Vui chưa trọn vẹn ở làng nghề bánh tráng giấy Tường Lộc
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 02:00, 20/01/2020
Khác với những năm trước khi về thăm làng nghề bánh tráng giấy (BTG) xã Tường Lộc (xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) vào những ngày cận Tết, Tết năm này chúng tôi nhận ra sự trầm lắng của làng nghề vốn được xem là sầm uất, nhộn nhịp quanh năm.
Ông Thiều Văn Hớn - tổ trưởng tổ hợp tác (THT) BTG Tường Lộc lo lắng nói: "Trước đây làng nghề có trên 50 thành viên với hơn 300 lao động thì hiện chỉ còn xấp xỉ 30 hộ theo nghề với khoảng 150 lao động. Đã vậy, giá nguyên liệu lại tăng cao nhưng thương lái không tăng giá mua nên nhiều hộ bỏ nghề hay sản xuất cầm chừng. Bỏ thì thương, vương thì mệt".
Nhớ lại những năm trước đây, làng nghề BTG Tường Lộc một thời vang bóng, có mặt hầu hết tại các địa phương kể cả xuất khẩu sang Campuchia. Bình quân mỗi ngày làng nghề này cùng cấp ra thị trường từ 2 đến 2,5 tấn bánh.
Những người thợ đang làm bánh của làng nghề BTG Tường Lộc. |
Những ngày cao điểm con số này tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với ngày thường nhưng đó chỉ là con số đi vào quá khứ bởi quy luật khắt khe của thương trường. Cụ thể, hiện mỗi ngày làng nghề này chỉ cung cấp khoảng 1 tấn bánh ra thị trường.
Với những đặc điểm rất độc đáo như thơm, ngon, béo, bảo quản được lâu, nhiều mẫu mã, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá thành chấp nhận được, nên BTG Tường Lộc luôn là sự lựa chọn của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Bà Phan Thị Quế Hương - Việt kiều Bỉ cho biết: "Tết năm nào tôi cũng về Việt Nam thăm quê hương. Và cứ mỗi lần như vậy tôi đều đặt mua khá nhiều BTG Tường Lộc để làm quà cho người thân bên đó. Họ rất thích loại đặc sản rất độc đáo này bởi vừa ngon lại vừa nhớ về hồn cốt quê hương Việt Nam".
Ông Thiều Văn Hớn, tổ trưởng THT nói thêm: "BTG ở đây chủ yếu thường được dùng để gói xôi, làm kẹo, ăn tươi… và một số công dụng khác. Làng nghề này đã tồn tại và phát triển gần 40 năm".
Nguyên liệu chính để làm bánh là bột mì, nước cốt dừa, đường cát, trứng và mè đen được pha trộn theo công thức đặc biệt mà chỉ ở làng nghề BTG Tường Lộc này mới áp dụng. Nguyên liệu phải ‘khuấy’ thật đều bằng máy. Đây là một trong 17 làng nghề ở tỉnh được công nhận làng nghề đạt tiêu chí theo quy định, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm người dân nơi đây, giúp nhiều hộ thoát nghèo ổn định kinh tế gia đình.
Nếu như năm 2017 về trước, đa phần các cơ sở làm bánh sử dụng phương pháp thủ công (dùng củi để nướng bánh) thì nay đã có khoảng 10 hộ trang bị các dụng cụ nướng bánh bằng điện để đạt được ưu điểm chất lượng và sản lượng tăng cao, đảm bảo an toàn cho người lao động lẫn chất lượng sản phẩm đồng đều về mùi vị, màu sắc, độ giòn.
Người lao động dễ dàng chủ động nguồn nhiệt phù hợp và không bị áp lực về nguồn nhiệt so với cách làm truyền thống. Mới đây, THT đã trang bị nhiều máy tự động phun bột vào máy tráng, thiết bị này từ động nướng bánh đúng với yêu cầu cài đặt và tự tách bánh ra khỏi máy.
Bánh tráng giấy chuẩn bị xuất đi. |
Người lao động chỉ việc xếp bánh theo yêu cầu vào các bao bì. Bình quân, mỗi thùng bánh có trọng lượng 2,9kg (trong đó bao bì nặng 300g). Với thiết bị hiện đại trị giá từ 170 đến 200 triệu này (nhà nước hỗ trợ 30 - 50%), mỗi giờ sẽ cho ra từ 26 - 30kg thành phẩm, cao gấp 5 lần so với cách làm thủ công.
Bà Võ Thị Hoa, 60 tuổi, người đã theo nghề này gần 40 năm cho biết thêm: "Làm bánh bây giờ khỏe re, máy móc làm thay thế con người nhiều lắm, thu nhập khá hơn rất nhiều so với trước, 3 mẹ con sống bằng nghề này cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình. Vả lại, cái nghề này do ông bà truyền lại nên mình phải biết giữ gìn, phát triển. Tuy nhiên, trong tương lai ngày càng có nhiều máy tự động thì sẽ có hàng trăm lao động sẽ thất nghiệp. Lo lắm…".
Ngày Tết gần kề, cũng là lúc làng BTG Tường Lộc tăng tốc cả ngày lẫn đêm nhưng tổng sản phẩm làm ra chỉ đạt 60 - 70% so với Tết năm trước bởi đơn đặt hàng không nhiều, nguồn lãi từ các cơ sở sản xuất không cao, thu nhập của lao động từ đó cũng giảm dần. Tuy nhiên, rất nhiều thành viên THT vẫn quyết tâm đeo bám, duy trì sức sống của một làng nghề đang đứng trước nhiều nghiệt ngã của thương trường.