tề Bạch Thạch (1864-1957) không chỉ lưu danh thiên cổ với tranh thủy mặc vẽ bầy tôm cả trăm con sống động, vị họa sư Trung Quốc còn vẽ tranh chuột cũng tuyệt đẹp. Trần Thụ Nhân (Yang Shan Shen, 1913-2004), một trong ba bậc thầy lớn của họa phái Lĩnh Nam trong nghệ thuật thủy mặc Trung Hoa, có tác phẩm Chuột nhà nông được đưa lên sàn đấu giá Christie’s Hồng Kông ngày 29/11/2011 và được chốt giá gần 83.000 USD: Con chuột cao giá nhất!

Ở Việt Nam, tranh dân gian Đông Hồ Đám cưới chuột là bức tranh rất thích hợp để làm đẹp không gian sống vào mùa Xuân Canh Tý 2020. 

Diên Vỹ