Khi chữ Tín đi cùng tiếp thị hiện đại
Phong cách sống - Ngày đăng : 07:00, 23/01/2020
Chuyến đi thực tế do Hội Nhà văn TP.HCM và UBND quận 5 phối hợp tổ chức. Quả thật, những người sống lâu năm ở Sài Gòn không lạ gì Chợ Lớn với các phố như phố Đông y đặc mùi thuốc Nam, thuốc Bắc thơm nức cả trời đất; chợ vải Soái Kình Lâm rực rỡ sắc màu; những hội quán, phố tranh thủy mặc, phố đèn lồng... Đi thực tế mới thấy, vì sao cách hoạt động kinh doanh của các doanh nhân ở đây lại có sức bền bỉ theo thời gian.
Xe chở đoàn nhà văn đỗ xuống một nhà hàng đồ ăn Tàu. Ngạc nhiên! Sao trong lúc có chuỗi nhà hàng nổi tiếng với số vốn nước ngoài đổ vào hàng chục triệu đô phải đóng cửa, thì nhà hàng Ái Huê có thương hiệu hơn 70 năm (từ năm 1946) vẫn phát triển hoành tráng, lại còn mở thêm các chuỗi nhà hàng, cửa hàng bánh ngọt. Nghe từ lâu câu vè vui của người Sài Gòn: “ăn quận 5, nằm quận 3, la cà quận 1”, giờ mới thật nếm “chuyến phiêu lưu của vị giác” có thể lên tới 10 món tuyệt đỉnh, từ khai vị cho đến tráng miệng. Rồi còn được biết “ăn quận 5” không chỉ là các món cao lương mỹ vị, mà còn ngạc nhiên nghe kể ngày xưa có “hàng cháo muối” (nay nằm ở đường Trần Hưng Đạo), từ câu chuyện gánh cháo muối của người đàn ông Triều Châu gánh bán cho người ăn khuya. Rồi rảo quanh các tuyến đường trong Chợ Lớn mà xem, đủ hàng quán mì, hủ tiếu, há cảo... Người bán hàng thì xướng to tên các món ăn, món uống, còn khách gọi vừa tiếng Tàu, tiếng Việt kéo dài trầm bổng nghe thật vui và yên bình.
Bây giờ mới nhớ được các con số ấn tượng: quận 5 có tới 10.322 hộ kinh doanh, 7.800 doanh nghiệp, trong đó có nhiều thương hiệu tồn tại hàng chục năm: nhà hàng cơm gà Đông Nguyên (74 năm), khách sạn Thiên Hồng Arc-en-ciel (hơn 70 năm), gia vị Việt Ấn (61 năm), thực phẩm Cholimex (36 năm), tiệm bánh Hỷ Lâm Môn (35 năm)...
Dù quận 5 đã hòa chung vào sự phát triển của TP.HCM, vươn tới hiện đại, nhưng hình ảnh vùng đất này đến từ những cái tên gọi rất đời thường. Xe dừng cho các nhà văn tham quan vài phố hàng như phố vàng bạc đá trang sức, phố Đông y, phố thời trang, phố tranh... Bên cạnh đó, còn là các chùa cổ đặc trưng; hội quán Nghĩa An (còn gọi là chùa Ông) tồn tại qua hai thế kỷ, một công trình có giá trị về kiến trúc và nghệ thuật, như điêu khắc, chạm đá, chạm gỗ tinh tế từ những điển tích cổ xưa cho đến sinh hoạt đời thường, năm 1993 được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Từ năm 2016, UBND quận 5 thí điểm đưa đường Lương Nhữ Học thành tuyến phố Đông y, đồng thời là điểm du lịch của Thành phố. Trong kế hoạch của UBND quận 5, phố Đông y gồm ba tuyến đường Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục, Hải Thượng Lãn Ông với hơn 100 cơ sở kinh doanh, sản xuất, khám chữa bệnh bằng thuốc Đông y, phủ kín 2km sẽ thành điểm du lịch hấp dẫn. Khách có thể được xem cảnh chế biến và những mẻ rang thuốc thơm lừng. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, việc kinh doanh truyền thống ở đây cũng song hành cùng cách tiếp thị hiện đại. Các cơ sở sản xuất, hiệu thuốc giờ đây có cả website, Facebook, Zalo, Viber... để tiếp thị với khách hàng.
Cung cách kinh doanh trọng chữ tín của người quận 5 như một nét truyền thống và đặc biệt. Bất chợt ghé vào cửa hàng của Công ty CP Kỳ Bá Linh trên đường Hải Thượng Lãn Ông, hỏi vài câu với cô bán hàng sẽ thấy họ kết hợp khá hay giữa làm marketing hiện đại với chữ tín truyền thống. Cô cho biết, cửa hàng có khoảng 400-500 khách quen truyền thống và khoảng 100 khách mới. Khách hàng tìm đến đây mua thuốc, có lương y gia truyền Minh Đạo khám trị một số bệnh nặng, hiểm nghèo. Nhìn các kệ tủ hoành tráng đầy thuốc Đông y thảo mộc, nhưng cô bán hàng bảo cứ sau khoảng 10 ngày là nhập hàng mới. “Số thuốc này chắc chắn hết, vì cửa hàng biết rõ lượng khách”, cô bảo. Thì ra, chữ tín truyền thống vẫn sống cùng làn sóng digital marketing thời công nghệ. Các nhà văn bận rộn hỏi han ghi chép, chụp hình. Cửa hàng đông đúc hơi ngỡ ngàng trước cảnh tíu tít khác thường ấy. Họ cười đùa hỏi: Nhà văn à? Chứ nếu là nhà báo thì hơi sợ đấy! Vì các nhà văn họ ít được đi, ít lùng sục và hay xúc cảm. Có khi sau chuyến đi, họ về làm thơ chứ ít phê bình như nhà báo!
Không thích thú sao được cách kinh doanh nơi đây khi biết ở đây là nơi sớm hình thành nền kinh tế hàng hóa, buôn bán và sản xuất giỏi. Từ ngày xưa đã có xóm Vôi, xóm Bột, xóm Lò Rèn... Nơi đây cũng có nhiều chợ nhất ở TP.HCM và các khu vực buôn bán tập trung các mặt hàng kinh doanh chuyên biệt như kim khí điện máy Hùng Vương - An Dương Vương; trang trí nội thất Hàm Tử - Trần Văn Kiều; đồ hộp, rượu bia cao cấp Nguyễn Tri Phương; đá mài, cẩm thạch Hàm Tử... Các khu phố nổi tiếng chả thua gì “phố cổ Hà Nội”.
Nói đến quận 5, mọi người hay nghĩ ngay đến kiểu China Town có ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng ở đây, ta sẽ gặp sự giao hòa đan xen giữa văn hóa cổ kính với hiện đại, giữa cộng đồng các dân tộc mà có lúc, có nơi nét văn hóa của cộng đồng người Hoa nổi trội. Ví dụ, nét khác biệt dễ nhận ra là yếu tố tín ngưỡng - văn hóa trong mỗi ngôi nhà sinh sống của người dân.
Một hành trình khám phá tuy ngắn, nhưng các nhà văn ai cũng thích thú và khen rất nhiều cái mới mà các nhà kinh doanh nơi đây đã bắt kịp xu hướng của thời đại. Chứ không như suy nghĩ ban đầu, có người nghĩ là biết cả rồi, “thỉnh thoảng chạy vô mua sắm quận 5 ngay đây chứ có gì lạ!”.
Bà Tô Tuệ Lang - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 5: | |
|