Nhận diện đội ngũ doanh nhân Việt Nam thế kỷ XXI
Chân dung - Ngày đăng : 07:00, 25/01/2020
Doanh nhân luôn gắn liền với thương hiệu của một doanh nghiệp (DN). Trong vòng hai thập niên đầu thế kỷ XXI, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về lượng và chất, ngày càng có vai trò trụ cột, động lực cơ bản cho phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế. Có thể phác họa một số đặc điểm chủ yếu của thế hệ doanh nhân 3.0, thế hệ doanh nhân thế kỷ XXI như sau:
Thứ nhất, sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng doanh nhân gắn với sự phát triển của DN, đặc biệt là DN khu vực tư nhân. Hiện nay, với trên 715.000 DN, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh (trong đó có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký), thì số lượng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lên đến trên 5 triệu người. Khu vực DN đã đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động.
Thứ hai, giới doanh nhân Việt Nam ngày càng thành công trên con đường kinh doanh, làm giàu cho DN và cho đất nước. Theo Báo cáo thịnh vượng 2019 (Wealth Report), năm 2018 Việt Nam có 142 người sở hữu từ 30 triệu USD trở lên, tăng 7 người so với năm 2017. Còn theo hãng nghiên cứu thị trường Statista của Đức, số triệu phú đô la ở Việt Nam tăng liên tục, nếu năm 2013, Việt Nam có 10.000 triệu phú, thì năm 2017 tăng lên 11.790 người, năm 2018 là 12.330 người và năm 2023 sẽ đạt 15.780 người... Những gương mặt doanh nhân nổi tiếng được các tổ chức quốc tế vinh danh ngày càng nhiều như Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup), Nguyễn Thị Phương Thảo (Tổng giám đốc Vietjet Air), Trần Bá Dương (Chủ tịch Công ty CP Ô tô Trường Hải), Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát), Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Tập đoàn Masan), Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank), Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên), Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai), Mai Kiều Liên (Tổng giám đốc Vinamilk), Thái Hương (Tổng giám đốc BacA Bank)...
Thứ ba, trong hai thập niên qua, xuất hiện một thế hệ doanh nhân mới với khát vọng làm giàu cho đất nước, vươn ra thế giới, khẳng định giá trị thương hiệu toàn cầu. Có thể kể đến một vài thương hiệu điển hình gần đây như: (i) Tập đoàn Vingroup có những “bước đi” vươn ra thị trường thế giới, với sự hiện diện của Vsmart ở Tây Ban Nha, VinFast ở Đức, VinTech ở Hàn Quốc... (ii) Tập đoàn Viettel đến nay đã đầu tư tại 10 quốc gia, từ Campuchia, Lào, Myanmar, Đông Timor, đến Burundi, Mozambique, Tanzania, Cameroon, Haiti, Peru; (iii) Tập đoàn FPT đã có quan hệ với các đối tác công nghệ hàng đầu thế giới như IBM, Microsoft, Apple, Amazon...; (iv) Trong lĩnh vực hàng không, sự ra đời của Bamboo Airways cùng với Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco, đã làm gia tăng khả năng cạnh tranh và vươn tầm thế giới của ngành hàng không Việt Nam; (v) Vinamilk là thương hiệu nổi tiếng và phát triển bền vững ở Việt Nam, hiện nay sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại 43 thị trường trên thế giới, chiếm 50% thị phần sữa trong nước với hơn 200 sản phẩm. Bên cạnh đó, còn nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như NutiFood, Cafe Trung Nguyên, Thép Hòa Phát, VNG, VNPT, CMC...
Thứ tư, đặc điểm nổi bật của đội ngũ doanh nhân thế hệ mới là sự gia tăng các doanh nhân trẻ. Điều này đồng nghĩa với sự gia tăng tri thức, năng lực tiếp thu cái mới, tính năng động và quyết đoán, khả năng hội nhập toàn cầu. Có thể thấy, phần lớn doanh nhân trẻ đều thành công ở các lĩnh vực kinh tế sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế số và đầu tư khởi nghiệp. Theo báo cáo thường niên về tình hình đầu tư khởi nghiệp của Topica Founder Institute (TFI), năm 2018 các công ty khởi nghiệp của Việt Nam đã thu hút được 889 triệu USD từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, gấp ba lần năm 2017 (291 triệu USD). Liên quan đến lĩnh vực này, theo Vietnam Tech Investment Report (2019), chỉ trong hai năm, Việt Nam đã vươn từ hạng 5/6 nước ASEAN về hệ sinh thái khởi nghiệp lên vị trí thứ 3, chỉ sau Indonesia và Singapore. Cũng theo báo cáo này, trong nửa đầu năm 2019, các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam đã huy động được 248 triệu USD.
Thứ năm, điểm nổi bật của thế hệ doanh nhân 3.0 là sự gia tăng mạnh mẽ của lực lượng doanh nhân nữ, nhất là giới trẻ. Phát huy ưu thế của nữ giới, các doanh nhân nữ không chỉ thể hiện năng lực quản trị, mà còn thể hiện sự dịu dàng, duyên dáng nhưng bản lĩnh, quyết đoán và có tầm. Những năm gần đây, bên cạnh một lực lượng đáng kể doanh nhân nữ thành danh, khẳng định vị thế trên thương trường và có tầm ảnh hưởng đến xã hội, đã xuất hiện ngày càng nhiều doanh nhân nữ trẻ, tài năng, giàu bản lĩnh sáng tạo và thành công trên thương trường. Điển hình, năm 2019, Tạp chí Forbes chọn 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, trong đó Việt Nam có hai đại diện là: Nguyễn Thị Phương Thảo - nhà sáng lập và Tổng giám đốc Vietjet Air, Trần Thị Lệ - Tổng giám đốc NutiFood.
Thứ sáu, phát huy truyền thống yêu nước, trách nhiệm công dân, đội ngũ doanh nhân thế hệ mới tham gia ngày càng nhiều các hoạt động chính trị xã hội, đóng góp thiết thực cho công cuộc phát triển của đất nước. Vai trò của đội ngũ doanh nhân trong Quốc hội và tổ chức đoàn thể xã hội ngày càng tăng. Doanh nhân tham gia tích cực cho phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa thể thao; đóng góp quan trọng trong các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, các hoạt động từ thiện khác.
Thứ bảy, thế hệ doanh nhân mới ở Việt Nam hiện nay đưa truyền thống yêu nước lên một tầm vóc mới bằng chính tri thức, sự nhạy bén và quyết tâm “dấn thân” vào những lĩnh vực kinh doanh có tính đột phá, sáng tạo. Đội ngũ doanh nhân này không chỉ có ý chí làm giàu, mà còn có khát vọng sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, có nền kinh tế phát triển vào năm 2045, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Những việc làm thiết thực gần đây như phong trào “Doanh nhân hiến kế, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân một sáng kiến”, Diễn đàn Doanh nhân “Việt Nam 2045 - Khát vọng hùng cường và sứ mệnh doanh nhân”... là những minh chứng đầy thuyết phục cho khát vọng đó.
Bên cạnh những phẩm chất nổi bật, đội ngũ doanh nhân mới của Việt Nam hiện nay cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ, số lượng thương hiệu toàn cầu của Việt Nam còn khá khiêm tốn, 98% DN có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, sự kết nối giữa các DN còn khá lỏng lẻo, sức mạnh cộng đồng của đội ngũ doanh nhân chưa cao... Tuy nhiên, đây là những hạn chế khó tránh khỏi đối với đội ngũ doanh nhân còn khá non trẻ đang trong quá trình vươn mình để phát triển. Bằng những phẩm chất và thành quả đạt được, đội ngũ doanh nhân Việt Nam thế hệ mới chắc chắn sẽ phát triển mạnh, đảm đương vai trò trụ cột, là động lực cơ bản cho sự phát triển phồn vinh của Việt Nam trong các thập kỷ tới.